Rượu Vang quà tặng của thượng đế

Chẳng biết ai là người đầu tiên làm ra vang. Từ thời các Pharaon Ai Cập, 'Vang' (rượu làm từ nước quả nho lên men) đã rất phổ biến ở các nước vùng Trung Đông.

Họ gọi rượu vang là nước của thần, vì nó biết cách làm một ông lão đơn độc cảm thấy hạnh phúc, trẻ lại. Rót một ít vang vào miệng người sắp từ trần sẽ cho người ta sức để trăn trối. Leonardo da Vinci viết: “Vang là món quà tặng của thượng đế”. Với người theo Ki Tô giáo, bánh mì và rượu vang tượng trưng cho thân xác và máu của chúa.

Các giá trị đó theo chân rượu vang đi khắp chân trời góc bể. Vang từ phương Tây du nhập vào Việt Nam cách đây gần 2 thế kỷ. Cụ Tú Xương từng cảm thán: “Thôi có làm chi cái chữ nho/ Ông Nghè ông Cống cũng nằm co/ Chi bằng đi học làm thày Phán/ Tối rượu sâm banh (một loại rượu vang) sáng sữa bò”. Hồi ấy, rượu vang trở thành biểu tượng phân biệt xã hội, một dấu hiệu về sự giàu có và địa vị của người thưởng thức.

Ngày nay, cuộc sống và dân trí đã nâng cao, vang càng được dùng nhiều trong sinh hoạt đời thường. Trước hết, bởi vì nó ngon! Tựa người phụ nữ, tự vang đã có hương thơm dịu dàng. Vang càng nhiều tuổi thì vị ngọt càng đậm đà. Nó liên tục làm cho ta ngạc nhiên theo rất nhiều cách lạ lùng, bất ngờ. Thứ hai, thế giới có 200.000 loại vang. Ẩm khách có thể gọi một chai vang nổi tiếng Grands Crus Classes (Bordeaux) giá “chỉ” hơn trăm triệu đồng, hay một chai dùng “nấu sốt vang thỏ” vài chục ngàn đồng. Vang chấp mọi loại ví tiền.

Văn hào Pháp A. Dumas từng nói: “Rượu vang là phần trí thức, còn các loại thịt chỉ là phần vật chất của bữa ăn”.

Người thưởng rượu phải biết cách mở chai, cầm ly, ngắm nhìn màu sắc, ngửi hương, cảm nhận mùi vị và rồi tán chuyện về vang! Bạn tôi kể rằng: Sau khi đàm phán xong một hợp đồng rất nhiều triệu đô, anh cùng sếp được tỷ phú dầu lửa Malaysia mời tiệc. Ông ta rót vang cho họ từ một cái chai vỏ đã bị rỗ. Hai vị thực khách uống liền một hơi và không nói gì. Từ lúc đó, người bồi rượu (sommelier) không tiếp thêm vang vào cốc họ nữa, mà chuyển sang wishky. Sau này họ mới biết rằng chai vang đó được vớt lên từ một con tàu của Tây Ban Nha bị chìm dưới biển cách đây đã hơn trăm năm. Nó có giá hàng chục ngàn USD! Các nốt rỗ trên vỏ chai là vết hà bám.

“Rượu ngon phải có bạn hiền”, vang còn kén người hơn nữa. Người uống rượu mạnh khi đã bốc lên, một cốc uống chung là hiện thân của ý niệm hòa đồng, dân chủ. Rượu vang không uống chung cốc, cũng không nắm tay hô “zdô”. Trên các bàn rượu người ta dễ thấy đại đa số là đàn ông. Nữ không thích hợp với dân nhậu nhẹt uống theo phong cách “cạn trăm phần trăm”.

Madame Pompadour người chủ trì một salon nổi tiếng của giới thượng lưu, trí thức Paris thời “vua Mặt Trời” (Louis 14), nói rằng sâm banh (Champagne) là thứ duy nhất khiến cho phụ nữ giữ nguyên vẻ đẹp sau khi uống rượu.

