Sa Mù - miền mơ tưởng…

Chỉ là những khu nhà kính, những luống hoa lạ, nhưng dường như đâu đó trong tôi đã mơ hồ về một phố núi lung linh trên đỉnh Sa Mù. Cũng sương khói mong manh, cũng ngàn cây thấp thoáng, cũng hoa lá như Đà Lạt, Sa Pa, ngày đó xa hay gần chưa biết được, nhưng nó sẽ là sự thực thì không còn phải nghi ngờ.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Ngọc Lân (trái) và kĩ sư Đào Ngọc Hoàng trong vườn Lan Hồ điệp ở Sa Mù. Ảnh: L.Đ.D

“Hẹn với anh lâu rồi nhưng sáng nay em chính thức mời anh đi thăm cơ ngơi của bọn em. Mai sáu giờ ba mươi phút mình lên đường anh nhé”. Người gọi cuộc điện thoại ấy cho tôi là Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ (KHCN) Quảng Trị. Và “cơ ngơi” mà giám đốc Lân nói chính là khu thí nghiệm ứng dụng khoa học công nghệ ở đèo Sa Mù, xã Hướng Phùng, bắc Hướng Hóa.

Thật ra từ mấy năm nay Sa Mù đã được biết đến nhiều, nhất là khi những loài hoa, cây trái tưởng chỉ có thể trồng ở xứ lạnh giờ đã “bung lụa” giữa xứ sở gió Lào nắng cháy. Nhưng kí ức về một vùng đất cũng như kí ức đời người không ai giống ai. Trên chiếc Pajero cùng với giám đốc Sở KHCN Trần Ngọc Lân ngược quốc lộ 9 rẽ vào Hướng Phùng theo đường Hồ Chí Minh nhánh tây, kí ức tôi lại nhớ về chiếc xe Uaz 450 sơn màu lính của Bộ đội Biên phòng tỉnh những năm đầu thập niên 90 của thế kỉ trước.

Sau khi chia tỉnh, về làm Báo Quảng Trị, tôi may mắn được đeo bám theo anh em Bộ đội Biên phòng tỉnh xuôi ngược Tây Trường Sơn nhiều lần. Và cung đường từ Khe Sanh vào Đồn Biên phòng Cù Bai luôn là một trải nghiệm thú vị. Trước đó, để vào đồn Cù Bai không phải khi nào xe cũng vào được, nhất là mùa mưa. Và chiếc xe Uaz 450 - chiếc xe huyền thoại của Liên Xô viện trợ cho ta những năm tháng chống Mỹ - luôn là chú ngựa thồ khả dĩ nhất cho các đồn. Mỗi chuyến đi, chiếc Uaz 450 chở chừng hơn tấn rưỡi gạo. Chúng tôi ngồi trên những bao gạo chồng chất ấy. Sau khi vào đồn, bốc gạo xong thì xe nhẹ bẫng, chuyến đi vào nhờ chở nặng nên xe chạy đằm, khi xe nhẹ, đường xấu, xóc nảy tâng tâng suốt sáu bảy chục cây số đường rừng. Có lẽ nhờ kí ức nhọc nhằn mà giờ đây, khi trên chiếc xe cùng anh Lân quay lại Sa Mù, tôi cảm nhận được sự thay đổi của miền Tây, dù rằng bao nhiêu năm nay có năm nào không có mươi chuyến ngược xuôi trên cung đường này.

Anh Ngọ, tài xế của giám đốc Sở KHCN chợt lên tiếng: “Rứa là bốn năm rồi anh Lân hè!”. Sợ tôi không hiểu, anh Lân giải thích: “Ngọ nói vậy là nhắc ngày 1/1/2016 đó anh. Đúng ngày tết dương lịch năm đó, khi tôi vừa từ Chủ tịch UBND huyện Gio Linh vào nhận nhiệm vụ Giám đốc Sở KHCN, hai anh em lên chiếc xe này chạy lên đây đi “thăm ló ngó đồng”, bởi khi nhận nhiệm vụ, tôi vẫn nghĩ mình phải tìm ra một vùng đất để thực hiện được giấc mơ làm khoa học công nghệ đúng nghĩa. Quảng Trị mình có nhiều lợi thế, nhưng không phải lợi thế nào cũng đua được với người ta. Vì vậy mình tìm hướng đi khác và với nhiệm vụ của ngành, đó phải là tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ. Muốn ứng dụng công nghệ thành công thì phải có nơi để thí nghiệm và thí điểm. Muốn có nơi thí nghiệm và thí điểm thì phải đi tìm nơi dựng nghiệp. Và cái ngày Tết dương lịch 2016 ấy, cuộc đi chơi mang màu sắc du khảo ấy, không ngờ đã bắt đầu cho một câu chuyện đẹp như cổ tích”.

