Rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Từ đầu năm 2016 đến nay, ngành Y tế Hà Nội đã tổ chức thực hiện đồng thời các giải pháp về chuyên môn và cải cách hành chính trong khám chữa bệnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y, bác sĩ, đáp ứng sự hài lòng người bệnh.

Các bệnh viện tuyến thành phố và tuyến huyện trực thuộc ngành Y tế Hà Nội đã được bố trí thêm ghế ngồi, bổ sung quạt điện tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh trong thời gian chờ khám; sắp xếp, cải tiến quy trình khám bệnh hợp lý, tổ chức tiếp đón, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu để giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh; sửa sang các phòng bệnh để người bệnh được nằm điều trị trong điều kiện tốt; hạn chế thấp nhất nằm ghép, tăng cường công tác phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh; bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, phương tiện cấp cứu...

Tại một số bệnh viện đã niêm yết công khai giờ làm việc như việc đến sớm, về muộn hơn thời gian khám bệnh ít nhất 30 phút để tiếp đón người bệnh và giải quyết hết người bệnh trong ngày.

Một số bệnh viện thực hiện khám bệnh bảo hiểm y tế cả ngày nghỉ như Thanh Nhàn, Tim Hà Nội, Xanh Pôn, Đống Đa, Mắt Hà Nội, Hòe Nhai… Đặc biệt một số bệnh viện đầu ngành của thành phố đã triển khai hình thức đăng ký khám bệnh qua thẻ, điện thoại, đặt lịch hẹn như Đức Giang, Đống Đa, Tim Hà Nội…

Theo báo cáo khảo sát tại các bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Hà Nội đầu năm 2016, thời gian khám trung bình của người bệnh đã giảm hơn so với trước năm 2014.

Bên cạnh đó, các bệnh viện đã nâng cao chất lượng chuyên môn kỹ thuật, đa dạng hóa các loại hình chăm sóc và điều trị người bệnh. Các bệnh viện tập trung phát triển kỹ thuật trình độ cao, xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển kỹ thuật chuyên sâu, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng hệ thống bệnh viện vệ tinh, hoàn thiện xây dựng mô hình bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch và phẫu thuật nội soi; thực hiện phân tuyến kỹ thuật phù hợp với tuyến điều trị, năng lực khám chữa bệnh của các tuyến; bổ sung nhân lực, trang thiết bị cho các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực đảm bảo công tác cấp cứu hồi sức ngay tại các bệnh viện để giúp người bệnh khi đến bệnh viện đảm bảo chăm sóc sức khỏe kịp thời.

Mặt khác, các bệnh viện cũng tích cực triển khai thực hiện Thông tư số 07/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức ngành Y tế, kế hoạch đổi mới phong cách thái độ phục vụ đáp ứng sự hài lòng của người bệnh; duy trì hoạt động đường dây nóng, đánh giá sự hài lòng của người bệnh, thực hiện Chỉ thị 09/CT-BYT của Bộ Y tế về việc tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân, tổ chức triển khai chương trình Tiếp sức người bệnh ngay tại đơn vị để hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ người bệnh ngay từ khi bắt đầu đến bệnh viện đến khi ra về.

Để đáp ứng sự hài lòng của bệnh nhân, song song với việc cải cách hành chính, trong thời gian tới các cơ sở khám chữa bệnh ngành Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức ký cam kết thực hiện đối với những cán bộ mới tiếp nhận hoặc các khoa, phòng mới thành lập; phối hợp chặt chẽ với đoàn thanh niên các trường để thành lập mới, củng cố tổ chức hoạt động của đội tình nguyện, tiếp sức người bệnh; duy trì, củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu quả đường dây nóng, hòm thư góp ý theo quy định của Bộ Y tế; tăng cường ứng dụng các thiết bị y tế hiện đại trong công tác chẩn đoán, hội chẩn nhằm xác định bệnh chính xác và có hướng điều trị kịp thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh một cách tốt nhất.

Thương Lê

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/rut-ngan-thoi-gian-cho-doi-cua-nguoi-benh_t114c9n110860