Rừng trong phố

Hệ thống cây xanh, vườn thực vật cảnh quan núi Nhạn giúp TP Tuy Hòa sở hữu hệ sinh thái nhiều giá trị. Không riêng nơi này, thời gian tới, Phú Yên sẽ đầu tư thêm nhiều khu rừng trong phố, từng bước phủ xanh TP Tuy Hòa.

Hệ thống cây xanh, vườn thực vật cảnh quan núi Nhạn được đánh giá là tài sản vô giá của TP Tuy Hòa. Ảnh: CTV

Tài sản vô giá

Cán bộ Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên theo dõi cây cẩm lai đang thay lá. Ảnh: NHẬT HUY

Nhắc đến hệ thống cây xanh, vườn thực vật cảnh quan núi Nhạn, ông Lê Văn Thứng, nguyên Giám đốc Lâm trường Thanh niên xung phong thể hiện sự tự hào. Năm 1993, ông nhận nhiệm vụ công tác ở Lâm trường Thanh niên xung phong tỉnh Phú Yên. Một năm sau đó, ông xây dựng kế hoạch, xin chủ trương UBND tỉnh phủ xanh núi Nhạn bằng những loại cây gỗ quý trên khắp cả nước và được chấp thuận.

Quá trình thực hiện là một chặng đường gian nan vất vả của những người làm việc ở Lâm trường Thanh niên xung phong tỉnh Phú Yên. Đất tại khu vực núi Nhạn không tốt, nhiều đá, dinh dưỡng thấp, chủ yếu cây bụi. Phủ xanh ngọn núi được xem là biểu tượng của Phú Yên, đối với những người trồng cây thời điểm ấy là nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, họ đã không ngại gian khổ để tạo ra hệ sinh thái với nhiều loài cây gỗ quý như: Kiền kiền, huỳnh đàn, gõ đỏ, thông tre, lim xanh, chai lá cong…

“Thời điểm ấy, chúng tôi có suy nghĩ xây dựng mảng xanh xung quanh núi Nhạn, tạo cảnh quan cho TP Tuy Hòa. Bên cạnh đó, hệ thống cây xanh sẽ lưu lại những giống gỗ quý từ khắp mọi miền đất nước, để các thế hệ con cháu biết được giá trị sinh thái, kiến thức về hệ thực vật đa dạng. Ngoài ra, đó là cũng cách mà những người làm lâm nghiệp bảo vệ nguồn gen các loại cây quý của Việt Nam”, ông Lê Văn Thứng nhớ lại.

Năm 2000, Lâm trường Thanh niên xung phong (thuộc Công ty Lâm đặc sản của Sở Lâm nghiệp) bàn giao lại hệ thống cây xanh, vườn thực vật cảnh quan núi Nhạn cho Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển (thuộc Sở NN&PTNT). Năm 2004, UBND TP Tuy Hòa tiếp nhận và giao Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên chăm sóc, bảo tồn tới nay.

Theo Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên, hệ thống cây xanh, vườn thực vật cảnh quan núi Nhạn có tổng diện tích 8,4ha (rừng tự nhiên và rừng trồng) được chia thành 19 lô và các tuyến với tổng số cây hiện có là 3.561 cây cùng khoảng 450 loại được ghi nhận tại khu vườn.

Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên cho biết: “Khi tiếp nhận hệ thống cây xanh, vườn thực vật cảnh quan núi Nhạn, đơn vị tiến hành trồng dặm, bổ sung một số cây bị chết, bảo đảm mật độ. Điều chúng tôi trân quý nhất là các thế hệ trước đã dám nghĩ, dám làm khi trồng các loại cây gỗ quý tại đây. Đó là những giá trị vô giá cho các thế hệ mai sau.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tôn tạo, trồng một số cây tạo cảnh quan, dọc theo tuyến đường để tô điểm thêm cho khu vực; gắn bảng tên khoa học các loại cây để du khách tham quan hiểu được giá trị thiên nhiên tại núi Nhạn. Về chuyên môn, chúng tôi sẽ đề xuất lùn hóa các loại cây (cắt thấp) để hạn chế ảnh hưởng của bão; nghiên cứu, bổ sung các giống cây đặc hữu, gỗ quý tại khu vực này”.

