Sắc mới Tân Hưng

Từng là vùng căn cứ cách mạng, bị càn quét, bắn phá đến điêu tàn, nhưng bằng nội lực, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, làng Tân Hưng ngày ấy (nay là xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đã vươn mình trỗi dậy, phát triển mạnh mẽ. Đến nay, địa phương vừa được chính quyền tỉnh Cà Mau công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM).

Ký ức hào hùng

Ông Nguyễn Văn Hắng, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng kể rằng, cuối thế kỷ 19, xã Tân Hưng ngày nay thuộc làng Tân Hưng, tổng Quản Xuyên, tỉnh Hà Tiên. Khi Pháp xâm lược, chúng chia phía nam Cà Mau thành 7 xã, gồm: Tân Hưng, Tân Hưng Đông, Tân Hưng Tây, Hưng Mỹ, Phú Mỹ, Tân Ân và Viên An trực thuộc quận Cà Mau. Xã Tân Hưng là sự kế thừa của làng Tân Hưng thời Pháp cai trị nước ta lần thứ nhất (1858-1945).

Dọc tuyến lộ giao thông nông thôn, người dân trồng, cắt tỉa cây xanh tạo cảnh quan đẹp đẽ - Ảnh: Trần Khải

Theo Chủ tịch xã Tân Hưng, suốt chặng đường đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Tân Hưng luôn là vùng căn cứ nuôi giấu, chở che nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ hoạt động cách mạng trong vòng vây của kẻ thù, là nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch.

“Tân Hưng ngày xưa là nơi kẻ thù liên tục đánh phá ngày đêm hòng tiêu diệt căn cứ cách mạng. Tuy nhiên, quân và dân xã Tân Hưng đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đối mặt với biết bao gian khó, không ngại hy sinh để chiến đấu, góp phần cùng quân và dân huyện Cái Nước lập nên những chiến tích vẻ vang”, ông Hắng nói.

Đường sá ở xã Tân Hưng thông thoáng rộng rãi - Ảnh: Trần Khải

Ông Lưu Tấn Tài (81 tuổi), nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Cái Nước, hiện ngụ tại ấp Cái Giếng, xã Tân Hưng hồi tưởng về xã Tân Hưng giàu truyền thống cách mạng. Trong thời chiến, nhân dân địa phương đoàn kết một lòng nuôi giấu, che chở, đùm bọc, bảo vệ an toàn cho các cơ quan, các lãnh đạo cấp trên hoạt động bí mật trên địa bàn. Từ đây, Xứ ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ đã kịp thời đề ra những chủ trương, đường lối kháng chiến đúng đắn, đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, giành nhiều thắng lợi.

“Thời kháng chiến, xã Tân Hưng được Tỉnh ủy Cà Mau xác định là địa bàn quan trọng, là nơi đóng quân của các đơn vị thuộc Tỉnh đội, của Quân khu 9 để tổ chức các hoạt động đánh địch, góp phần to lớn tạo nên thế trận có lợi cho cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ”, ông Tài cho biết.

Ông Lưu Tấn Tài, nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Cái Nước kể về thời kỳ gian khó ở làng Tân Hưng xưa - Ảnh: Trần Khải

“Hồi xưa, dân vùng này nghèo đói, không ai đủ ăn hết, rất vất vả. Một công ruộng (hơn 1.000m2) hồi đó mần chỉ được 8 giạ lúa (khoảng 160kg) sao mà sống. Giặc càn quét, bắt bớ dữ lắm nên người dân rất khổ. Thời kỳ chiến tranh, làng Tân Hưng là vùng bom đạn, đồng thời là vùng căn cứ cách mạng. Đây là hậu phương của Cà Mau, anh em chỉ huy đều chọn nơi đây làm căn cứ, các chiến sĩ bị thương cũng được đưa về căn cứ điều trị. Tân Hưng nay đã thay da đổi thịt, vươn mình phát triển mạnh mẽ”, ông Tài khẳng định.

Vươn lên từ nội lực

Sau thời gian xây dựng, phát triển, xã Tân Hưng vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký quyết định công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới hồi đầu tháng 12.2023. Đến nay, mạng lưới hạ tầng trên địa bàn xã phát triển rộng khắp, 4 thứ cơ bản "điện đường trường trạm" được quan tâm đầu tư đạt tiêu chuẩn quốc gia. Lộ giao thông nông thôn trải dài cả 12 ấp, kết nối thuận lợi cho việc đi lại, giao thương mua bán của người dân trong vùng.

Đáng mừng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã Tân Hưng nay còn rất ít. Toàn xã 3.748 hộ nhưng chỉ có 30 hộ nghèo (chiếm 0,8%) và 65 hộ cận nghèo (1,7%). Địa phương đang đặt nhiều quyết tâm, nỗ lực cùng các ngành, đoàn thể nhận đỡ đầu hộ nghèo trong phát triển kinh tế, hướng đến xóa trắng hộ nghèo trên địa bàn. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 54 triệu đồng/người/năm.

