Sân bay Long Thành ghi dấu mốc mới; SCB tiếp tục đóng cửa phòng giao dịch

Thủ tướng bấm nút khởi công 2 gói thầu sân bay Long Thành hơn 42.000 tỷ; Bộ Tài chính 'né' trách nhiệm xây dựng giá điện; Ngân hàng SCB tiếp tục đóng cửa phòng giao dịch... là những thông tin đáng chú ý tuần qua.

Thủ tướng bấm nút khởi công 2 gói thầu sân bay Long Thành hơn 42.000 tỷ

Chiều 31/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính bấm nút khởi công hai gói thầu quan trọng của Dự án Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1, gồm hạng mục nhà ga hành khách và xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình đường cất - hạ cánh, sân đỗ máy bay. Hai dự án có tổng vốn đầu tư hơn 42.000 tỷ đồng.

Dự án do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, thi công xây dựng hạng mục lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách (gói thầu 5.10) và hạng mục thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay (gói thầu 4.6) - thuộc dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Phối cảnh kiến trúc nhà ga sân bay Long Thành.

Phối cảnh kiến trúc nhà ga sân bay Long Thành.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của 2 dự án tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có ý nghĩa quan trọng với việc kết nối trong nước và quốc tế, góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, kết cấu hạ tầng giao thông là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Thực tiễn đã chứng minh, giao thông vận tải nói chung và sân bay, bến cảng nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng.

Bộ Tài chính 'né' trách nhiệm xây dựng giá điện

Bộ Tài chính vừa có Văn bản số 9259 gửi Bộ Công Thương nêu rõ quan điểm về việc cần tách bạch và xác định rõ chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trong thực hiện cơ chế điều chỉnh giá.

Giá điện sẽ được tính cả các khoản lỗ chưa được bù đắp của EVN.

Giá điện sẽ được tính cả các khoản lỗ chưa được bù đắp của EVN.

Theo Bộ Tài chính, quy định của Luật Giá hiện hành có nêu rõ: Các bộ ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn sẽ có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật quy định. Luật Điện lực cũng quy định Bộ Công Thương là đơn vị có trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động điện lực, trong đó có giá điện. Cụ thể, Bộ Công Thương chủ trì xây dựng khung giá của giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh, cơ cấu biểu giá; khung giá phát điện, giá bán buôn, truyền tải, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực.

“Bộ Công Thương là đơn vị chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện, trong đó có giá điện. Bộ Tài chính chỉ là đơn vị phối hợp trong những trường hợp có biến động bất thường hoặc tác động lớn tới kinh tế”, Bộ Tài chính nêu ý kiến.

Liên quan đến cơ chế điều chỉnh giá điện, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương “không quy định trách nhiệm phối hợp rà soát” khi điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

Ngân hàng SCB tiếp tục đóng cửa phòng giao dịch

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chi nhánh Tân Định chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Thanh Đa từ ngày 25/8. Việc giải thể Phòng giao dịch này là căn cứ theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM và Hội đồng quản trị SCB.

SCB liên tiếp đóng cửa nhiều phòng giao dịch.

SCB liên tiếp đóng cửa nhiều phòng giao dịch.

Phòng giao dịch Thanh Đa có địa chỉ tại số 774 (số cũ 632) Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM). SCB cho biết, mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng tại phòng giao dịch này đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch khác.

Hồi cuối tháng 7, SCB đã đóng cửa 2 phòng giao dịch, gồm: Phòng giao dịch An Đông Plaza thuộc chi nhánh Sài Gòn đóng tại Trung tâm Thương mại An Đông Plaza (số 18 An Dương Vương, phường 9, quận 5) và Phòng giao dịch Trần Quang Khải thuộc chi nhánh Tân Định (số 170 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1).

Ngoài ra, kể từ ngày 14/7, SCB chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Minh Khai thuộc chi nhánh Cống Quỳnh (số 316-318 Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận 3).

Tiếp tục kiến nghị bỏ bắt buộc mua bảo hiểm xe máy

Mới đây, cử tri TPHCM đã có kiến nghị gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét bỏ quy định xử phạt đối với chủ mô tô, xe máy không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, trên thực tế, chủ xe mua bảo hiểm, nhưng khi gặp tai nạn xảy ra, đơn vị bán bảo hiểm lại không có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho người mua, trốn tránh trách nhiệm bồi thường.