Trong vườn dâu tây thử nghiệm. Ảnh: L.Đ.D

Anh Đào Ngọc Hoàng, Giám đốc Trung tâm ứng dụng KHCN của sở, người trực tiếp lăn lộn với Sa Mù giờ mới cất tiếng: Ngày đó em còn làm ở Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nghe anh Lân “dụ dỗ” về làm vụ này cũng phân vân lắm. Lên đây càng hoang mang hơn khi núi rừng hoang vu, chỉ có khí hậu của Sa Mù là tuyệt nhất. Ở dưới Đông Hà nắng rát da, lên đây lại phải khoác áo gió để đỡ lạnh. Chính cái khí hậu ấy là một đền bồi rất có hậu của thượng đế cho miền đất vốn dĩ khắc nghiệt này.

Xe đi vào Hướng Phùng, hoa dã quỳ vàng rực hai bên đường. Dự án đường hoa dã quỳ của một số anh em có tấm lòng với vùng đất này đã khởi động và bắt đầu thu hút một lượng khách lên đây. Nhưng nếu chỉ lên để chụp ảnh, “selfie” với đường hoa rồi về thì đó chưa thể gọi là “tour”. Và Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ ở Sa Mù trở thành một điểm dừng chân quá tuyệt vời.

Đẩy cánh cửa khu nhà kính, tôi sững sờ trước cả vạn chậu lan hồ điệp đang chuẩn bị trổ hoa chào Tết Canh Tý. Kĩ sư Đào Ngọc Hoàng cho biết: Nhờ giám đốc Lân cả. Từ những mầm mô cho đến giò lan kia là đúng hai năm. Và đây là năm đầu tiên hoa lan đại hồ điệp chính thức trở thành thương phẩm. Trung tâm đã nuôi cấy mô ở phòng thí nghiệm tại Đông Hà, nuôi mô lớn thành cây rồi tầm 6 tháng mới chở lên đây. Trước khi trồng đại trà như thế này, chúng tôi cũng đi tham khảo ở các trung tâm bạn. Như ở Huế, cũng trồng thử nghiệm ở lâm trường Tiền Phong nhưng lan của họ không cho vòi dài, hoa bé, hoa như thế không thể ra thị trường được. Rồi ở Quảng Nam cũng đã thử nghiệm, nhưng vẫn chưa có kết quả khả thi. Trồng lan để có hoa thì không khó, nhưng hoa đạt chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường mới khó. Những nhà vườn chuyên hoa như ở Đà Lạt thì kinh nghiệm lâu đời, rồi hoa nhập từ Thái Lan, Trung Quốc nữa, liệu có cạnh tranh được không? Giờ thì chúng tôi có thể tự tin là lan hồ điệp “Made in Quảng Trị” sẽ không ngại đối thủ nào, bởi với công nghệ chúng tôi áp dụng, sau quá trình sàng lọc, sẽ có những giống lan cho màu đẹp và bền. Chơi lan hồ điệp của nơi khác thời gian chỉ có thể 1-2 tháng, nhưng hồ điệp Sa Mù đủ tự tin để có đời sống dài hơn, đó là nhờ công nghệ. Trên chiếc máy điện thoại smartphone của mình, giám đốc Lân đã cài một cái app riêng cho khu vực nhà kính ở Sa Mù. Ngồi ở Đông Hà vẫn có thể giám sát nhiệt độ, ẩm độ, công thức tưới, định giờ tưới…Và câu chuyện quan trọng nhất là thời điểm cho hoa nở.

Anh Lân quay sang giải thích cho tôi: Ví dụ như năm nay cuối mùa đông mà trời nắng, hoa có nguy cơ nở sớm trước tết thì chúng tôi vẫn có thể hãm thời gian nở lại cho đúng tết. Tương tự, nếu rét quá, hoa sẽ nở muộn. Hoa nở mà tết qua rồi còn bán được cho ai? Nhưng với công nghệ, chúng tôi vẫn có thể cho hoa nở đúng thời điểm cần thiết. Đó chính là “ứng dụng”. Và tất cả những gì chúng tôi làm đều trên tinh thần đó, ứng dụng được vào sản xuất, đời sống và mang lại hiệu quả. Khi quyết định sản xuất lan hồ điệp thương phẩm ra thị trường tết này, tôi có nói với anh em, mình làm một vạn giò lan hồ điệp đi. Đào Ngọc Hoàng phân vân: Sếp ơi, vừa rồi đi nghiên cứu ở các tỉnh bạn còn gay go như vậy, liệu có làm được không? Nhưng tôi nghĩ kĩ rồi, hỏi luôn: Vậy với diện tích của mình ở Sa Mù, ngoài việc dành chỗ cho các cây khác thì tối đa có thể được bao nhiêu chậu hồ điệp. Hoàng nói cỡ 1,3 vạn chậu. Tôi quyết luôn: Thế thì làm mười ba ngàn chậu luôn đi. Đào Ngọc Hoàng cười: Giờ thấy thế này thì yên tâm lắm rồi, chứ khi mới “xuống vụ” anh em lo lắm vì không thành công e vỡ trận. Thị trường thì không lo. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, công sở… chỉ riêng Đà Nẵng đã có nhu cầu 10 vạn chậu hồ điệp/năm. Miễn hoa mình đẹp, nở bền thì không có gì phải lo.

