Sâm Ngọc Linh khác sâm Lai Châu ở điểm nào?

Việc điều tra đánh giá hiện trạng và giải trình tự gene để phân biệt sâm Lai Châu và Ngọc Linh giúp phân định rõ các loài sâm quý hiếm.

Sâm Ngọc Linh chứa nhiều hoạt chất quý giá được phân bố ở một số khu vực của Việt Nam.

Sâm Ngọc Linh chứa nhiều hoạt chất quý giá được phân bố ở một số khu vực của Việt Nam.

Qua đó bảo tồn, khắc phục tình trạng sâm giả trên thị trường.

“Chỉ mặt” bằng công nghệ gene

PGS.TS Phan Kế Long, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis var. vietnamensis) và sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var. fuscidiscus) đều thuộc loài sâm Việt Nam (Panax vietnamensis, Araliaceae) với hình dạng, thành phần hóa học tương đồng, rất khó để người tiêu dùng phân biệt.

Nhóm nghiên cứu đã dùng 42 mẫu sâm Lai Châu và 12 mẫu sâm Ngọc Linh để phát triển phương pháp phân tích bộ chất chuyển hóa không định hướng nhằm phân biệt hai loại này. Mẫu đại diện của hai loại sâm đã được phân tích bằng phương pháp giải trình tự gene ITS-rDNA để xác định nguồn gốc.

Kết quả phân tích đa biến, mẫu sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu có thể tách nhau hoàn toàn cho thấy có sự khác biệt rõ rệt về thành phần hóa học.

Dữ liệu chất chuyển hóa có thể phân biệt nhau rõ ràng với 13 saponin đặc trưng. Trong đó sâm Ngọc Linh đặc trưng bởi 7 saponin bao gồm majonoside R2, vinaginsenoside R13 (V-R13), ginsenoside Rd (G-Rd), ginsenoside Rb1 (G-Rb1), notoginsenoside Fa (N-Fa), pseudoginsenoside Rs1 (PG-Rs1) và quinquenoside R1 (Q-R1).

Sâm Lai Châu đặc trưng bởi 6 saponin bao gồm majonoside R1 (M-R1), vinaginsenoside R2 (V-R2), ginsenoside Rb2 (G-Rb2), notoginsenoside Fc (N-Fc), notoginsenoside R2 (N-R2) và notoginsenoside R4 (N-R4).

Theo nhóm nghiên cứu, dữ liệu này giúp phân biệt về thành phần hóa học của sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu. Các chất đánh dấu được chỉ ra có thể giúp đánh giá chất lượng của sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu trên thị trường, tránh được các nhầm lẫn và giả mạo.

Theo PGS.TS Phan Kế Long, từ tháng 11/2022 đề tài được thực hiện. Đến tháng 6/2023 nghiên cứu có kết quả có thể sử dụng để đánh giá chất lượng của 2 loại sâm trên thị trường.

Mục đích tìm ra hoạt chất đặc trưng trên từng loại sâm hướng tới phân biệt chính xác cả sâm tươi và sâm đã chế biến, giúp người tiêu dùng có thể sử dụng đúng giá trị sản phẩm. Nhóm đang phát triển các giai đoạn tiếp theo để có thể đưa ra công nghệ xác định nhanh hơn thay vì phải phân tích trong phòng thí nghiệm như hiện nay.

Đề xuất phương pháp bảo tồn

PGS.TS Phan Kế Long cho biết thêm, trước đó ông và cộng sự cũng đã thực hiện nhiệm vụ điều tra cơ bản “Điều tra, đánh giá hiện trạng các loài cây thuốc thuộc chi sâm (Panax L.) ở Tuyên Quang và Hà Giang”.

Việc điều tra xác định các loài sâm ở Việt Nam rất quan trọng giúp quản lý tài nguyên, quy hoạch vùng trồng và phát triển loại dược liệu quý này. Trên cơ sở nghiên cứu trước đây cho thấy, sâm có ghi nhận ở Tuyên Quang, Hà Giang, tuy nhiên chưa khẳng định được chính xác tên loài do thiếu các dữ liệu về hình thái và sinh học phân tử.

