Sân golf Đak Đoa FLC 2.000 tỷ hoang tàn và những hệ lụy

Sân golf Đak Đoa của Tập đoàn FLC tại Gia Lai lâm cảnh hoang tàn, hàng nghìn cây thông chết khô… nhưng công tác xử lý chưa có kết quả cuối cùng.

Hoang tàn đại dự án sân golf

Trái ngược với những thông tin quảng bá rầm rộ về quy mô sân golf, các khu phức hợp nghỉ dưỡng, nhà đất khi sân golf Đak Đoa được chủ đầu tư là Tập đoàn FLC khởi động, những ngày qua, có mặt tại hiện trường dự án, PV dễ dàng ghi nhận toàn cảnh hoang tàn, im ắng.

Sau tấm pa-nô quảng cáo: “FLC Gia Lai golf club - Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái bậc nhất Tây Nguyên” còn sót lại ở cánh cổng, là xác hàng trăm cây thông bị đốn hạ nằm chất đống, mục nát. Những lóng gỗ bị chặt khúc chất cao vài mét. Tất cả máy, móc nhân công đều đã rút đi.

Rừng thông Đak Đoa (Gia Lai) trước khi dự án sân golf xuất hiện

Những khoảnh đất bị cày ủi làm đường golf bị bỏ dở, hàng chục ống cống tập kết nằm trên đất phơi mưa, phơi nắng. Bên trong dự án này, chủ đầu tư rải đá dăm làm 2 con đường ngắn vài chục mét, giờ cỏ mọc rậm rạp. Dự án nghìn tỷ đã bỏ hoang gần cả năm nay.

Ở cổng chính vào dự án, Tập đoàn FLC chỉ mới xây mấy ụ bê-tông với các cột thép hoen gỉ. Từ bên ngoài nhìn vào, hàng rào là những tấm tôn kết lại chạy dài hơn 5km, bị mưa nắng nhuộm bạc phếch…

Dự án sân golf Đak Đoa xuất hiện, bắt đầu "gặm nhấm" rừng thông

Chiều muộn, ông Nguyễn Văn Hoàng (67 tuổi, trú thôn 4, xã Glar, huyện Đak Đoa) lại tranh thủ đạp vòng xe ra phía dự án, ngoái nhìn về phía những chồng cây thông chết khô, đầy tiếc nuối: “Đây là rừng thông bonsai, có dáng rất đẹp, rất giá trị của Tây Nguyên. Phải mất 30 - 50 năm mới hình thành được rừng thông nhưng lại bán tháo cho doanh nghiệp. Giờ dự án đứng bánh, còn người dân mất rừng thông, không gì có thể bù đắp được”.

Theo tìm hiểu của PV, để ưu ái cho FLC triển khai dự án sân golf này, tỉnh đã bán đi gần 60.000 cây thông cho Tập đoàn FLC với giá 18,9 tỷ đồng. Tính ra mỗi cây chỉ có giá 300.000 đồng, rất rẻ mạt so với giá thị trường ngày đó.

Thực tế, khi di thực gần 2.300 cây thông để làm sân golf, chủ đầu tư đã làm chết hơn 2.000 cây được trồng từ năm 1976. Số còn lại cũng chết khô hoặc không thể phục hồi theo số phận của dự án.

Về đâu thị trường BĐS ăn theo sân golf?

Cả nghìn cây thông chết khô ở dự án sân golf

Không riêng đồi thông, thị trường BĐS trong và ngoài dự án, vốn “ăn theo” đầy sôi động ở những giai đoạn đầu triển khai, nay cũng lâm cảnh im lìm, rớt giá và những vấn đề pháp lý chưa thể tháo gỡ.

Để tạo điều kiện làm dự án, Gia Lai còn “sốt sắng” bán hàng chục ha đất cho tập đoàn FLC với giá 422 tỷ đồng. Khi tập đoàn này nộp tiền, Gia Lai đã cấp cho FLC 1.480 sổ đỏ với mục đích đất ở đô thị.

Sổ đỏ được cấp vào tháng 2/2021 theo sự ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai lúc bấy giờ là ông Võ Ngọc Thành. Tuy vậy, vào tháng 4/2021, dự án sân golf Đak Đoa mới được Trung ương phê duyệt chủ trương đầu tư. Theo Sở TN&MT Gia Lai, thời điểm khi được cấp sổ đỏ, Tập đoàn FLC đã thế chấp khoảng 600 - 700 sổ đỏ vào một ngân hàng có trụ sở ở Hà Nội.

Sổ đỏ tại dự án mà Gia Lai cấp cho Tập đoàn FLC

Một giám đốc doanh nghiệp ở Gia Lai phân tích: Mỗi lô đất ở dự án sân golf Gia Lai có giá thị trường từ 1,5 - 2 tỷ đồng. Như vậy, với 1.400 sổ đỏ, Tập đoàn FLC đã có thể bỏ túi từ 2.200 - 2.800 tỷ đồng.

