Rủi ro tiềm ẩn trong cơn “lặng sóng” của nhân dân tệ

Sự bình ổn lạ lùng của đồng nhân dân tệ Trung Quốc lại đang khiến các nhà đầu tư bồn chồn không yên, Nhật báo Phố Wall nhận xét.

Ảnh minh họa.

Chỉ trong 12 tháng, đồng nhân dân tệ sụt giá đột ngột hai lần đã làm rúng động thị trường tiền tệ quốc tế. Nó làm dấy lên lo ngại về một vụ đổ vỡ nhãn tiền, khi quan chức Bắc Kinh vất vả chèo lái cỗ máy kinh tế “hạ cánh mềm” sau nhiều năm bùng nổ nợ.

Từ đó đến nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã bình ổn thị trường bằng cách tăng cường kích thích.

Thêm vào đó, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa nâng lãi suất cũng đẩy đồng USD tăng giá, giải tỏa một phần áp lực lên đồng nhân dân tệ.

Nhưng các chuyên gia đang lo ngại kích thích là không đủ để khôi phục tăng trưởng và hỗ trợ nhân dân tệ một cách bền vững.

Các chỉ báo kinh tế cho thấy sức khỏe nền kinh tế tiếp tục đi xuống, một dấu hiệu cho thấy nội tệ vẫn đang bị định giá quá đắt.

Hoạt động đầu tư vào tài sản cố định trong tháng Sáu và tháng Bảy lần đầu tiên giảm so với cùng kỳ từ năm 2012.

Tổng nợ quốc gia đã tăng từ 274% GDP trong năm 2015 lên 298% GDP trong năm 2016.

Kể từ đợt giảm giá vào tháng 8/2015, nhân dân tệ đã hạ giá 6,9% so với đồng USD, mạnh hơn so với đồng bảng Anh và peso Mexico.

Sau khi kho dự trữ ngoại hối vơi đi khoảng 800 tỷ USD, Trung Quốc đã tìm cách hãm đà tháo vốn.

Tuy nhiên, “cái giá phải trả của ổn định là sự chậm chễ trong cải cách”, ông Hung Tran, giám đốc điều hành Viện Tài chính quốc tế, nhận xét.

Để duy trì tăng trưởng, Trung Quốc đã hoãn kế hoạch cải tổ các doanh nghiệp nhà nước - những công ty đang hoạt động trì trệ vì quá tải công suất và nợ xấu.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc đang “phòng thủ” trước các đợt sụt giá tiếp theo của đồng tiền. Một số nhà xuất khẩu Trung Quốc đã tích trữ USD và giữ thu nhập ở nước ngoài. Động thái này có thể hạn chế dòng ngoại tệ đổi vào Trung Quốc, gây thiếu hụt nguồn cung cho vay của các ngân hàng.

Ở nước ngoài, nhà đầu tư ngoại lưỡng lự trước việc rót tiền vào trái phiếu và các tài sản được bảo lãnh bằng nhân dân tệ, mặc dù trái phiếu chính phủ Trung Quốc có lợi suất cao hơn nhiều nước châu Âu.

Trong những tháng qua, tỷ giá hối đoái của Trung Quốc được điều chỉnh chủ yếu theo đồng USD. Khi USD giảm giá, PBoC neo nhân dân tệ với bạc xanh và để giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác gồm yen và euro.

Ngược lại, khi USD tăng giá, PBoC để nhân dân tệ giảm giá so với USD, nhưng giữ giá so với rổ tiền tệ.

Năm nay, thời gian USD giảm giá dài hơn tăng giá. Kết quả là đồng nhân dân tệ giảm giá so với rổ tiền tệ mạnh hơn so với đồng USD nói riêng.

Nhiều người cho rằng nhân dân tệ cần giảm giá hơn nữa khi nền kinh tế chưa phục hồi hết. Nhưng PBoC lại đang hãm phanh giảm để kiểm soát tình trạng tháo vốn.

Xu hướng này đang có dấu hiệu tăng trở lại gần đây khi đồng nhân dân tệ giảm giá, sau khi giảm tốc vào đầu năm.

Trong tháng Bảy, vốn ròng chảy ra khỏi Trung Quốc lên tới 55 tỷ USD, theo số liệu của Goldman Sachs, cao hơn so với mức ước tính 49 tỷ USD vào tháng Sáu.

Nhà đầu tư vào các hợp đồng giao sau đặt cược ndt sẽ giảm giá 2% trong 12 tháng tới, giảm so với mức 7%. Do đó, chuyên gia tại Millennium Global cảnh báo thị trường đang xem nhẹ rủi ro giảm giá của đồng tiền Trung Quốc.

THẢO MAI

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/rui-ro-tiem-an-trong-con-lang-song-cua-nhan-dan-te-1924973.html