Rủi ro trong chính sách ngoại giao tích cực của Nhật Bản

(HQ Online)- Chính sách ngoại giao tích cực mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thực hiện trong thời gian vừa qua, đặc biệt đối với Nga, đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chính sách ngoại giao tích cực với Nga của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chứa đựng nhiều rủi ro.

Thủ tướng Abe vừa kết thúc lịch trình ngoại giao “dày đặc” với một loạt hội nghị quốc tế và các cuộc hội đàm thượng đỉnh tại Nga, Trung Quốc, Lào và Mỹ. Chính sách ngoại giao của Thủ tướng Abe đang chuyển từ “ngoại giao giá trị quan” (thúc đẩy ngoại giao với các nước cùng hệ tư tưởng) sang “ngoại giao chiến lược” linh hoạt. Hiện tại, chính sách ngoại giao được ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Abe là đối phó với các hành động của Triều Tiên.

Tuy nhiên, trong các hội nghị quốc tế, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chỉ nói chuyện với Tổng thống Barack Obama mà không có hội đàm chính thức. Ngoài ra, sức mạnh của Mỹ đang có dấu hiệu suy giảm cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi Nhật Bản sẽ làm gì để đối phó với các vấn đề an ninh nghiêm trọng, như việc Trung Quốc bành trướng trên biển và các hành động khiêu khích của Triều Tiên.

Đáp lại câu hỏi trên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thể hiện chính sách ngoại giao vừa tăng cường trục cơ sở quan hệ Nhật-Mỹ, vừa thể hiện sự độc lập đối với Mỹ, trong đó thể hiện rõ nhất là chính sách ngoại giao đối với Nga. Thủ tướng Abe đã thể hiện sự thẳng thắn trong các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin, và sẽ tiếp tục đàm phán để tìm ra cách tiếp cận mới trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.

Tuy nhiên chính sách ngoại giao của Thủ tướng Abe sẽ gặp phải một trở ngại lớn nếu Nga và Trung Quốc có sự liên kết chặt chẽ. Nga đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu xung quanh vấn đề Ukraina, trong khi Trung Quốc đang phản đối Nhật Bản và Mỹ về vấn đề Biển Đông. Do đó việc Nga-Trung sát lại gần nhau nhằm đối phó tình hình trên là hoàn toàn có cơ sở. Liên kết Trung-Nga nếu chặt chẽ thì ngay cả việc thống nhất các biện pháp đối phó với Triều Tiên cũng không phải dễ dàng.

Ngoài ra, bản thân quan hệ Nhật-Nga cũng chứa đựng nhiều bất ổn. Đối với Nhật Bản, nếu xuất phát từ lập trường tuân thủ pháp luật trên Biển Đông và Biển Hoa Đông thì việc Nga sát nhập Crimea là điều không thể chấp nhận được. Hơn nữa, đối với Mỹ, nếu quan hệ Nhật-Nga gần gũi hơn nữa sẽ là một vấn đề quan ngại.

Tăng cường quan hệ Nhật-Nga chắc chắn sẽ có những rủi ro lớn. Trong vấn đề này, có lẽ Thủ tướng Abe cũng đã tính đến những thách thức sẽ phải đối mặt. Chính sách ngoại giao chiến lược của Thủ tướng Abe thực tế sẽ diễn ra như thế nào, tất cả còn ở phía trước.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/rui-ro-trong-chinh-sach-ngoai-giao-tich-cuc-cua-nhat-ban.aspx