RPG-7 dù đã 60 tuổi vẫn là nỗi khiếp đảm với mọi loại xe tăng

Được thực chiến lần đầu tiên trên chiến trường Việt Nam vào những năm 60 của thế kỉ trước, trải qua hàng trăm cuộc xung đột cho đến tận ngày nay khẩu súng chống tăng của Liên Xô vẫn chứng tỏ được sức mạnh của mình trong mọi cuộc chiến.

Cách đây đúng 60 năm, vào ngày 16/6/1961 súng phóng lựu chống tăng cầm tay RPG-7 do các kỹ sư thiết kế vũ khí của quân đội Liên Xô sản xuất, lần đầu tiên được đưa vào sử dụng.

Nhờ các giải pháp thiết kế hiệu quả, súng chống tăng RPG-7 có thể tiêu diệt tất cả các loại xe bọc thép hiện đại và cho đến tận ngày nay RPG-7 vẫn là vũ khí diệt tăng được quân đội nhiều nước trên thế giới tin dùng.

Vào đầu những năm 1950, súng phóng lựu chống tăng chủ lực của các lực lượng vũ trang Liên Xô là RPG-2. Khẩu súng được tạo ra trên cơ sở của khẩu súng chống tăng Panzerfaust nổi tiếng được Đức Quốc xã sử dụng trong thế chiến 2.

Các kỹ sư thiết kế vũ khí của Liên Xô đã tiến hành nhiều sửa đổi khác nhau kết hợp những cải tiến mới, giúp RPG-2 có khả năng xuyên giáp tới 200 mm trong phạm vi 150 mét.

Tuy nhiên, tốc độ ban đầu của loại đạn 80 mm của RPG-7 chỉ là 84 mét/giây. Do đó, các điều kiện khí tượng, đặc biệt là gió ảnh hưởng rất nhiều đến độ chính xác của vũ khí.

Nhưng ngay cả trong điều kiện thời tiết tốt, độ chính xác của súng phóng lựu RPG-2 khi bắn ở khoảng cách tối đa vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Những điểm yếu này đã buộc Liên Xô phải phát triển một loại súng phóng lựu tiên tiến hơn. Các kỹ sư Liên Xô đưa ra các yêu cầu kỹ thuật và chiến thuật đầu tiên cho một sản phẩm mới vào năm 1954.

Điểm khác biệt chính giữa RPG-7 so với các vũ khí tiền nhiệm là sử dụng các loại đạn có động cơ phản lực. Điều này giúp vũ khí có thể tăng tầm bắn theo mục tiêu lên đến 700 mét, tốc độ ban đầu của đạn lên đến 145 mét/giây và có độ chính xác cao. Độ xuyên giáp của phát bắn cũng lên tới 750 mm.

Thiết kế của thân súng cũng được thay đổi với một phần mở rộng được gọi là buồng nạp ở phần giữa của súng, để sử dụng triệt để năng lượng của nhiên liệu phóng từ quả đạn và ở phần sau có một cái phễu để hạn chế độ giật khi bắn.

Ngoài ra, RPG-7 còn được trang bị một ống ngắm quang học hiện đại, có thể sử dụng vào ban đêm. RPG-7 lần đầu tiên được thực chiến trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, nơi không chỉ xe bọc thép Mỹ mà cả trực thăng cũng bị tiêu diệt hàng loạt vì vũ khí này.

Sự đơn giản, độ tin cậy và hiệu quả của súng chống tăng RPG-7, đã được chứng minh trong cuộc chiến và nhiều cuộc xung đột quân sự khác, đã mang lại cho khẩu súng sự nổi tiếng thực sự trên toàn thế giới.

RPG-7 trở thành một vũ khí vang danh tương tự như súng trường tấn công Kalashnikov AK-47 trong hạng mục súng chống tăng và đến cuối những năm 1980 RPG-7 đã được phục vụ tại hơn 40 quốc gia.

Ngày nay, RPG-7 vẫn được sử dụng trong quân đội Nga. Thiết kế của súng phóng lựu không thay đổi nhiều trong những năm qua, tuy nhiên không thể không nói về những thiết bị hỗ trợ của súng.

Nhiều cải tiến mới đã được áp dụng cho các hệ thống ngắm hiện đại hơn và các loại đạn khác nhau, trong đó rất nhiều loại đã được phát triển trong thời gian gần đây.

Súng ban đầu bắn đạn PG-7, sau đó Liên Xô/Nga chế tạo các loại đạn khác như PG-7V, PG-7VM, PG-7VL, PG-7VR là các đạn xuyên phá vỏ thép chống tăng. Đạn TBG-7V là đạn nhiệt áp chống lô cốt, công trình. Đạn OG-7, OG-7A là đạn nổ phá - văng mảnh để sát thương bộ binh. Ngoài ra còn có nhiều loại đạn khác do các nước khác tự chế tạo.

Tất cả các loại đạn này cho phép RPG-7 có thể tiếp tục khẳng định sức mạnh của mình trong chiến tranh hiện đại, bao gồm cả việc chống lại các loại xe bọc thép hiện đại nhất. Nguồn ảnh: Pinterest.

Sức mạnh và độ phổ biến ngoài sức tưởng tượng của khẩu súng chống tăng RPG-7 - thứ vũ khí được coi là "khẩu AK-47 của làng súng chống tăng". Nguồn: QPVN.

Thái Hòa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/rpg-7-du-da-60-tuoi-van-la-noi-khiep-dam-voi-moi-loai-xe-tang-1552617.html