Sắc áo mới trên vùng cao Tả Phìn

Là địa danh mang đậm bản bản sắc văn hóa của Khu du lịch Quốc gia Sa Pa (tỉnh Lào Cai), xã Tả Phìn hiện đang lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa bản địa, kiến trúc truyền thống về nhà ở, cảnh quan thiên nhiên; tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng; nghề truyền thống; cùng với tri thức phong phú, đặc sắc về trồng cây thuốc và các bài thuốc bản địa; sản suất nông nghiệp. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân Tả Phìn đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo, đột phá trong xây dựng nông thôn mới, biến di sản thành tài sản, khai thác tiềm năng, lợi thế về nghề truyền thống, tri thức bản địa và đặc biệt là mở rộng trồng địa lan hiệu quả, góp phần đưa kinh tế địa phương phát triển ngày càng có chiều sâu, rõ nét và bền vững hơn.

Người dân Tả Phìn di chuyển địa lan xuống vùng thấp gần thành phố Lào Cai bán vào dịp Tết. Ảnh: Hoàng Linh

Dịp cuối năm, bất cứ ai lên Sa Pa, dọc quốc lộ 4D từ thành phố Lào Cai lên Sa Pa đều bắt gặp dọc 2 bên đường những nhà vườn trưng bày bán địa lan - giống lan Trần Mộng. Trong số đó thì có đến hơn nửa số lượng địa lan từ thủ phủ nổi tiếng trồng hoa địa lan Tả Phìn. Tả Phìn đang là một trong những cái tên nổi tiếng, được nhắc đến nhiều về một vùng đất cung cấp hoa lan dịp Tết. Hiện tại, theo thống kê sơ bộ, dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn này, người trồng lan ở xã Tả Phìn cung ứng cho thị trường hoa Tết khoảng 20.000 chậu lan, 3.000 cây đào và một số loại cây cảnh khác.

Để hướng đến trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế theo hướng bền vững, bảo tồn văn hóa và phát huy giá trị di sản văn hóa làm du lịch, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân tộc dân tộc thiểu số, Tả Phìn tiếp tục chú trọng công tác bảo tồn cảnh quan, kiến trúc, không gian văn hóa truyền thống, gìn giữ, phát huy và nâng tầm để phát triển du lịch.

Nhờ kinh nghiệm nhiều năm tích lũy trồng hoa địa lan, lại là vùng đất được thiên nhiên ban tặng khí hậu phù hợp để phát triển địa lan nên người dân Tả Phìn những năm qua đã có nhiều gia đình có cơ hội đổi đời từ trồng lan bán vào dịp Tết. Ông Lý Quẩy Chòi, thôn Tà Chải, xã Tả Phìn cho biết: "Mỗi năm, gia đình tôi trồng 100 chậu địa lan, dịp cuối năm bán ra thị trường từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/chậu, là cũng đã có nguồn thu nhập đáng kể rồi. Chỉ có điều phải chú ý làm sao chăm sóc cây cũng như theo dõi diễn biến thời tiết để hoa nở đúng dịp Tết".

Thường thì, cách Tết nguyên đán chừng hơn 1 tháng, là bà con Tả Phìn đã đưa hoa lan xuống vùng thấp để tránh những đợt rét đậm rét hại, sương muối của vùng cao Tả Phìn, đồng thời cũng là để thuận tiện cho khách hàng tìm mua, vận chuyển hoa lan về xuôi. Giá bán mỗi chậu lan tùy thuộc vào số bông hoa mỗi chậu, loại chậu nhỏ ít hoa giá 2-3 triệu đồng/chậu; loại to có giá 10-20 triệu đồng/chậu; có những chậu size đại để trưng bày trong các sảnh lớn, không gian rộng, có nhiều bông hoa đều nở đẹp tán tròn, có giá 100 triệu đồng/chậu.

Hiện tại, theo tính toán, mỗi gia đình trồng địa lan ở Tả Phìn có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hộ trồng ít trong vườn cũng có vài chục chậu, hộ trồng nhiều có vài trăm chậu. Theo đánh giá của Đảng bộ, chính quyền xã Tả Phìn, nghề trồng hoa địa lan, nhất chi mai và một số loại hoa cảnh khác đã mang về nguồn thu gần 100 tỷ đồng cho người dân xã Tả Phìn. Hàng trăm hộ dân trong xã đã từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ trồng địa lan. Nhiều hộ nghèo trước đây cũng đã mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách để đầu tư trồng địa lan, qua vài năm, kinh tế cũng đã vươn lên khấm khá.

