Sai lầm thường gặp khi vệ sinh răng miệng

Làm sạch răng miệng không đúng cách có thể dẫn đến những hệ quả như hôi miệng, sâu răng, viêm nướu…

Đánh răng đúng cách giúp làm sạch mảng bám và loại bỏ sự tích tụ của vi khuẩn trong khoang miệng, phòng tránh được các bệnh liên quan đến răng miệng

Đánh răng đúng cách giúp làm sạch mảng bám và loại bỏ sự tích tụ của vi khuẩn trong khoang miệng, phòng tránh được các bệnh liên quan đến răng miệng

Chỉ đánh răng sau bữa sáng

Nhiều người thường có thói quen đánh răng sau bữa sáng nhằm loại bỏ mùi thức ăn, giữ cho hơi thở có mùi thơm tho hơn. Tuy nhiên, đây là một quan điểm sai lầm mà bạn nên tránh. Cách hiệu quả nhất là đánh răng trước khi ăn sáng và súc miệng bằng nước sau khi ăn sáng để loại bỏ những mảnh vụn thức ăn còn sót lại. Đánh răng trước bữa sáng được chứng minh có tác dụng kích thích tiết nước bọt giúp phân hủy thức ăn và tiêu diệt vi khuẩn gây hại trong miệng một cách tự nhiên.

Dùng nước súc miệng ngay sau khi đánh răng

Súc miệng ngay sau khi đánh răng sẽ khiến bạn dễ bị sâu răng hơn. Bởi sau khi đánh răng, kem đánh răng sẽ để lại một lớp florua có lợi cho răng. Nếu súc miệng ngay sau khi đánh răng sẽ làm trôi mất lớp florua này. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không nên dùng nước súc miệng. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng nước súc miệng vào những thời điểm khác trong ngày, đặc biệt là sau khi ăn những món có nhiều đường.

Dùng tăm xỉa răng

Nhiều người vẫn duy trì thói quen xỉa răng bằng tăm sau mỗi bữa ăn để lấy đi thức ăn còn sót lại từ trong kẽ răng. Tuy nhiên, việc này có thể ảnh hưởng đến hàm răng và nướu. Khi xỉa răng sẽ vô tình dùng lực khiến cho chân răng dần dần lỏng ra, không những khiến thức ăn dễ dắt vào mà còn dễ gây sâu răng. Nếu thức ăn dắt vào chân răng, bạn có thể dùng chỉ nha khoa hoặc súc miệng. Nếu không hiệu quả, có thể dùng bàn chải để đánh răng.

Không làm sạch lưỡi, không vệ sinh bàn chải

Trên mặt lưỡi có các hạt vị giác li ti, tạo điều kiện cho vi khuẩn đọng lại, gây mùi hôi trong miệng. Chính vì vậy, bạn nên chú ý vệ sinh lưỡi bằng cách sử dụng bàn chải lưỡi hoặc dụng cụ cạo lưỡi nhằm làm sạch từ trong ra ngoài. Nên cạo lưỡi 1- 2 lần mỗi ngày, vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ. Để vệ sinh bàn chải nên ngâm đầu bàn chải trong nước súc miệng khoảng 20 phút. Nên thay bàn chải đánh răng 3 tháng một lần hoặc sau khi bị bệnh.

Đánh răng quá nhanh, quá mạnh

Nên đánh răng trong khoảng 2-3 phút, bắt đầu ở góc dưới bên phải của miệng, bao gồm cả bên trong và bên ngoài răng, sau đó di chuyển xuống phía dưới bên trái và lặp lại với trên cùng bên phải và trên cùng bên trái. Ngoài ra, cần lưu ý luôn đánh răng theo chiều dọc để tránh mài mòn men răng, làm tổn thương nướu. Cách đánh răng đúng phải là di chuyển bàn chải theo chiều dọc thân răng, đi lên đi xuống theo chiều vòng tròn nhỏ. Nhiều người có thói quen chải răng mạnh, chải ngang thật kỹ mới sạch được bề mặt của răng điều này không đúng. Vì nếu dùng lực nhấn bàn chải mạnh sẽ làm tổn thương nướu và chải bàn chải ngang làm mòn men răng.

Đánh răng ngay sau khi ăn

Nếu ngay sau khi ăn mà chải răng ngay sẽ làm yếu nướu và răng vì những thực phẩm và đồ uống có tính axit như nước chanh, nước cam có thể làm hại men răng, thế nên sau bữa ăn môi trường khoang miệng cần thời gian để cân bằng độ pH. Chính vì vậy sau khi ăn ít nhất 30 phút mới được chải răng.

Đánh răng, tẩy trắng răng quá nhiều

Chỉ cần chải răng hai lần mỗi ngày và sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch răng là cách hiệu quả trong chăm sóc răng miệng. Nếu chải răng quá nhiều lần không thực sự cần thiết mà lại có thể gây tổn thương men răng. Nhiều người thường sử dụng baking soda kết hợp với dấm, nước chanh… để tẩy trắng răng. Mặc dù cách làm này mang lại hiệu quả tức thời cho người sử dụng, tuy nhiên, baking soda có tính chất bào mòn rất cao, nếu sử dụng thường xuyên, lạm dụng sẽ gây ra sự bào mòn và thiệt hại men răng dẫn đến tăng độ nhạy cảm cũng như nguy cơ phát triển sâu răng.

Không lấy cao răng định kỳ

Nhiều người cho rằng răng sạch không có cao. Tuy nhiên, cao răng hình thành từ nước bọt và vi khuẩn thức ăn còn sót lại sau khi những bữa ăn. Cao răng thường có màu vàng nâu và chải răng thông thường không thể làm sạch được. Nếu không vệ sinh và loại bỏ thì sẽ gây ra bệnh viêm nướu phát triển thành viêm nha chu có thể làm mất răng. Chính vì vậy, nên lấy cao răng định kỳ 3-6 tháng/lần.

Không chăm sóc nướu răng

Nướu răng hay còn gọi là lợi, là một bộ phận nằm dưới và bao quanh chân răng. Nướu răng cũng là nơi có nguy cơ gặp phải nhiều bệnh lý nhất. Chăm sóc và bảo vệ nướu chắc khỏe, nên massage bằng bàn chải đánh răng hoặc ngón tay theo vòng tròn. Ngoài ra, khi ăn cần chú ý thức ăn cứng và nhai thật kỹ… điều này giúp không gây tổn thương nướu răng và để nướu răng khỏe mạnh hơn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/sai-lam-thuong-gap-khi-ve-sinh-rang-mieng-post543836.antd