Nhưng lan hồ điệp chỉ là một trong rất nhiều đặc sản đặc biệt của Trung tâm ứng dụng KHCN trên đèo Sa Mù này. Bởi trong những căn nhà kính kia, rất nhiều bí mật đang được thử nghiệm. Tết năm kia, khi hoa li được bán ở Đông Hà, nhiều người không tin là hoa này được trồng ở Quảng Trị cho đến khi xem báo, nghe đài được biết về một trang trại như thế. Mà ngày đó, trang trại này chưa có cơ ngơi, phải mượn đất của Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa để thử nghiệm. Nếu hoa li khiến mọi người ngạc nhiên một thì hoa tulyp khiến mọi người ngạc nhiên cả trăm lần, bởi tulyp - loài hoa trứ danh của châu Âu với cái tên được phiên ra Hán Việt là “Uất kim hương”- đầy sang chảnh sao có thể nở bừng rạng rỡ dưới vòm trời Quảng Trị gió Lào cát trắng? Một anh bạn đồng hương ở Úc, tết năm ngoái khi về thăm quê, thấy chưng hoa tulyp đã hài hước rằng: “Mình có nghĩ tới câu chuyện người Quảng Trị có thể thành phi hành gia bay vào vũ trụ chứ khó để nghĩ hoa tulyp nở trên mảnh đất này”. Nhưng đáng yêu thay, đó lại là sự thật ở Sa Mù.

Không chỉ chứng minh sự thành công của những giống hoa của miền ôn đới được trồng thành công, anh em ở trung tâm đang thí điểm những cây ăn quả mới. Nhìn hàng vạn gốc dâu tây đang mơn mởn, đầu mỗi luống dâu đều có một cây mẫu cho quả đỏ mọng, có cây lấy giống từ Úc, có cây từ Hàn Quốc, cây lại lấy từ New Zealand... anh Trần Ngọc Lân cho hay sẽ trên cơ sở đối chứng này mà chọn ra giống dâu thích hợp nhất. Cà chua Nhật, giống cà chua có dinh dưỡng cao đang cho trái trĩu cành với giá bán gấp chục lần cà chua thường cũng đã hiện hữu ở đây.

Cũng như thế, những cây dược liệu có giá trị cao đang được anh em cán bộ trung tâm di thực về đây thành công. Những hạt giống sâm Ngọc Linh được gieo đã lên mầm và cho củ, dưới tán rừng xung quanh trung tâm Sa Mù này sẽ được nghiên cứu để di thực loài sâm quý. Lan kim tuyến, một loài lan dược liệu rất hiếm cũng đã được nuôi cấy mô thành công để trồng hàng loạt. Đặc biệt, trung tâm đang chăm sóc một cây dược liệu vào hàng cực phẩm quý hiếm: “Thất diệp nhất chi hoa” - loài cây bảy lá một hoa, biệt dược chữa ung thư, loài cây tưởng chỉ có ở trên dãy Hoàng Liên Sơn xa tít được anh em cán bộ trung tâm tìm thấy ngay tại núi rừng Quảng Trị và với công nghệ nuôi cấy mô, một ngày không xa cây dược liệu quý hiếm này sẽ được cho ra đời hàng ngàn cây giống khác.

Những gì chúng tôi đã chứng kiến trên đỉnh Sa Mù trong một ngày cuối đông khiến lòng ấm áp hẳn. Hóa ra cái vùng ôn đới kì lạ giữa xứ gió Lào bắt đầu gợi mở cho Quảng Trị một cách thế mới để làm ăn. Giám đốc Trần Ngọc Lân cho biết: Nói công nghệ 4.0 thì dễ, nhưng để 4.0 đi vào cuộc sống mới là chuyện phải làm. Bây giờ chúng tôi đã có những công nghệ mới, gần như độc quyền. Không chỉ chuyện công nghệ trồng hoa, di thực các dược liệu, mà cả các chế phẩm liên quan đến việc chăn nuôi trồng trọt của bà con cũng được anh em đầu tư nghiên cứu sao cho hiệu quả. Chỉ vào những đống vỏ cà phê ven đường, anh cho biết trước đây, bà con chế biến xong, vỏ cà phê cho không ai lấy, nay với chế phẩm của trung tâm sản xuất được trộn vào, theo công thức, tỉ lệ mà anh em bày cho, đống vỏ cà phê kia sẽ là loại phân hữu cơ rất giá trị.

Lê Đức Dục

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=145641