S-500 chưa ra đời đã lạc hậu trước tên lửa Mỹ?

Mặc dù được giới thiệu như một hệ thống phòng thủ tên lửa hàng đầu thế giới, nhưng khi đứng cạnh SM-3 thì các loại đạn đánh chặn của S-500 vẫn còn khoảng cách rất xa.

Theo những thông tin mới công bố từ giới chức quân sự Nga, dự kiến hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-500 Prometey sẽ chính thức trang bị cho quân đội nước này từ năm 2020, tổ hợp được chế tạo trước tiên nhằm thực hiện vai trò phòng thủ chống tên lửa đạn đạo.

Sở hữu những thông số hết sức ấn tượng như các tên lửa 77N6-N và 77N6-N1 có vận tốc dao động từ 5 - 7 km/s, tầm hoạt động 500 km, trần bay 186 km, được áp dụng công nghệ đánh chặn động năng, có thể tiêu diệt 10 mục tiêu bay của đối phương cùng lúc, trong đó có cả vệ tinh quân sự.

S-500 nhận kỳ vọng sẽ thay thế cho cả S-300 lẫn S-400, Quân đội Nga từng tự tin tuyên bố rằng đây chính là hệ thống phòng không số 1 thế giới.

Mô hình hệ thống tên lửa S-500 của Nga

S-500 xuất hiện trên lịch bên cạnh những hệ thống tên lửa phòng không khác của Tập đoàn Almaz-Antei, bao gồm S-350E, Buk-M3, Tor-M2U và S-400

Mặc dù vậy, nếu so sánh với một vũ khí tương đương đang phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ là tên lửa đánh chặn RIM-161 Standard Missile 3 (SM-3) thì dễ dàng nhận thấy các thông số cơ bản của SM-3 vẫn vượt trội dòng 77N6-N của S-500.

Cụ thể, SM-3 có tầm bắn tối đa đạt 700 km ở biến thể Block IA/B và lên tới 2.500 km với phiên bản nâng cấp Block IIA, vượt xa cự ly 500 km của S-500. Trong cuộc thử nghiệm diễn ra ngày 21/2/2008, SM-3 phóng từ tuần dương hạm USS Lake Erie đã phá hủy thành công một vệ tinh bay cách trái đất 247 km, đây là con số mà S-500 phải mơ ước.

Ngoài ra công nghệ va chạm trực tiếp có độ chính xác tuyệt đối đã giúp cho kích thước của SM-3 rất nhỏ gọn do không phải mang theo đầu đạn, nó chỉ dài 6,55 m; đường kính 34,3 cm (Block I) hoặc 53,3 cm (Block II); sải cánh 1,57 m; trọng lượng phóng vỏn vẹn 1,5 tấn; triển khai được từ bệ phóng thẳng đứng Mk 41.

Trong khi đó, tuy rằng cũng được quảng cáo sử dụng phương thức tiêu diệt mục tiêu tương tự nhưng qua một số hình ảnh đồ họa đã xuất hiện, dễ nhận thấy đạn của S-500 còn lớn hơn cả "người khổng lồ" 9M82 của dòng S-300V.

Điều này dẫn tới câu hỏi là liệu người Nga đã thực sự làm chủ công nghệ tối tân kia chưa, hay họ vẫn phải lắp cho nó một đầu đạn lớn để đảm bảo xác suất tiêu diệt, đặc biệt khi ngành công nghiệp điện tử và thiết bị quang học của Nga vẫn còn tụt hậu rất xa so với phương Tây, khó mà chế tạo được một đầu dò tiên tiến như loại lắp đặt trên SM-3.

Phóng tên lửa RIM-161 SM-3 từ tàu chiến của Hải quân Mỹ

Lợi thế của S-500 so với SM-3 lúc này có lẽ nằm ở việc ngoài chống tên lửa đạn đạo thì nó còn bắn được cả máy bay, nhưng đây chỉ là chức năng thứ yếu. Hải quân Mỹ được cho là không muốn SM-3 phải ôm đồm quá nhiều việc, do họ đã có SM-6 vừa chống tên lửa đạn đạo, lại chống được cả tên lửa hành trình bay thấp lẫn tàu chiến đối phương.

Dĩ nhiên phép so sánh trên mới chỉ dựa vào thông số lý thuyết thu thập từ những nguồn dữ liệu mở được công khai trên mặt báo, thực tế khả năng sẽ khác xa. Nhưng ít nhất các nhà thiết kế Nga cần phải suy nghĩ nhiều hơn về việc một tổ hợp còn đang phát triển lại chưa chứng tỏ được ưu thế trước loại đã trực chiến từ lâu.

Theo Trí thức trẻ

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/s500-chua-ra-doi-da-lac-hau-truoc-ten-lua-my-post214481.info