Sắc xuân ở những xã nông thôn mới kiểu mẫu

Những ngày này, người dân các xã Hồng Sơn, Phùng Xá, Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) hân hoan đón chào năm mới với niềm hy vọng bình an, phát triển.

Nơi đây, sắc xuân thêm rực rỡ bởi kết thúc năm 2023, ba xã đón nhận tin vui đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, bộ mặt làng quê ngày càng khang trang, sạch, đẹp…

Trạm Y tế xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) vừa hoàn thành, phục vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người dân địa phương.

Từ diện mạo khang trang...

Đến các xã: Hồng Sơn, Phùng Xá, Hương Sơn những ngày này, mọi người đều thấy ấn tượng với những tuyến đường thảm nhựa, bê tông rộng rãi đủ cho hai làn xe ô tô chạy, được tô điểm bởi những hàng cây xanh, chậu hoa lung linh dưới ánh đèn cao áp. Nhiều ngôi trường kiên cố, khang trang đạt chuẩn quốc gia... Đặc biệt, tại xã Hương Sơn, Trạm Y tế 2 tầng vừa hoàn thành, sẵn sàng phục vụ người dân địa phương và du khách về trẩy hội chùa Hương xuân Giáp Thìn...

Phó Trưởng phụ trách Trạm Y tế xã Hương Sơn Nguyễn Thị Kim Liên cho biết, công trình có tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ đồng, chưa bao gồm gói thiết bị. Với 17 phòng chức năng, có đủ trang thiết bị và 12 y sĩ, bác sĩ, Trạm Y tế Hương Sơn đủ năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho 21.727 người dân trên địa bàn...

Trò chuyện với phóng viên Báo Hànôịmới trong lúc khám bệnh tại Trạm Y tế Hương Sơn, bà Nguyễn Thị Chiến, 75 tuổi, người dân thôn Đục Khê (xã Hương Sơn) phấn khởi nói: “Chất lượng chăm sóc sức khỏe ở đây rất tốt. Chúng tôi tin tưởng, yên tâm điều trị mỗi khi trái gió trở trời...”.

Trong khi đó, việc dạy và học của con em các xã: Hương Sơn, Hồng Sơn, Phùng Xá ngày càng nâng cao khi tất cả trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia từ mức độ 1 trở lên.

Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phùng Xá Đào Thị Ánh Xuân chia sẻ, trường rộng 10.098m2, hiện có đủ phòng để học sinh học một buổi; có thư viện đủ điều kiện cho 45 học sinh đọc sách, tra cứu; nhà đa năng rộng 1.088m2, đáp ứng nhu cầu rèn luyện, học tập thể dục thể thao, tổ chức các sự kiện của nhà trường... Huyện sẽ tiếp tục đầu tư 6,398 tỷ đồng mua sắm thiết bị dạy và học cho nhà trường...

Chủ tịch UBND xã Phùng Xá Vũ Văn Chùy phấn khởi thông tin, sau khi hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022, xã tiếp tục hành trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài nguồn lực lớn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhân dân ở đây đã tự nguyện đóng góp gần 13 tỷ đồng, 14.309 ngày công lao động, hiến 1.565m2, thổ cư và 818m2, đất nông nghiệp để xây dựng các công trình phúc lợi. Cuối năm 2023, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội về kiểm tra, đánh giá Phùng Xá đủ điều kiện đề nghị thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tương tự, các xã Hương Sơn, Hồng Sơn đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu sau 1 năm về đích nông thôn mới nâng cao với cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại không kém đô thị...

... đến đời sống người dân ngày càng đủ đầy

Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn Đặng Minh Đức, trong xây dựng nông thôn mới, địa phương xác định mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng đời sống người dân. Do vậy, không chỉ có đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm y tế, trường học được xây dựng mới, Hồng Sơn còn tập trung vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, địa phương khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình thương mại, dịch vụ, ngành nghề nông thôn...

Thực tế trên địa bàn xã Hồng Sơn hiện có 178ha trồng lúa hữu cơ, chất lượng cao; 112ha nuôi trồng thủy sản; 20 cơ sở sản xuất đồ gỗ, vật liệu xây dựng; 100 cơ sở dịch vụ thương mại... Năm 2023, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt gần 723 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 75,1 triệu đồng/người/năm, tăng 7 triệu đồng so với năm 2022. Hồng Sơn hiện không còn nhà ở tạm hoặc dột nát, không còn hộ nghèo, chỉ còn 29 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới.

Khác với những xã thuần nông, Phùng Xá tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển nghề dệt, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm... Hiện nay, trên địa bàn xã có 1.542 máy dệt công nghiệp, 200 máy mắc cửi, 135 máy xe sợi, 700 máy khâu... Người dân thành lập 60 công ty chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm khăn dệt. Nhờ vậy, đời sống vật chất của người dân ngày càng đủ đầy. Tính đến năm 2023, thu nhập của người dân Phùng Xá đạt 76,7 triệu đồng/người/năm. Xã không còn hộ nghèo, không còn nhà ở tạm, nhà ở xuống cấp nghiêm trọng...

Đặc biệt, xã Hương Sơn đã khai thác tối đa lợi thế quần thể di tích thắng cảnh chùa Hương. Coi dịch vụ du lịch là thế mạnh, mũi nhọn, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, xã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của huyện và thành phố thu hút du khách về tham quan, thắng cảnh chùa Hương. Ngoài ra, xã cũng quan tâm đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam... Theo Chủ tịch UBND xã Hương Sơn Bùi Văn Triều, năm 2023, thu nhập bình quân của người dân Hương Sơn đạt 75,5 triệu đồng/người/năm, tăng 46,3 triệu đồng so với năm hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới (2015)...

Thực tế trên cho thấy, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo nên diện mạo khang trang, đời sống vật chất tinh thần đủ đầy tại nhiều xã của huyện Mỹ Đức. Một mùa xuân nữa lại về, sắc xuân rạng rỡ, lan tỏa mọi ngả đường, từng căn nhà. Vui xuân mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Đức quyết tâm bước tiếp chặng đường mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp, đáng sống...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/sac-xuan-o-nhung-xa-nong-thon-moi-kieu-mau-657793.html