Rừng Khuôn Mánh, nơi thành lập Cứu quốc quân II

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5-1941) trên đường về xuôi, các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng dừng chân tại căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai.

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5-1941) trên đường về xuôi, các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng dừng chân tại căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai.

Ngày 17/6/1941, Pháp huy động 4.000 quân bao vây căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai hòng bắt sống các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng. Từ đó đến tháng 8-1941, chúng mở nhiều cuộc bao vây càn quét lớn vào khu căn cứ.

Để bảo toàn lực lượng, ngày 16/8/1941, Ban Chỉ huy Cứu quốc quân quyết định rút phần lớn lực lượng lên biên giới Việt - Trung. Sau khi phần lớn lực lượng Cứu quốc quân rút đi, địch tiếp tục khủng bố tại Bắc Sơn - Võ Nhai. Phong trào cách mạng tại đây đứng trước tình thế gay go, phức tạp.

Trước bối cảnh đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đã ở lại căn cứ Võ Nhai một thời gian để giúp Cứu quốc quân xây dựng củng cố tổ chức. Được sự giúp đỡ của Trung ương, phong trào cách mạng ở Thái Nguyên không chỉ khôi phục, bảo toàn được cơ sở mà ngày càng có những bước phát triển.

Ngày 15/9/1941, tại rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá (Võ Nhai), Trung đội Cứu quốc quân II gồm 47 cán bộ, chiến sĩ được thành lập. Ban Chỉ huy Cứu quốc quân II gồm các đồng chí: Chu Văn Tấn, Chỉ huy trưởng; Nguyễn Cao Đàm, Chính trị Chỉ đạo viên.

Tại Lễ thành lập Trung đội Cứu quốc quân II, thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho đơn vị phải tích cực đấu tranh chống địch khủng bố, trừ gian, tiêu diệt bọn phản động đầu sỏ, bảo vệ cơ sở cách mạng; không ngừng củng cố và phát triển các đội tự vệ làm nguồn bổ sung cho Cứu quốc quân; củng cố và mở rộng địa bàn hoạt động ra các hướng; duy trì tiếng súng đấu tranh để cổ vũ phong trào cách mạng toàn quốc và thiết thực ủng hộ Liên Xô kháng chiến.

Trung đội Cứu quốc quân II ra đời và đẩy mạnh hoạt động đã làm cho quần chúng cách mạng phấn khởi, khiến kẻ địch ngày càng hoảng hốt. Trước những hoạt động có hiệu quả của Cứu quốc quân và các hình thức đấu tranh của quần chúng, từ đầu năm 1942 Pháp và tay sai lập thêm đồn bốt, tăng cường vây càn, đốt phá nhà dân, đe dọa giết hại người thân của các chiến sĩ Cứu quốc quân.

Trước sự đàn áp khốc liệt của quân thù, ngày 14/3/1942, Ban lãnh đạo Cứu quốc quân II đã họp và quyết định tạm rút phần lớn lực lượng lên biên giới Việt - Trung. Thực hiện chủ trương trên, ngày 18/3/1942, một tiểu đội tiến qua vùng Cây Thị (Đồng Hỷ) sang Bắc Giang đánh lạc hướng theo dõi của địch, còn 42 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy bí mật rời căn cứ rút lên biên giới…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202307/rung-khuon-manh-noi-thanh-lap-cuu-quoc-quan-ii-3fb7695/