Rồng xanh hiếm gặp dạt vào bãi biển Texas

Sinh vật biển màu xanh bạc lấp lánh có hình dáng giống phiên bản thu nhỏ của rồng trong truyền thuyết, có thể khiến nhiều người muốn chạm vào nhưng hãy cẩn trọng.

Rồng xanh - có tên chính thức là Glaucus marginatus - có thể giải phóng nọc độc khi bị chạm vào cơ thể. Ảnh: iStock.

Các tín đồ kỳ nghỉ xuân đang đổ tới bãi biển ở Texas (Mỹ) trong tháng này có thể tình cờ bắt gặp một cảnh tượng nhiều người chưa từng thấy - một con sên biển màu xanh và bạc sáng được gọi là rồng xanh, theo NBC News.

Nọc độc gấp 3-5 lần sứa lửa

Mặc dù những sinh vật nhỏ bé chỉ dài khoảng 2,5 cm này có thể trông rất vui nhộn nhưng các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng chạm vào chúng có thể gây ra vết đốt đau đớn.

“Đã xảy ra nhiều trường hợp vô tình giẫm phải những con rồng xanh này hoặc có người nhặt chúng lên và bị đốt. Và tất nhiên, chuyện không kết thúc tốt đẹp cho lắm”, Jace Tunnell, chuyên gia về sinh vật biển tại Đại học Texas A&M-Corpus Christi, cho biết.

Rồng xanh, có tên khoa học là Glaucus atlanticus, di chuyển trên bề mặt đại dương, ăn chất độc từ sứa lửa được gọi là Portuguese man-of-war (tạm dịch: Tàu chiến Bồ Đào Nha) và các sinh vật giống sứa khác. Khi gió Đông Nam nổi lên trong mùa xuân, những con rồng xanh bị thổi dạt vào bờ có khả năng giải phóng những chất độc nguy hiểm đó cho những người tiếp xúc với chúng trên bãi biển.

Ông Tunnell đã phát hiện ra một trong những con rồng xanh đầu tiên của mùa trên Đảo Bắc Padre vào tháng trước. Nhà khoa học này cho biết: “Vết đốt của rồng xanh sẽ có mức độc gấp 3-5 lần sứa lửa Portuguese man-of-war. Cơn đau có thể kéo dài đến ba giờ”.

“Khi bị rồng xanh đốt, bạn sẽ biết liền. Sẽ rất đau đớn. Có cảm giác như có ai đó đâm kim vào da thịt”, ông cho biết.

Theo American Oceans, một nhóm vận động nhằm giáo dục công chúng về các loài sinh vật biển, rồng xanh sống ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nhưng môi trường sống của chúng đang mở rộng.

Nhóm này cho hay: “Những con rồng xanh dạt vào bờ từng được ghi nhận ở bờ biển phía đông và phía nam của Nam Phi, ở vùng biển châu Âu, gần Mozambique và ngoài khơi bờ biển phía đông của Australia”.

Rồng xanh sống ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ảnh: CNN, Lawrence Scheele.

Chưa thể kết luận rõ ràng về mối liên hệ của hiện tượng này với biến đổi khí hậu, nhưng các nhà khoa học cho rằng đó có thể là một yếu tố.

“Với nhiệt độ gia tăng, chúng tôi cho rằng phạm vi hoạt động của rồng xanh sẽ mở rộng theo thời gian”, ông Tunnell nói.

Một lý do khiến chúng ta có thể nghe về rồng xanh nhiều hơn hiện nay là do nhận thức ngày càng tăng. “Tôi nghĩ chúng ta đang chú ý đến chúng nhiều hơn”, nhà khoa học này nhận định.

Đừng chạm vào

Rồng xanh cũng có thể chích dưới nước nếu chúng cảm thấy bị đe dọa hoặc bị kích động, thậm chí cả sau khi chúng dạt vào bờ và chết. Nhiều người không biết điều đó và bản năng đầu tiên thường là chạm vào con vật - phản ứng xuất hiện nhiều trong các video trên mạng xã hội.

“Đẹp tuyệt”, Sandy Harrison, du khách đến Texas để trốn mùa đông ở Nebraska, nói khi xem bức ảnh về con rồng biển. “Tôi sẽ cố gắng nhặt nó lên”.

Những người khác, như Hannah Storbeck, người gốc Corpus Christi, thông hiểu hơn về loài này. “Trông rất ngầu nhưng tôi nghe nói chúng thực sự nguy hiểm”, cô nói.

Trong trường hợp nghiêm trọng, người bị rồng xanh đốt có thể bị nôn ói và mất phương hướng, phải nhập viện cấp cứu.

Ông Tunnell nói: “Bạn không biết cơ thể mình sẽ phản ứng thế nào với nọc độc và đó là điểm mấu chốt. Cơ thể của mỗi người phản ứng khác nhau”.

Các nhà nghiên cứu cho biết nếu bị rồng xanh đốt, hãy đổ giấm hoặc nước ấm lên vết đốt, nhưng đừng xuống biển hoặc chà xát bằng cát.

Các chuyên gia khuyến cáo bậc cha mẹ đi biển cùng trẻ nhỏ nên thận trọng nếu có những chấm xanh rải rác dọc bờ biển và nói chuyện với con về việc không chạm vào bất cứ thứ gì mà không hỏi người lớn trước.

“Bạn có thể chụp ảnh, hay quay video con vật. Nếu muốn nhặt nó lên để thả vào nước cho nó xòe ra thì hãy dùng xẻng”, ông Tunnel cho hay. “Nhưng đừng chạm vào nó”.

Hạ Cúc

Nguồn Znews: https://znews.vn/rong-xanh-hiem-gap-dat-vao-bai-bien-texas-post1464120.html