Sá xị Chương Dương khó chồng khó

Thua lỗ ròng rã 9 quý liên tiếp, doanh thu sụt giảm mạnh tới mức âm, bức tranh tài chính của doanh nghiệp từng là nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam giai đoạn trước năm 1975 đầy gam màu xám.

Không thêm một đồng doanh thu trong quý II

Bước sang năm thứ 71 hoạt động, Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (CDbeco), hay được biết đến nhiều hơn với tên gọi Sá xị Chương Dương, phải đối diện với điều “xưa nay hiếm”.

Doanh thu bán hàng hóa và thành phẩm trong quý II/2023 bất ngờ âm 2 tỷ đồng. Phải nhờ đến nguồn thu từ hoạt động kinh doanh kho bãi, hoạt động kinh doanh chính của Công ty mới mang về 1,58 tỷ đồng doanh thu, vẫn sụt giảm mạnh so với con số gần 50 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Ngay cả quý III/2021 - thời điểm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, doanh thu của Sá xị Chương Dương vẫn gấp vài lần mức này.

“Nhu cầu tiêu thụ từ sau Tết thấp hơn dự kiến. Tỷ lệ thất nghiệp tăng, đặc biệt ở những khu công nghiệp trọng điểm, là nguyên nhân khiến doanh số bán hàng giảm”, ông Nguyễn Ngọc Huy Dũng, Giám đốc Công ty cho hay.

Ngoài ra, theo ông Dũng, điều khiến Sá xị Chương Dương âm doanh thu kinh doanh hàng hóa là bởi nghiệp vụ điều chỉnh một lần đối với hàng tồn kho cho các đối tác.

Đầu tư để tạo ra thay đổi là điều mà lãnh đạo Sá xị Chương Dương hướng đến. Doanh nghiệp ngành giải khát này đặt mục tiêu có thêm dây chuyền sản xuất chai PET với giá trị đầu tư hơn 7 tỷ đồng.

Không chỉ sụt giảm nguồn thu, chi phí lãi vay và chi phí bán hàng của Sá xị Chương Dương đều tăng, dù Công ty đã không ngừng cắt giảm và tối ưu hóa chi phí hoạt động. Số tiền bỏ ra cho hoạt động bán hàng cao gấp 2,3 lần cùng kỳ. Cùng với đó, chi phí thuê đất tăng hơn 4 lần, lên 15 tỷ đồng càng khiến Công ty thua lỗ nặng nề.

Riêng quý II, Sá xị Chương Dương lỗ ròng 35 tỷ đồng, ghi nhận mức thua lỗ cao nhất của Công ty xét trong một quý kinh doanh. Đây cũng là quý kinh doanh thua lỗ thứ 9 liên tiếp của doanh nghiệp này. Nhìn vào bức tranh tài chính hiện tại, khó có thể hình dung đây từng là nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam giai đoạn trước năm 1975.

Tính chung nửa đầu năm 2023, doanh thu của Sá xị Chương Dương giảm 35% so với cùng kỳ, thu về xấp xỉ 67 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế âm 38 tỷ đồng, gấp gần 3 lần khoản thua lỗ cùng kỳ. Có quy mô vốn điều lệ vỏn vẹn 85 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến ngày 30/6/2023 của Công ty đã là hơn 119 tỷ đồng. Phải nhờ đến nguồn vốn tích lũy tại quỹ đầu tư phát triển, Công ty mới chưa đến mức âm vốn chủ sở hữu.

Thêm nợ vì đầu tư

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông tổ chức vào cuối tháng 4/2023, Sá xị Chương Dương đặt mục tiêu doanh thu đạt 365 tỷ đồng và lãi khoảng 3,8 tỷ đồng. Tham vọng đề ra dựa trên mức tăng trưởng sản lượng lên tới 77% so với năm ngoái. Tuy nhiên, thực tế lại không “màu hồng” như phương án kinh doanh được phác thảo.

Nếu tiếp tục theo đuổi mục tiêu đề ra, nhiệm vụ trong nửa cuối năm nặng nề hơn nhiều. Mỗi ngày, doanh nghiệp này cần thu về trên 1,6 tỷ đồng, thay vì mục tiêu 1 tỷ đồng trước đây. Đồng thời, các khoản chi phí cũng cần tiết giảm để có thể kinh doanh có lãi.

Tuy vậy, cái khó của Công ty là nhiều khoản chi phí cố định đã tăng lên, khi liên tục huy động thêm vốn từ kênh tín dụng để đầu tư. Như năm 2022, Công ty đã triển khai dự án kho xưởng tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, khiến doanh nghiệp phát sinh khoản vay lớn. Nhà kho xây sẵn cho thuê với giá trị đầu tư ghi nhận trên sổ sách gần 112 tỷ đồng, mang về doanh thu 3,6 tỷ đồng trong quý II vừa qua.

Tiếp tục trong năm 2023, theo kế hoạch đầu tư tại kỳ Đại hội đồng cổ đông vừa qua, doanh nghiệp ngành giải khát này còn đặt mục tiêu có thêm dây chuyền sản xuất chai PET với giá trị đầu tư hơn 7 tỷ đồng. Đầu tư dây chuyền mới khi Công ty vẫn đang thừa công suất ở cả 2 năm kinh doanh liền trước là điều khiến cổ đông của Sá xị Chương Dương phải đặt ra câu hỏi chất vấn tại kỳ họp cổ đông năm nay. Tuy nhiên, theo ông Neo Gim Siong Bennett, thành viên HĐQT CDbeco, vấn đề nằm ở chỗ phần công suất thừa lại không đúng ở loại sản phẩm công ty cần. Nói về quyết định trên, ông Bennett nhận định, đây là giải pháp để tối ưu chi phí và linh hoạt trong sản xuất, thay vì lựa chọn đi gia công trước đây.

Đầu tư để tạo ra những thay đổi là điều mà lãnh đạo Sá xị Chương Dương hướng đến. Nhưng đầu tư luôn cần vốn và cần chọn lọc. Nợ phải trả của Công ty đã tăng mạnh trong năm 2022 và tiếp tục xác lập kỷ lục mới ở cuối quý II. Điều này càng làm lệch cơ cấu nguồn vốn của Công ty khi quy mô vốn tự có ngày càng thu nhỏ vì thua lỗ.

Đến cuối quý II, giá trị tổng tài sản của Công ty xấp xỉ 620 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ gần 89%, tương đương cứ mỗi 100 đồng tài sản thì có 89 đồng được tài trợ từ nguồn vốn nợ, trong đó 79 đồng từ kênh tín dụng ngân hàng. Tận dụng đòn bẩy tài chính, nhưng các khoản đầu tư vẫn chưa cho ra “trái ngọt”. Khó sẽ chồng thêm khó với tình hình hiện nay khi diễn biến thị trường không thuận lợi, cầu nội địa suy giảm, sản phẩm của Sá xị Chương Dương vẫn chưa tìm lại được chỗ đứng.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sa-xi-chuong-duong-kho-chong-kho-d195429.html