Ngoài khách du lịch đến tham quan tại núi Nhạn, tận hưởng không khí mát mẻ, vẻ đẹp của thiên nhiên, các đoàn nghiên cứu khoa học, các trường đại học trong và ngoài tỉnh thường xuyên đến đây để nghiên cứu về các giống cây gỗ quý và hệ sinh thái tại khu vực núi Nhạn.

“Đây là sự tự hào của người dân Phú Yên, cũng như ghi nhận sự đóng góp giá trị của những người làm việc tại Lâm trường Thanh niên xung phong (trước đây) để các thế hệ hiện nay và mai sau được nhìn thấy những cây gỗ quý, có thể đã không còn trên những cánh rừng tự nhiên”, ông Hoàng cho biết thêm.

Phủ xanh TP Tuy Hòa

Phú Yên xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Để thu hút được lượng khách đến và giữ chân du khách, ngoài phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị, hạ tầng dịch vụ du lịch…, vấn đề tạo những khoảnh rừng nhiệt đới trong lòng đô thị bằng nhiều loại cây bản địa có bản sắc riêng, nhằm cải tạo điều kiện khí hậu thành phố là rất cần thiết.

Nhiều du khách thích thú khi tham quan núi Nhạn, tận hưởng không gian thiên nhiên mát mẻ trong lành nơi đây. Ảnh: NHẬT HUY

Ngoài chăm sóc, gìn giữ, hiện nay Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên thường xuyên nghiên cứu các loại cây trong hệ thống cây xanh, vườn thực vật cảnh quan núi Nhạn, từ đó tìm ra những loại cây phù hợp với thổ nhưỡng và thời tiết của TP Tuy Hòa để trồng ở các công viên.

Thực hiện đề án Trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, Phú Yên đã phê duyệt đề án Trồng 15 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025. Qua 3 năm thực hiện, toàn tỉnh trồng được gần 14 triệu cây xanh. Chủ trương phát triển, xây dựng thành phố xanh và hình thành những mảng rừng trong phố cũng là một trong những nội dung của đề án này.

Tại TP Tuy Hòa, đề án Trồng 2 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025 đang được triển khai thực hiện. Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên đề xuất phương án trồng cây theo hướng nghiên cứu trồng thử nghiệm để tạo lập khoảnh rừng nhiệt đới bằng cây bản địa phù hợp với khí hậu địa phương và được UBND TP Tuy Hòa chấp thuận.

Cụ thể, công ty sẽ tài trợ mỗi năm 10.000 cây xanh bản địa giai đoạn 2022-2024. Mục tiêu sau 5-10 năm sẽ hình thành được khoảnh rừng nhiệt đới xanh, đẹp, mang bản sắc riêng của đô thị Tuy Hòa, nhằm phục vụ nhu cầu tận hưởng cảm giác đi giữa rừng trong lòng thành phố.

Hiện tại 15.000 cây các loại đã được trồng tại công viên Thanh thiếu niên (diện tích 8,6ha), hình thức hỗn giao theo cấu trúc rừng nhiệt đới. Cụ thể: Chọn cây thứ yếu làm tầng cây ưa sáng có 21 loài (bằng lăng ổi, chai lá cong, cẩm lai, dầu rái…); cây bạn làm tầng cây thấp hơn chịu mát như cọ ta, kè bạc, kè đỏ và một số cây chịu mát khác cùng tầng cây bụi để tận dụng tối đa không gian sinh trưởng của cây.

Để thu hút nhiều động thực vật về sinh sống, trú ngụ trong công viên, ngoài việc trồng cây tạo sinh cảnh, đơn vị này sẽ trồng thêm một số cây ăn trái có nguồn gốc từ rừng để làm thức ăn như: Xoài rừng, mít nài, cây trám, cây xoay, cây ổi rừng…

Theo lãnh đạo UBND TP Tuy Hòa, khi địa phương thực hiện xong kế hoạch trồng 2 triệu cây xanh sẽ có nhiều khoảnh rừng được tạo ra, trong đó có khoảnh rừng nhiệt đới trong lòng đô thị tại các công viên. Mỗi sáng thức dậy tập thể dục, người dân có thể nghe tiếng chim hót và tiếng kêu vui nhộn của những chú sóc nâu, qua đó được cung cấp nhiều năng lượng trong ngày mới.

NHT HUY

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/313735/rung-trong-pho.html