Sách hay du lịch 'thắp sáng' đam mê của du khách

Những cuốn sách hay về hành trình du lịch của các tác giả Việt Nam và quốc tế có thể khơi dậy ở người đọc một động lực 'xê dịch' và sẵn sàng đón nhận khác biệt trong mỗi chuyến đi.

Văn học du ký tại Việt Nam trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều người trẻ “xách ba lô lên”.

Hành trình qua những cuốn sách nổi tiếng

Cuốn sách “On the road” (Trên đường) của nhà văn người Mỹ Jack Kerouac là tựa sách gối đầu của không ít độc giả thích du lịch và khám phá dù đã được ra mắt vào năm 1957. Nội dung cuốn sách xoay quanh hành trình lý thú của nhà văn trẻ Sal Paradise cùng những người bạn, bắt đầu từ bang Massachusetts, họ rong ruổi trên các con đường khắp Hoa Kỳ để tìm kiếm trải nghiệm thực tế và trong tâm tưởng, đi để thực sự “được sống”.

Cũng là tác phẩm của một nhà văn người Mỹ, tiểu thuyết “Drifter” (Sáu người đi khắp thế gian) của James Albert Michener lấy bối cảnh thế giới những năm 1960 đầy hỗn loạn, bởi những bất ổn địa chính trị như cuộc chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Trung Đông, nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt đạo Hồi… Trong đó, 6 người trẻ tuổi, bao gồm bốn người Mỹ, một cô gái Na Uy, một cô gái Anh, với mỗi cơ duyên khác nhau đều đã “dạt” đến vùng Torremolinos của Tây Ban Nha để từ đây, họ bắt đầu cuộc phiêu lưu vòng quanh thế giới, đến Pamplona (Nam Tây Ban Nha), qua Algarve (Bồ Đào Nha), đến tận Morocco, Mozambique ở châu Phi. Tuy viết về tuổi hai mươi của thế kỷ trước nhưng tác phẩm đạt giải Pulitzer văn chương này khắc họa nhiều nét tâm lý rất gần gũi với thời hiện đại, đó là khát khao được “chữa lành” những tổn thương, tìm kiếm lý tưởng sống qua mỗi chuyến đi.

Một tác phẩm quốc tế khác cũng gần gũi với bạn đọc Việt Nam là “Notes from a small island” (Ghi chép từ một hòn đảo nhỏ) của Bill Bryson, kể về hành trình xuyên suốt chiều dài và chiều sâu ở xứ sở sương mù. Cuốn sách này cũng chính là nguồn gốc của câu trích dẫn quen thuộc “Tôi thích cảm giác được là kẻ vô danh trong một thành phố xa lạ” với người yêu sách và đam mê “xê dịch” tại Việt Nam. Sức hút của cuốn sách còn đến từ góc nhìn tinh tế của tác giả về phong cảnh thiên nhiên và chất liệu cuộc sống để khắc họa thành công một Vương quốc Anh cổ kính đầy “chất nghệ”.

Tín đồ của du lịch chắc hẳn của sẽ biết tới cuốn sách “The kindness gf strangers” (Lòng tốt của những kẻ xa lạ) - tuyển tập gồm 26 câu chuyện truyền cảm hứng đến từ chuyên trang du lịch Lonely Planet của nhiều tác giả như Jan Morris, Tim Cahill, Simon Winchester, Dave Eggers…Ý tưởng lớn của tập sách này là truyền đi thông điệp về nhân sinh, lòng tốt qua mỗi câu chuyện hành trình, khuyến khích độc giả san sẻ yêu thương và mở rộng lòng mình để kết nối với những người xa lạ tốt bụng.

Một cuốn sách du ký kỳ thú khác đối với những người đam mê bộ môn đạp xe chính là “Fifty miles wide” (Năm mươi dặm chiều rộng) của Julian Sayarer, kể về hành trình đạp xe xuyên qua Israel và Palestine của tác giả, 10 năm sau khi phá vỡ kỷ lục về đạp xe vòng quanh thế giới. Câu chuyện không chỉ là vượt qua thử thách của chính mình, Sayarer còn nhắc tới rất nhiều mối lương duyên thú vị, từ những nghệ sĩ hip-hop ở Palestine, cộng đồng Kibbutz đến hội “tín đồ” đạp xe giống anh.

Còn đối với những người thích chạy bộ thì họ có thể đồng cảm với cuốn “The pants of perspective” (Chiếc quần của quan điểm) của tác giả Anna McNuff. Đây là chuyến phiêu lưu chạy bộ qua cung đường Te Araroa ở New Zealand dài 3.000km và đây cũng là câu chuyện về sự phá vỡ giới hạn bản thân, tìm thấy tình yêu đôi lứa, lòng yêu nước và niềm đam mê chạy bộ. Nhiều độc giả chia sẻ rằng họ thực sự cảm thấy rất muốn “xê dịch” khi quyển sách này.

Nhiều tác phẩm hay về các cuộc hành trình khám phá vùng đất, con người và nền văn hóa thế giới đã được độc giả Việt Nam yêu thích tìm đọc, bởi thông qua những câu chuyện kể lại, họ cũng có thể phần nào tưởng tượng và “du lịch” qua những trang sách. Tùy theo thị hiếu của độc giả, có người sẽ tìm đến những cuốn sách kể về những cuộc hành trình kỳ thú, vĩ đại, vượt qua tất cả sự tưởng tượng, thách thức sức bền và phá bỏ giới hạn bản thân. Mặt khác, cũng có những người tìm kiếm những chiêm nghiệm, sự chữa lành, đồng cảm qua những câu chuyện trong sách, từ đó họ không chỉ hiểu thêm về thế giới xung quanh mà còn khơi dậy nguồn cảm hứng khám phá của riêng họ khi có điều kiện.