Khu vực nghiên cứu các loài sâm thuộc chi Panax tại Tuyên Quang thuộc huyện Lâm Bình tại khu rừng phòng hộ có diện tích 39.752 ha thuộc địa bàn 8 xã, có độ cao từ 900 đến 1.200m so với mặt biển; có đỉnh núi cao >1.900m; khu hệ núi đá vôi hiểm trở.

Khí hậu vành đai từ 1.200m trở lên thường ôn hòa, mát mẻ quanh năm, độ ẩm đất tương đối cao từ >85%. Cây sâm phát triển tốt dưới tán rừng nơi đất xốp, có mùn dày, điều kiện thông thoáng...

Khu vực nghiên cứu các loài sâm thuộc chi Panax tại Hà Giang là 3 dãy núi cao Chiêu Lầu Thi, Tây Côn Lĩnh, Tả Phìn Hồ thuộc địa bàn các huyện Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Vị Xuyên. Nơi cao nhất trong khu vực nghiên cứu là trên 2.400m so với mực nước biển.

Theo nhóm nghiên cứu, kết quả khảo sát của nhiệm vụ cho thấy kích thước quần thể P. nototginseng (điền thất/tam thất bắc) ở Tuyên Quang khá nhỏ, gần như không tìm thấy cây tái sinh. Vì vậy, mặc dù tìm thấy các loài thuộc chi sâm ở khu vực này nhưng với số lượng cá thể còn rất ít, nên thuộc nguy cơ đe dọa tuyệt chủng (cấp Endangered - EN).

Quần thể sâm tại Hà Giang thuộc Đồng Văn, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Vị Xuyên số lượng cá thể không nhiều, với 57 cá thể. Quần thể sâm khu vực này là loài Panax stipuleanatus có ghi nhận hạt cây sâm.

Số lượng cây tái sinh rất thấp, nguy cơ gần các loài cây thuốc thuộc chi sâm bị thu hẹp. Theo tiêu chí đánh giá IUCN 2019, hiện trạng quần thể P. stipuleanatus (tam thất hoang) ở khu vực Hà Giang đang ở mức cực kỳ nguy cấp (Critically Endangered - CR).

Đánh giá theo tiêu chí của Red list IUCN, 2019 thì các loài sâm thuộc chi Panax L. được xếp vào mức EN (nguy cơ đe dọa tuyệt chủng) trên thế giới. Đối chiếu với tiêu chí của Sách Đỏ, 2007 - Phần thực vật cho thấy loài sâm ở Hà Giang ở mức sắp bị đe dọa (NT), rất hiếm (R) và còn thiếu dẫn liệu (K).

Theo PGS.TS Phan Kế Long, để có thể bảo tồn và phát triển bền vững loài thuốc quý này, cần áp dụng mô hình bảo tồn và nhân trồng tại các vườn rừng như Lâm Bình (Tuyên Quang), khu vực Chiêu Lầu Thi (Hà Giang); khuyến khích doanh nghiệp và người dân cùng tham gia bảo tồn, nhân giống tại chỗ và khai thác bền vững; nghiên cứu thêm về giá trị dược liệu của P. stipuleanatus để góp phần nâng cao giá trị của loài thuốc quý này; tuyên truyền bảo vệ rừng, bảo vệ sinh cảnh sống của các loài cây thuốc thuộc chi sâm.

Về khả năng tạo hạt, nảy mầm và phát triển tại khu vực Hà Giang là có, trong quá trình điều tra vẫn thấy có cây tái sinh. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đưa ra một số kiến nghị để bảo tồn loài như: Cần quản lý chặt chẽ cây tái sinh, nếu cần có sự can thiệp của con người chuyển cây non về vườn ươm nhân giống; xây dựng nguồn gene “gốc” tại chỗ để duy trì, bảo tồn sự phát triển tại cả 5 tiểu quần thể tại Hà Giang và 3 tiểu quần thể tại Tuyên Quang, đồng thời thử nghiệm trồng tại cùng độ cao, cùng đai khí hậu.

Chi Mai

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sam-ngoc-linh-khac-sam-lai-chau-o-diem-nao-post682574.html