Nhân nói đến rượu Sâm banh lại nhớ Dom Perignon, thày tu dòng Benedictine ở tỉnh Reims nước Pháp - người đầu tiên, từ thế kỷ XVII, phát minh ra vang sủi bọt (sâm banh) bằng cách cho vang lên men lần thứ 2 ngay trong chai. Một phim Mỹ mới gần đây có chiếu cảnh hai tỷ phú, sau khi ký xong hợp đồng trị giá tỷ đô, đã bắt tay nhau và gọi một chai Dom Perignon ăn mừng! Thì ra hãng rượu Moet- Chandon lừng danh thiên hạ đã tôn vinh ông bằng cách làm ra thứ Champagne thượng hảo hạng đặt tên “Dom Perignon”.

Từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, người Hy Lạp viết: “Đồng là tấm gương của hình thức, rượu vang là tấm gương của tâm trí”. (Hồi ấy chưa có thủy tinh, người ta dùng đồng đánh bóng làm gương). Rượu hé lộ những gì bị che giấu, nó có thể phơi bày bản chất thực sự của người uống. Người thưởng rượu đã nhập hồn “Vang Đạo”, sẽ biết dừng trước lằn ranh giữa tỉnh táo và say xỉn, để vẫn thoát khỏi ưu phiền mà không trở nên thô lỗ, điên khùng. Chỉ vài ly thôi, vang làm thấm ướt tâm hồn, đánh thức cảm nghĩ dịu dàng, thăng hoa thành thơ, âm nhạc, ru niềm đau của ta vào giấc ngủ.

Trong sách y khoa, người ta đã viết về cái gọi là “Nghịch lý nước Pháp”.

Người xứ này ăn quá nhiều thịt, bơ, pho mát… (chất béo động vật) mà rất ít bị bệnh về tim mạch. Nguyên nhân là bởi họ uống rượu vang thường xuyên, nhất là vang đỏ (trừ người bị mắc bệnh gan), rượu là tử thần.

Uống vang điều độ làm dịu thần kinh, khai sáng tâm trí, điều hòa hệ thống tim mạch, chống đột quỵ và nhồi máu cơ tim, ngăn chặn khởi phát tiểu đường tupe 2, giảm nguy cơ bị ung thư, kích thích tiêu hóa…

Hải Thượng Lãn Ông đã nói: “Bán dạ tam bôi tửu, Lương y bất đáo gia”. Người khôn chỉ uống 3 ly. Ly đầu cho khỏe, ly sau cho sự khoan khoái bởi chất rượu thơm ấm áp tràn vào và ly thứ 3 là cho giấc ngủ, ly thứ tư đã không thuộc về mình.

Năm ngoái, tại hầm rượu của nhà hàng Hải Đăng (Hải Phòng), tôi tiếp cặp vợ chồng vị giáo sư đồng nghiệp con gái ở Mỹ. Cháu điện dặn rằng ông bà chỉ thích uống vang. Theo tư vấn của ông Mai Xuân Thắng - Chủ tịch Tập đoàn Hải Đăng, một người rất sành và khao khát phổ cập “văn hóa vang”, ba chúng tôi dùng một chai Cabernet Sauvignon được sản xuất năm 2015 ở vùng thung lũng Napa, California.

Sau đó chia tay trong niềm hân hoan. Ông bà giáo sư thích vang, may quá, chưa đến nỗi như Tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson khi về hưu bị phá sản vì quá mê vang!

Nhờ nhà buôn rượu “đường dài” mà trên những quầy quán bar, nhà hàng Việt Nam có bày bán các loại vang của tất cả cường quốc vang thế giới: Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Úc, New Zeland, Mỹ, Argentina, Nam Phi. Hy vọng một ngày nào đó, vang Đà Lạt sẽ xuất hiện trong những quán rượu ở Pháp.

Mùa xuân đến rồi, hãy cùng nâng ly rượu vang để gương mặt được ửng hồng như màu hoa đào đang nở ngoài sân!

Hà Linh Quân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ruou-vang-qua-tang-cua-thuong-de-302140.html