Sân khấu hóa các lễ hội truyền thống: Còn băn khoăn

Nhằm bảo tồn các lễ hội truyền thống của người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh, những năm qua, một số địa phương, ngành Văn hóa đã thực hiện sân khấu hóa các lễ hội. Điều này tuy có mặt tích cực nhưng cũng có những băn khoăn nếu chúng ta quá lạm dụng.

Một cách để bảo tồn

Trong dịp Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023, đông đảo người dân và du khách đã rất thích thú khi tham gia hoạt động tái hiện lễ hội Cầu ngư do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh mời người dân ở 2 phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường (TP. Nha Trang) thực hiện. Đoàn rước của mỗi phường cũng có đầy đủ lễ bộ, trang phục, đạo cụ truyền thống và thực hành các nghi thức múa hát, tế lễ tương tự như một lễ hội thực thụ của người dân. Sau đó, các đoàn về sân khấu ở khu vực công viên bờ biển đối diện đường Tuệ Tĩnh để diễn các nghi thức trong lễ hội Cầu ngư.

Không khí rộn ràng của lễ hội Cầu ngư do người dân phường Vĩnh Trường (TP. Nha Trang) tổ chức.

Mới đây, thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, UBND huyện Khánh Vĩnh đã thực hiện việc phục dựng lễ ăn mừng đầu lúa mới của đồng bào Raglai bằng hình thức sân khấu hóa. Trên sân khấu chính có dựng mô hình một cây nêu bằng tre, bên dưới gốc cây nêu, các nghệ nhân và người dân đến từ thôn Bến Khế (xã Khánh Bình) lần lượt bày biện mâm cỗ cúng thần linh, thực hiện những nghi thức cúng tế truyền thống của đồng bào.

Trên thực tế, việc tái hiện các lễ hội truyền thống của người Kinh hay ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh dưới hình thức sân khấu hóa đã diễn ra từ nhiều năm nay. Huyện Khánh Sơn cũng từng đưa lễ ăn mừng đầu lúa mới, lễ tạ ơn cha mẹ của đồng bào Raglai lên sân khấu để trình diễn. Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cũng thực hiện việc tái hiện lễ cúng bến nước của đồng bào Ê đê ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) bằng cách sân khấu hóa để đưa ra giới thiệu tại thủ đô Hà Nội… Mặt tích cực của việc sân khấu hóa lễ hội truyền thống chính là chúng ta có thêm một cách thức để góp phần bảo tồn, giới thiệu giá trị của những lễ hội này đến đông đảo công chúng, thông qua hoạt động tái hiện trên sân khấu có thể hình dung được phần nào những nghi thức, nghi lễ, tập tục trong mỗi lễ hội. Bên cạnh đó, việc sân khấu hóa cũng nhằm giữ lại những nét đẹp văn hóa và loại trừ những hủ tục, từ đó dần chuẩn hóa các nghi thức, nghi lễ trong lễ hội truyền thống theo hướng phát huy bản sắc, giá trị tốt đẹp.

Không nên lạm dụng

Trong bối cảnh hiện tại, việc sân khấu hóa lễ hội truyền thống là việc cần làm, nhưng cũng không nên quá lạm dụng bởi một lễ hội, một di sản văn hóa phi vật thể chỉ thực sự có được sức sống khi ở trong chính môi trường sinh ra nó. Nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức cho rằng: “Mỗi lễ hội đều có không gian, thời gian riêng. Chẳng hạn, lễ hội Cầu ngư của người dân miền biển vốn là di sản văn hóa của những làng biển và thường được người dân tổ chức vào mùa xuân hoặc mùa thu. Nếu chúng ta đưa lễ hội tổ chức vào mùa hè và tách rời ra khỏi không gian các làng biển thì vô tình làm mất đi cái hồn, tinh thần của lễ hội. Tương tự, các lễ hội của ĐBDTTS, khi chúng ta sân khấu hóa thì chỉ giữ được cái vỏ mà thiếu đi những yếu tố mang tính giá trị cốt lõi của lễ hội đó”.

Người dân thôn Bến Khế (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) tham gia tái hiện lễ ăn mừng đầu lúa mới dưới hình thức sân khấu hóa.

Quả thực, việc xem đồng bào Ê đê ở xã Ninh Tây tổ chức lễ cúng bến nước vào sáng mùng 1 Tết âm lịch vẫn ấn tượng và ý nghĩa hơn so với xem trình diễn trên sân khấu. Hay xem đồng bào Raglai ở thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn) tổ chức lễ ăn mừng đầu lúa mới tại ngôi nhà dài vẫn cảm nhận được sự trang nghiêm hơn… Việc đem các lễ hội lên trình diễn trên sân khấu không nên quá lạm dụng bởi rất dễ dẫn đến những hiểu biết chưa chuẩn xác về các lễ hội nguyên bản. Trong một lần trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về nội dung này, ông chia sẻ: “Nếu đi hỏi những nghệ nhân, người dân trực tiếp tham gia trình diễn các lễ hội trên sân khấu, tôi dám chắc họ sẽ mong muốn được tham gia lễ hội ở chính không gian quê hương của mình hơn. Tôi có dịp đi xem tái hiện một số lễ hội truyền thống ở tỉnh Khánh Hòa cũng như một số địa phương khác và đều thấy sự vụng về của những người dân bình thường khi bất đắc dĩ phải trở thành những diễn viên. Lễ hội truyền thống chỉ thực sự giữ được hồn cốt, bản sắc của nó khi được diễn ra ở chính trong cộng đồng đã sản sinh ra nó”.

Vậy nên chăng, bên cạnh việc bảo tồn theo hướng phục dựng sân khấu hóa lễ hội, các cơ quan chức năng và địa phương nên có sự đầu tư cho chính người dân ở những nơi đang gìn giữ, tổ chức các lễ hội truyền thống. Từ đó, các lễ hội của người dân vẫn được diễn ra trong môi trường cộng đồng dân cư, nhưng lại được tổ chức bài bản, quy mô và đạt hiệu quả thiết thực hơn. Khi đó, khách du lịch sẽ được trải nghiệm thực tế không khí các lễ hội, chứ không phải chỉ đơn thuần xem biểu diễn lễ hội truyền thống.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202312/san-khau-hoa-cac-le-hoi-truyen-thongcon-ban-khoan-2874e39/