Rung lắc bất ngờ, thị trường đỏ rực, thanh khoản kỷ lục

Thanh khoản hai sàn niêm yết sáng nay cao đột biến lên mức kỷ lục kể từ tháng 8/2022 khi khớp lệnh vượt quá ngưỡng 12 ngàn tỷ đồng. Tiếc rằng mức giao dịch khổng lồ này lại khiến đại đa số cổ phiếu giảm giá, bất kể là penny hay blue-chips...

Xếp theo giá trị khớp lệnh, cổ phiếu thanh khoản cao giảm giá rất nhiều, cho thấy lực bán cực mạnh.

Xếp theo giá trị khớp lệnh, cổ phiếu thanh khoản cao giảm giá rất nhiều, cho thấy lực bán cực mạnh.

Thanh khoản hai sàn niêm yết sáng nay cao đột biến lên mức kỷ lục kể từ tháng 8/2022 khi khớp lệnh vượt quá ngưỡng 12 ngàn tỷ đồng. Tiếc rằng mức giao dịch khổng lồ này lại khiến đại đa số cổ phiếu giảm giá, bất kể là penny hay blue-chips.

Đà tăng vượt đỉnh của VN-Index tuần trước đã không dẫn đến sự hưng phấn nào. Trái lại thị trường xuất hiện rung lắc khá mạnh và rất bất ngờ. Vài phút đầu tiên xu hướng tăng xuất hiện, nhưng cổ phiếu thì không hưng phấn. Độ rộng tốt nhất của VN-Index lúc chỉ số đạt đỉnh tăng 0,41% lúc 9h30 chỉ là 188 mã tăng/120 mã giảm. Chỉ vài phút kế tiếp xuất hiện đợt bán mạnh và độ rộng co lại cực nhanh. Tất cả các chỉ số đều đỏ rực.

Toàn bộ thời gian còn lại của phiên áp lực bán tăng trên diện rộng, đẩy cổ phiếu giảm giá hàng loạt. VN-Index kết phiên sáng mất 0,5% tương đương -5,61 điểm so với tham chiếu và độ rộng chỉ là 81 mã tăng/333 mã giảm. Đây không phải là kết quả được kỳ vọng khi thị trường vượt đỉnh.

VN30-Index giảm 0,31% với 8 mã tăng/18 mã giảm. Các blue-chips là tác nhân đảo ngược hướng đi của chỉ số. VHM giảm 1,25%, HPG giảm 1,57%, STB giảm 3,14%, CTG giảm 1,03% là những mã khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất. Các mã ngược dòng chỉ có VNM tăng 1,01%, GAS tăng 0,84% là thuộc nhóm trụ. Còn lại như NVL, MWG, ACB, VJC tuy tăng trên 1% nhưng vốn hóa còn hạn chế.

Điều quan trọng là hiện tượng xả hàng ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ quá mạnh. Midcap giảm 1,26%, Smallcap giảm 1,52% và độ rộng tổng thể sàn HoSE ghi nhận số mã giảm nhiều gấp 4,1 lần số tăng. Trong 333 mã giảm giá, có 104 mã giảm từ 2% trở lên và 82 mã giảm trong biên độ 1% tới 2%. Không chỉ vậy, thanh khoản của nhóm cổ phiếu giảm mạnh từ 1% trở lên chiếm tới 64,1% tổng khớp của sàn. Đây là bằng chứng rõ nhất của áp lực xả cực mạnh.

Tổng thanh khoản hai sàn niêm yết sáng nay cũng đã tăng vọt 23%, lên mức kỷ lục 11 tháng với 12.071 tỷ đồng. HoSE có 29 cổ phiếu giao dịch vượt 100 tỷ đồng thanh khoản thì chỉ có 8 mã tăng giá, còn lại toàn giảm. Nổi bật là GEX giảm 6,07% với 579,6 tỷ đồng; STB giảm 3,14% với 563,5 tỷ đồng; VIX giảm 6,97% với 535 tỷ; DIG giảm 1,54% với 450,7 tỷ; VND giảm 2,79% với 403,1 tỷ…

Vn-Index đỏ phần lớn thời gian sáng nay.

Vn-Index đỏ phần lớn thời gian sáng nay.

Việc thị trường đột ngột giảm giá trái ngược với kỳ vọng là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên sẽ tốt hơn nếu nhịp rung lắc như vậy diễn ra trong bối cảnh ép trụ hoặc thanh khoản trung bình tới thấp. Sáng nay thị trường chứng kiến hiện tượng giảm giá trên diện rất rộng và thanh khoản quá đột biến. Điều này chỉ có thể diễn ra khi có áp lực bán thực sự.

Trong 81 cổ phiếu đi ngược dòng thị trường, hầu hết là thanh khoản nhỏ. Số ít có sức mạnh đang tin cậy là BMP tăng 3,37% với thanh khoản 31,5 tỷ đồng; SKG tăng 2,94% với 31,5 tỷ; DPM tăng 2,33% với 131,1 tỷ; HVN tăng 2,1% với 33,5 tỷ…

Điểm cũng đáng chú ý sáng nay là thanh khoản cực cao xuất hiện ở nhóm Midcap và Smallcap. VN30 hiện mới chiếm 33% tổng khớp của HoSE, trong khi Midcap chiếm 51,6%, Smallcap chiếm 12,1%. Top 10 thanh khoản thị trường thì cũng chỉ có 4 mã thuộc rổ VN30.

Khối ngoại đang duy trì áp lực bán ròng, khoảng 192,8 tỷ đồng trên HoSE. VNM bị xả lớn -81,8 tỷ, VND -30,5 tỷ, VRE -24 tỷ. Phía mua ròng có GEX +18,9 tỷ, HPG +15,3 tỷ, FRT +13,3 tỷ.

Kim Phong

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/rung-lac-bat-ngo-thi-truong-do-ruc-thanh-khoan-ky-luc.htm