“Ít ai ngờ rằng xứ này giờ phát triển mạnh mẽ như vậy. Nếu như trước đây, điều kiện đi lại rất bất tiện, muốn đi ra trung tâm tỉnh Cà Mau thì chèo xuồng mất cả ngày mới tới, còn đường sá lầy lội khó đi dữ lắm. Giờ khác rồi, lộ xe đến tận nhà, muốn đi đâu cũng dễ. Hồi trước, đời sống ở đây khó khăn, thiếu thốn, toàn nhà cửa lụp xụp. Còn hiện nay, ở Tân Hưng toàn nhà tường ngon lành, dị mà không vui, không phấn khởi thì còn muốn gì nữa”, ông Tài hóm hỉnh.

Đường vào xã Tân Hưng ngày nay - Ảnh: Trần Khải

Người dân Tân Hưng từng không mấy ai nghĩ tới chuyện quê hương hẻo lánh này lại có đường giao thông rộng rãi, thông thoáng như hiện tại. “Nó như một giấc mơ vậy, bởi hồi xưa xứ này không có một chiếc xe, kể cả xe đạp. Giờ hầu như nhà nào trong xã cũng đều có xe máy. Rõ ràng, điều đó là phát triển, bất kỳ người dân nào ở đây có nhu cầu về lương thực, thực phẩm, thì người bán giao tới nhà, muốn ăn gì cũng có. Chứ đâu phải chèo xuồng ra tận trung tâm Cà Mau mua như hồi xưa”, ông Tài nói thêm.

Ông Lê Thuận Tâm (74 tuổi), nguyên Phó hiệu trưởng, Tham mưu trưởng Trường Quân sự tỉnh Cà Mau, hiện ngụ ấp Cái Giếng, xã Tân Hưng đánh giá: “Tân Hưng bây giờ khác xưa lắm. Hồi đó, đường sá đi lại khó khăn, nước ngập, lau sậy mọc um tùm chứ đâu văn minh, giàu đẹp như hiện giờ. Từ khi hòa bình đến nay, nhờ sự quan tâm của các cấp nên đời sống nhân dân địa phương từng bước được nâng lên. Đến nay, lộ xe được xây dựng rộng rãi, xe ô tô vi vu về tới nhà, điều kiện đi lại rất thuận tiện. Chính quyền rất quan tâm đến đời sống nhân dân, đẩy mạnh các cuộc vận động, tuyên truyền nhân dân tích cực xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Tân Hưng đã đạt chuẩn xã nông thôn mới, đời sống người dân rất tốt. Đó là điều đáng mừng”.

Ông Lê Văn Thắng (58 tuổi), công chức văn hóa - xã hội xã Tân Hưng nói: “Thời tôi biết, khi còn làm nông nghiệp, đời sống người dân rất khó khăn. Hồi đó, nửa đêm là cha mẹ tôi thức dậy nấu cơm chuẩn bị ra đồng cày cấy, phát cỏ, lúc nào cũng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Làm nhiều, nhưng vẫn không đủ ăn, thiếu trước, hụt sau”.

Ông Lê Thuận Tâm, nguyên Phó hiệu trưởng, Tham mưu trưởng Trường Quân sự tỉnh Cà Mau kể về sự thay đổi của xã Tân Hưng - Ảnh: Trần Khải

Ông Thắng kể về cơ sở hạ tầng ở xã được xây dựng khang trang, đạt chuẩn quốc gia. Xe 4 bánh tới tận nhà đón rước, trạm y tế đều được bố trí bác sĩ, đáp ứng như cầu khám chữa bệnh cho người dân trong xã. “Kinh tế địa phương giờ rất phát triển, sáng ngủ dậy đi thăm lú trong vuông tôm về bán là có tiền, phấn khởi lắm. Đường sá khang trang, học sinh đạp xe đến trường với bộ quần áo tươm tất chứ không phải xắn quần lội sình như xưa. Nói chung cuộc sống bây giờ rất thoải mái”, ông Thắng khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Hắng, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng đánh giá: “Từ khi xây dựng nông thôn mới đến nay, hạ tầng kinh tế - xã hội của Tân Hưng phát triển khá đồng bộ, nhà ở, khu dân cư từng bước được xây dựng, nâng cấp được tốt hơn, diện mạo nông thôn đổi mới. Nhiều mô hình sản xuất phát triển kinh tế của người dân địa phương mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Các chính sách về an sinh xã hội luôn được địa phương triển khai, thực hiện tốt. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt”.

Trần Khải

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/sac-moi-tan-hung-212625.html