Sâm cầm hồ Tây

"Vải Quang, húng Láng, ngổ Đầm/ Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây”. Câu ca ấy đi vào lòng nhân dân về một loài chim quý, một đặc sản của hồ Tây để dành riêng tiến vua. Người ta kể rằng, sâm cầm sống chủ yếu ở miền Bắc Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, mùa đông mới bay về phương Nam tránh rét. Vì chim ăn nhiều củ sâm nên thịt chim rất bổ (và vì thế có tên là sâm cầm, nghĩa là chim sâm). Chính vì vậy các đời vua nhà Nguyễn có lệ bắt nhân dân phải đánh bắt sâm cầm để tiến vua.

Các thủ tục để dâng chim được tiến hành tuần tự các bước. Chẳng hạn, vào tháng Một là vào mùa chim, nhân dân phải đóng tiền cho lý trưởng và bắt vài con đem nộp lên quan, gọi là chim đầu mùa, quan sở tại xét thực và phê vào đơn cho phép thì dân mới được bắt đầu đi bổ lưới bắt chim, đấy là lệ "chim đầu mùa”. Tiếp theo là lệ "chim trình diện”. Ngày đầu được phép đánh bắt chim dân chỉ được giữ lại một số để làm lễ tế thành hoàng làng, còn bao nhiêu phải biếu các quan. Quan nào có mẹ già, con trai bé, lại phải có chim làm lễ dâng cố, quà biếu cậu... Lệ "chim mẫu”: trước tiên phải có một đôi nộp huyện, bốn đôi nộp tỉnh để xét nghiệm. Khi chim mẫu được nhận là hợp lệ mới được đánh bắt để triều cống. "Chim chính” là chim được tiến cống, phải là chim mỡ lông, nạc thịt, vừa to, vừa béo. "Chim tùy” là chim kèm theo số tiến cống để phòng bù những chim gầy hay chết trong quá trình mang vào triều. "Chim loại” là chim mang tăng thêm khi nộp lên huyện, tỉnh để chọn lọc, chim nào không hợp lệ thì sẽ bị loại ra, vào thẳng bếp nhà các quan lại.

Có giai thoại kể rằng, lý trưởng làng Nghi Tàm tên là Nguyễn Hữu Khang, vì có bộ râu đen dài nên tục gọi là Lý Râu, là một người khảng khái, rất được lòng dân. Năm Tự Đức thứ 23, dựa vào lệ tiến 10 đôi, ông nhất quyết chỉ tiến 10 đôi. Bọn nha lại ở huyện, tỉnh rồi đích thân các quan lại trong triều quát tháo, nọc Lý Râu ra đánh hết trận này đến trận khác nhưng ông vẫn không nộp thêm bất cứ một con nào. Bấy giờ, Bà Huyện Thanh Quan đang làm Cung trung giáo tập (chức quan dậy dỗ các công chúa, cung phi). Bà hay tin Lý Râu bị đánh đập tàn nhẫn đã tìm cách tâu lên cho vua biết rõ sự tình. Do nể Bà Huyện Thanh Quan và cũng vì sự cương trực của Lý Râu và cũng không muốn làm to chuyện vì mấy con chim, Tự Đức đã ra chỉ dụ xóa bỏ lệnh tiến chim từ đó.

Huyền thoại thì vẫn luôn thực thực, ảo ảo. Nhưng ngày nay, dường như sâm cầm hồ Tây – một trong tám cảnh sắc độc đáo của "Hồ Tây bát cảnh” chỉ còn lại trong ký ức của người Hà Nội, để mỗi khi nhớ quá người ta lại ngân nga câu hát của Trịnh Công Sơn: Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi/ Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời…

Lê Quỳnh Trâm

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=73239&menu=1413&style=1