Khi FLC vào làm dự án sân golf ở Gia Lai, Tập đoàn này dẫn theo Công ty Cổ phần Quản lý vốn và Tài sản FLC Holding (trực thuộc Tập đoàn FLC) vào cùng, để bán đất nền biệt thự và nhà liền kề thuộc dự án.

Công ty này đặt văn phòng chi nhánh tại 59 Hùng Vương, TP Pleiku (Gia Lai), quảng cáo là phân phối độc quyền đất nền và biệt thự nhà ở tại dự án sân golf Đak Đoa.

Tuy nhiên, khi dự án này bị kết luận nhiều vi phạm, chi nhánh công ty này đóng cửa then cài, tiến hành trả mặt bằng. Nhiều người dân ở Gia Lai mua đất gần dự án ăn theo sân golf giờ “sa lầy”, bán không được, trả nợ không xong. “Tôi mua 2 lô đất ở trục đường sát dự án cả tỷ bạc, giờ rao bán không ai mua”, anh N.V.H (47 tuổi, ở TP Pleiku, Gia Lai) than thở.

Xử lý cách nào?

Hàng trăm cây thông bị đốt cháy, cưa bỏ

Tìm hiểu PV, từ đầu tháng 4/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai phân công lịch họp bàn với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, nhằm hoàn tất hồ sơ lên Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ thu hồi chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa.

Tại cuộc họp báo định kỳ của UBND tỉnh Gia Lai ngày 11/4, rất nhiều PV dự họp chất vấn về việc khắc phục dự án sân golf nghìn tỷ này.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Văn Lộc trả lời rằng, việc xử lý các sổ đỏ, khắc phục các cây thông chết cần phải có thời gian. “Xử lý các tồn tại ở đây phải có thời gian, hiện giờ đang làm, chưa thể trả lời được”, ông Lộc nói.

Dang dở dự án sân golf Đak Đoa 2.280 tỷ đồng

Bàn về sai phạm tại dự án sân golf này, Luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, phân tích: Đối với 2.000 cây thông mà Gia Lai cho phép Tập đoàn FLC đánh chuyển nhưng không kiểm tra, làm sai quy trình khiến 2.000 cây thông bị chết có dấu hiệu của hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối với việc cấp 1.480 sổ đỏ cho Tập đoàn FLC, luật sư cho rằng, cần phải kiểm tra lại quy trình một cách toàn diện. Cụ thể, các thửa đất đó đã đủ điều kiện để cấp sổ đỏ hay chưa, giao đất thế nào, hậu kiểm ra sao…

“Sân golf Đak Đoa chưa có công trình trên đất (đất thuê Nhà nước), thì tỉnh cấp sổ là cấp như thế nào? Khi chưa có công trình gì cả, đang đánh chuyển 2.000 cây thông thì cấp bìa trên quy trình nào?”, luật sư Tòng đặt câu hỏi.

Cũng theo luật sư Tòng, vào tháng 4/2021, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mới ký quyết định phê duyệt dự án sân golf, nhưng tháng 2/2021 tỉnh Gia Lai cấp sổ cho FLC là sai.

Loạt quan chức mất ghế vì sân golf

Vào tháng 8/2019, ông Võ Ngọc Thành (lúc này đương chức Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai) ký tờ trình gửi Thủ tướng Chính Phủ và Bộ KH&ĐT đề xuất phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa ở huyện Đak Đoa. Năm 2018, ông Nguyễn Đức Hoàng (lúc này Phó chủ tịch UBND tỉnh) ký quyết định chọn Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư dự án.

Kiểm tra dự án sân golf Đak Đoa, tháng 4/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện dự án này mắc hàng loạt sai phạm từ khâu GPMB; đề xuất, chấp thuận chủ trương đầu tư, bán đấu giá tài sản trên đất (rừng thông), chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất và lập, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án thuộc Khu phức hợp Đak Đoa.

Đặc biệt, Gia Lai nhiều lần báo cáo không trung thực với các cơ quan cấp trên về đấu thầu thực hiện dự án sân golf Đak Đoa, dẫn đến Phó Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf, trong đó có chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, lâm nghiệp. Từ đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu thu hồi chủ trương đầu tư dự án.

Vì sai phạm tại dự án sân golf này, vào tháng 8/2022, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã bị Ban Bí thư đã kỷ luật cách chức Phó Bí thư Tỉnh ủy và Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh. Sau đó một tháng, Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật cách chức Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Thành. Các Phó chủ tịch Đỗ Tiến Đông, Hồ Phước Thành, Nguyễn Đức Hoàng (lúc kỷ luật đã nghỉ hưu) và ông Kpă Thuyên bị kỷ luật cảnh cáo.

Ông Đông sau đó bị điều chuyển làm Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Thành bị điều động sang làm Phó Chánh văn phòng Tỉnh ủy. Còn ông Kpă Thuyên xin nghỉ hưu trước tuổi.

Phong Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/san-golf-flc-2000-ty-hoang-tan-va-nhung-he-luy-d588206.html