Do đó, cử tri kiến nghị Bộ GTVT bỏ quy định xử phạt người tham gia giao thông phải mua bảo hiểm mô tô, xe máy (vì nếu không mua bảo hiểm này sẽ bị phạt, còn mua thì khi gặp tai nạn cũng không được bồi thường), đơn vị bán bảo hiểm lợi dụng việc này để trục lợi.

Cử tri TPHCM kiến nghị bỏ xử phạt với xe máy không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Ảnh minh họa.

Cử tri TPHCM kiến nghị bỏ xử phạt với xe máy không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Ảnh minh họa.

Trả lời kiến nghị trên của cử tri, Bộ GTVT cho rằng, Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2022 quy định các loại hình bảo hiểm bắt buộc, trong đó có bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Trên cơ sở quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan đã đưa vào điều khoản người lái xe phải mang giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự khi tham gia giao thông. Mức phạt nếu không mang giấy chứng nhận bảo hiểm của mô tô, xe máy là từ 100.000 - 200.000 đồng.

“Như vậy, đối với kiến nghị trên cần phải nghiên cứu sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo”, Bộ GTVT nêu quan điểm.

Hoàng Anh Gia Lai lên tiếng về nghi ngờ của cơ quan kiểm toán

Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) ghi nhận doanh thu giảm 2 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập còn 3.145 tỷ đồng. Lãi ròng bán niên của HAG giảm 5%, tương ứng hơn 20 tỷ đồng, xuống còn 382.3 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, HAG tăng 55% về doanh thu nhưng ngược lại, lãi ròng giảm gần 30%.

Hoàng Anh Gia Lai cho rằng, công ty có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo.

Hoàng Anh Gia Lai cho rằng, công ty có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo.

Đáng chú ý, báo cáo tài chính bán niên 2023 của HAG nhận ý kiến nhấn mạnh của đơn vị kiểm toán, nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Cụ thể, kiểm toán nhấn mạnh đến khoản lỗ lũy kế của HAG tính tới 30/6 là 2.959 tỷ đồng và nợ ngắn hạn của công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền hơn 2.004 tỷ đồng.

Giải trình về vấn đề này, Hoàng Anh Gia Lai cho biết, tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2023 đã được soát xét, tập đoàn đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo, gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, dòng tiền từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các cổ đông, tiền đi vay các ngân hàng thương mại và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.

Công ty Him Lam xin chuyển gần 3.800 căn hộ thành nhà ở xã hội

TP Hà Nội vừa đề nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến về việc chuyển toàn bộ dự án khu nhà ở xã hội, tái định cư và nhà ở thương mại Him Lam Phúc Lợi thành dự án nhà ở xã hội.

Trước đó, Công ty CP Him Lam đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào năm 2018.

504 nhà tái định cư, 3.276 căn thương mại tại Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) sắp được chuyển thành nhà ở xã hội.

504 nhà tái định cư, 3.276 căn thương mại tại Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) sắp được chuyển thành nhà ở xã hội.

Dự án khu nhà ở xã hội, tái định cư và nhà ở thương mại Him Lam Phúc Lợi (khu nhà ở Him Lam Phúc Lợi - Long Biên, Hà Nội) có diện tích sử dụng đất khoảng 134.418m2 (tương đương 13,44ha), quy mô xây dựng 5.724 căn hộ chung cư. Dự án có 1.944 căn nhà ở xã hội, 504 căn nhà tái định cư và khoảng 3.276 căn hộ nhà ở thương mại.

Tổng vốn đầu tư ban đầu của khu nhà ở Him Lam Phúc Lợi khoảng hơn 7.000 tỷ đồng, tiến độ triển khai dự án khoảng 19 tháng.

Thủ phủ công nghiệp miền Bắc 'ế' 1.300 nhà ở công nhân

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải vừa ký báo cáo số 108 gửi Bộ Xây dựng về việc tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển nhà ở xã hội và triển khai đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030; triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo nghị quyết 33 của Chính phủ.

Một dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Bắc Ninh.

Một dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Bắc Ninh.

Theo báo cáo, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai đầu tư 51 dự án nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, với tổng diện tích đất khoảng 157 ha.

Các dự án khi hoàn thành sẽ cung ứng khoảng 3,9 triệu m2 sàn nhà ở, tương ứng hơn 46.500 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 180.000 người.

Trong đó, số dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp là 29 dự án, quy mô xây dựng 15.500 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho 75.000 người, bao gồm: 21 dự án đã hoàn thành, 8 dự án đang chuẩn bị đầu tư xây dựng.

Duy Phạm

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/san-bay-long-thanh-ghi-dau-moc-moi-scb-tiep-tuc-dong-cua-phong-giao-dich-post1565829.tpo