Rủi ro trong hoạt động ngân hàng

Mải mê với siêu lợi nhuận trong hai năm qua, đã khiến nhiều ngân hàng thương mại thờ ơ với hàng loạt rủi ro. Những khó khăn thanh khoản mà nhiều ngân hàng đang vướng phải hiện nay, phải chăng là cơ hội để họ nhìn lại cái giá phải trả cho lối kinh doanh hàng xén?

Tại buổi hội thảo khoa học “Hệ thống ngân hàng Việt Nam và các cam kết WTO: Đánh giá và triển vọng” do Ngân hàng nhà nước và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức ngày 13/5/2008, rất nhiều ý kiến tập trung phân tích về quản trị rủi ro trong hệ thống ngân hàng thương mại (ngân hàng thương mại) hiện nay. Chớ coi thường rủi ro Ths. Phạm Tiến Thành (BIDV) nói: “Có vẻ như rủi ro trong hoạt động của các ngân hàng Việt Nam đang có xu hướng tăng lên”. Theo ông Thành, rủi ro dễ nhận biết đầu tiên là rủi ro tác nghiệp. Chẳng hạn: thông tin sai sự thật về khách hàng, về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh, tính thanh khoản, quản trị điều hành của doanh nghiệp, uy tín của doanh nghiệp; cán bộ ngân hàng thông đồng với khách hàng lập hồ sơ khống để vay vốn; cán bộ ngân hàng nâng giá trị tài sản đảm bảo để cho vay mục đích nhận “thù lao”; cán bộ ngân hàng quản lý khách hàng vay vốn trực tiếp thu nợ gốc và lãi vay ngân hàng nhưng chỉ nộp lãi vào ngân hàng, nợ gốc giữ lại chi tiêu cá nhân. Ông Thành cũng đưa ra một số ví dụ về nhân viên điểm giao dịch Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội) của một ngân hàng quốc doanh đã giả mạo chữ ký khách hàng để “thụt két” tới 24 tỷ đồng, vụ tổ trưởng tổ kế toán một ngân hàng thương mại cổ phần biển thủ 7 tỷ đồng cá độ bóng đá, rồi một trường hợp khác là cán bộ kho quỹ một ngân hàng cổ phần rút ruột 1,28 tỷ đồng và 8 nghìn USD trái phiếu là tài sản cầm cố của khách hàng để chơi chứng khoán... Một trường hợp khác tại một ngân hàng thương mại cổ phần: thanh toán viên chọn nhầm loại tiền từ VND thành AUD, dẫn tới khách hàng chuyển 4 triệu VND lại hạch toán thành 4 triệu AUD (tương đương 48,5 tỷ VND)... Tuy nhiên, một loại rủi ro cực kỳ nguy hiểm là rủi ro tín dụng và thanh khoản. Hiện nay, hoạt động cho vay trong các ngân hàng vẫn là chủ yếu, chiếm từ 70% đến 90% tổng tài sản có và một tỷ lệ tương đương trong tổng thu nhập của hệ thống ngân hàng. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu mặc dù đã được cải thiện song vẫn ở mức cao và đang có xu hướng tăng lên. Sở dĩ có tình trạng này là do các nguyên nhân: Một là, việc cho vay chủ yếu dựa vào tài sản đảm bảo, trong khi thị trường bất động sản và thị trường hàng hóa chưa phát triển và có nhiều biến động phức tạp. Hai là, do sức ép cạnh tranh và cơ chế khoán trong kinh doanh dẫn tới nhiều trường hợp nới lỏng điều kiện vay vốn để giành giật khách hàng, cho vay không đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn. Công tác thẩm định dự án đầu tư cho vay không tốt, qua loa và có nhiều trường hợp có hành vi gian lận, móc ngoặc. Ba là, nhiều nợ xấu phát sinh do việc chậm cấp ngân sách Nhà nước để giải ngân cho các dự án, đặc biệt là