Trong xây dựng nông thôn mới, ngoài phát triển nghề trồng địa lan, Tả Phìn còn là vùng trồng dược liệu actiso nổi tiếng của tỉnh Lào Cai. Cùng với nhiều cây thuốc bản địa và tri thức dân gian trong sử dụng cây thuốc đã hình thành nên thương hiệu nổi tiếng về thuốc tắm, thuốc ngâm chân của người Dao đỏ Tả Phìn. Tại Tả Phìn, có hàng chục hộ kinh doanh dịch vụ thuốc tắm cho du khách khi đến đây nghỉ dưỡng. Người Dao đỏ vốn nổi tiếng về sử dụng cây thuốc bản địa phục vụ chăm sóc sức khỏe (thuốc xoa bóp chữa đau nhức xương khớp, thuốc cho bà mẹ sau sinh, thuốc tắm, thuốc ngâm chân...) đang được nhiều người tin dùng.

Từ nghề trồng, khai thác và chế biến các loại thuốc thảo mộc, đã đem lại một nguồn thu nhập ổn định cho bà con Tả Phìn. Đặc biệt, năm 2023, Tả Phìn là một trong 3 vùng trồng trọng điểm cây dược liệu actiso cung cấp nguồn nguyên liệu cho Công ty TNHH MTV Traphaco Sa Pa, do được mùa, được giá (2.300 đồng/kg lá tươi, tăng 300 đồng so với năm ngoái) nên nhiều hộ có thu nhập khá từ trồng actiso. Với gần 1.000 tấn lá actiso bán cho công ty mỗi năm, cũng đem về nguồn thu trên 2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TU ngày 1/10/2021 về phát triển thị xã Sa Pa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai, xã Tả Phìn là một trong 5 điểm du lịch của thị xã Sa Pa đã được đưa vào danh mục để thực hiện không gian cảnh quan tại 5 điểm du lịch cộng đồng đạt chuẩn ASEAN. Theo Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Sa Pa - thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 266/QĐ-TTg ngày 20/3/2023, Tả Phìn lại được lựa chọn là 1 trong 4 phân khu kết nối với trung tâm du lịch Sa Pa, tạo tiền đề phát triển Sa Pa xứng đáng là khu du lịch trọng điểm quốc gia, xứng tầm quốc tế. Theo đó, Tả Phìn được định hướng phát triển, khai thác thế mạnh đặc trưng về bản sắc văn hóa, kiến trúc truyền thống đa dạng các dân tộc để phát triển du lịch bền vững, phù hợp với điều kiện sản xuất kinh tế nông, lâm, nghiệp.

Ông Đỗ Minh Trí, Bí thư Đảng ủy xã Tả Phìn cho biết: Hiện tại, Tả Phìn đang là một trong những điểm du lịch cộng đồng được thị xã Sa Pa đưa vào quy hoạch phát triển du lịch xanh, sạch trọng tâm. Trong năm 2023, tại xã Tả Phìn đã khởi động chương trình “Cung đường di sản văn hóa dân tộc Dao” hình thành nên một điểm đến du lịch hấp dẫn tại thôn Sả Séng - trong đó, hướng đến bảo tồn văn hóa song hành với phát triển kinh tế, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân tộc Dao đỏ tại Tả Phìn, xây dựng thành mô hình điểm, sau đó nhân rộng ra các thôn khác trong xã.

Theo đó, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ chung tay cùng người dân phát triển nghề truyền thống (làm trống, thêu may thổ cẩm, đan lát, nghề rèn đúc nông cụ, chạm khắc bạc) để người dân có nguồn thu nhập chính đáng từ tham gia phát triển các nghề thủ công này. Cùng với đó, Tả Phìn cũng đang nỗ lực thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, duy trì, phát triển nghề trồng lan, kinh doanh cây thuốc bản địa, mở rộng một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao (trồng dâu tây, trồng cà chua, rau ôn đới cao cấp...).

Hoàng Linh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/sac-ao-moi-tren-vung-cao-ta-phin-post472656.html