Xu hướng văn học du lịch, du ký của Việt Nam

Niềm đam mê du lịch cũng được rất nhiều tác giả Việt Nam ghi nhận lại qua những trang sách, nhờ đó không chỉ truyền cảm hứng du lịch mà còn giới thiệu về những cảnh quan thiên nhiên, những nét bản sắc văn hóa đặc trưng của đất nước ta tới độc giả. Đến nay, dòng sách du lịch Việt Nam trong thị trường nội địa tương đối đa dạng, từ những cuốn sách theo hướng hàn lâm, bách khoa toàn thư cho đến du ký, tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn,…

Đơn cử những cuốn sách nghiên cứu chuyên sâu cung cấp nhiều thông tin như “Những mảng màu du lịch Việt Nam”, “Non nước Việt Nam 63 tỉnh thành”, “Bàn về văn hóa du lịch Việt Nam”, “Du lịch Việt Nam - Từ lý thuyết đến thực tiễn”, “Cẩm nang du lịch văn hóa tâm linh Việt Nam”… có thể cung cấp cho độc giả những thông tin hữu ích về các điểm đến trong nước. Đặc biệt là những thông tin mà du khách quan tâm như những đường giao thông thuận tiện đi qua mỗi tỉnh, thành phố, đặc sản địa phương, các địa điểm tham quan, thời gian tổ chức các lễ hội, địa chỉ của các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi bật cũng như thông tin liên hệ các khách sạn, vướng mắc khi gặp sự cố…

So với dòng sách hàn lâm, nghiên cứu vốn kén độc giả hơn, dòng sách theo dạng du ký, tiểu thuyết có sức hút với đông đảo bạn đọc hơn, hầu hết là người trẻ tuổi. Trong những cuốn sách gây được tiếng vang sớm nhất chắc hẳn nhiều người sẽ nhớ ngay đến cuốn “Xách ba lô lên và đi” của Huyền Chip. Chỉ có lòng can đảm lấp đầy trong ba lô, Huyền Chip hăng hái lên đường ngược xuôi châu Phi hoang dã. Cô trải qua cung đường nguy hiểm nhất, đối mặt với cô đơn, đói, khát, bệnh tật trên con đường nhưng những điều đó không hạ gục được cố gái nhỏ bé này trên con đường khám phá bản thân và vùng đất mới.

Tiếp sau đó, một tác giả khác cũng “xách ba lô lên và đi” và cho ra đời cuốn “Ta ba lô trên đất Á” chính là nữ tác giả trẻ Rosie Nguyễn. Khác với những cuốn sách đơn thuần kể lại cuộc hành trình, Rosie Nguyễn mở đầu bằng cách giải thích cho bạn đọc về “phượt”; tiếp theo là những hướng dẫn quan trọng và thực tế để “phượt”, như tìm thông tin ở đâu, lựa chọn điểm đến và hành trình như thế nào, những điều lưu ý khi đi phượt. Sau đó, tác giả mới dẫn dắt người đọc đến những câu chuyện văn hóa, lịch sử, địa lý, con người ở các quốc gia và những câu chuyện, trải nghiệm thú vị trên từng cung đường.

Mặt khác, nói về chuyến hành trình kỳ thú tại Việt Nam có thể kể tới tác phẩm “Hẹn nhau mùa tam giác mạch” của Hạnh My, ghi lại hành trình “phượt” của một cô gái trẻ trên những cung đường phía Bắc Việt Nam, tìm đến cánh đồng hoa tam giác mạch đẹp giản dị và đầy thơ mộng. Hay “Nhắm mắt đi liều” của tác giả Xu Kiên kể về hành trình du lịch xuyên Việt, qua hết 63 tỉnh thành của Việt Nam và “Đường ngược chiều - Từ bản người Dao đến học bổng Erasmus” của Chảo Yến - một cô gái người dân tộc Dao Tuyển sống ở Bát Xát, Lào Cai, kể về hành trình đến trường từ lúc nhỏ đến khi nhận được học bổng sang Đức. Một cuốn sách đặc biệt khác là “Đường về nhà” của Đinh Phương Linh, kể lại hành trình của cô gái trẻ đạp xe quãng đường 3.395km từ Bắc Kinh về Hà Nội để ăn Tết, dưới cái lạnh âm độ C, dưới mưa tuyết, dưới sương mù dày đặc, trên những cung đường nội hạt, đường vành đai, đường quốc lộ, đường đồi núi cheo leo…

Đến nay, có thể liệt kê ra rất nhiều cuốn sách du ký với những cuộc hành trình, cung đường đa dạng được kể lại bởi các tác giả người Việt. Điểm đến cũng không chỉ giới hạn trong đất nước Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Ví như “Bụi đường tuổi trẻ” của Tâm Bùi khám phá dãy Himalaya ở Ấn Độ, rồi đến Trung Quốc, Tây Tạng… “Độc hành” của Nguyễn Hoàng Bảo khi bước lên Con đường tơ lụa từ các quốc gia Trung Đông đến Trung Á. “Đi rong trên những múi giờ” của tác giả người Mỹ gốc Việt Nguyễn Hữu Tài kể lại hành trình khám phá các quốc gia nằm trải rộng trên ba châu lục Á, Âu, Phi. “Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero” của nhà báo Nguyễn Tập về trải nghiệm phiêu lưu, mạo hiểm đầy kịch tính tại vùng đất Nam Mỹ. Hay “Trở về nơi hoang dã” của Trang Nguyễn tới các khu bảo tồn động thực vật ở châu Phi, Lào và Việt Nam; “Chân đi không mỏi: Hành trình Đông Nam Á” của Đinh Hằng;

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/sach-hay-du-lich-thap-sang-dam-me-cua-du-khach-post472582.html