các dự án xây dựng cơ bản dẫn tới nợ đọng vốn của ngân hàng. Lối thoát nào cho kinh doanh ăn xổi? Ths. Dương Thị Bích Thủy (Trung tâm Thông tin tín dụng - Ngân hàng Nhà nước) cho biết: năm 2007 được coi là năm “ăn nên làm ra” của hệ thống ngân hàng thương mại với tốc độ tăng trưởng huy động vốn ước đạt 36,5% và tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 34% (một số nguồn tin khác cho rằng con số này là 53% - PV). Hiện có tới 40 ngân hàng thương mại cổ phần tham gia kinh doanh rất năng động và cạnh tranh thị phần dữ dội với 4 “ông lớn” quốc doanh là VietinBank, BIDV, Vietcombank và Agribank. Trong số này, không thể không nhắc tới ACB, Sacombank, VIB Bank, Techcombank, Đông Á... Nhìn vào hào quang tăng trưởng và lợi nhuận của một số ít ngân hàng nêu trên, đã hình thành một quan niệm: kinh doanh ngân hàng luôn đem lại siêu lợi nhuận. Do vậy, không ít ngân hàng từ mô hình nông thôn được một số doanh nghiệp lớn hậu thuẫn đã “nâng đời” lên thành thị, kết hợp với một số tập đoàn kinh tế nhà nước cũng muốn thành lập ngân hàng hình thành nên phong trào kinh doanh ngân hàng. Do những tác nhân về chính sách tiền tệ nới lỏng như tự do hóa về lãi suất, nới lỏng điều kiện vay vốn đã làm cho con số tăng trưởng tín dụng tăng tới mức khó tin. Trong số đó, đáng chú ý là cho vay kinh doanh đầu tư bất động sản và chứng khoán. Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước đã kịp xiết cho vay khu vực này với giới hạn 3%/tổng dư nợ (Chỉ thị 03/NHNN) và 20%/vốn điều lệ nhưng (Quyết định 03/NHNN) không ít ngân hàng thương mại đã cho vay lỡ trớn trước khi ý chí của Ngân hàng Nhà nước được thực thi. Và để giải quyết việc sai này, không ít ngân hàng thương mại đã thay thế một sai lầm khác: cố gắng làm giãn nở cơ học tổng dư nợ bằng cách giải ngân vào bất động sản hay tiêu dùng để hợp lý hóa con số “3%” nói trên. Thực sự không thuận lợi cho một số ngân hàng thương mại hiện nay là trong khi quá tập trung vào tăng trưởng tín dụng thì xuất hiện những diễn biến bất lợi như giá cả leo thang, doanh nghiệp vay vốn gặp khó khăn do chi phí tăng và đặc biệt là vấn đề lạm phát. Trong tình thế này, Chính phủ buộc phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ và từ đây đã đẻ ra không ít hậu quả: lãi suất thực âm, trần lãi suất huy động bị khống chế đến mức 12%/năm, dẫn đến nguồn tiền trên thị trường cấp 1 bị cạn, trong khi không ít ngân hàng đã cho vay lỡ trớn và khả năng trả nợ của doanh nghiệp bị yếu kém. Nhiều ý kiến cho rằng, trong lúc các ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn về nguồn vốn khả dụng, Chính phủ và bộ ngành sẽ phải có những động thái điều chỉnh vĩ mô mà trước mắt là tháo dỡ “vòng kim cô” trần lãi suất. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, các ngân hàng thương mại cũng phải chịu phần lớn trách nhiệm trong việc giải ngân quá dễ dãi. Có lẽ lối thoát của các ngân hàng yếu kém là sáp nhập hoặc bị mua lại?

Nguồn Doanh nhân 360: http://doanhnhan360.com/Desktop.aspx/Thi-truong-360/Tai-chinh-360/Rui_ro_trong_hoat_dong_ngan_hang/