Rộn vang câu hát bài chòi

Nằm trong khuôn khổ lễ hội Đền Lương Văn Chánh, hội thi Dân ca bài chòi huyện Phú Hòa lần thứ III - năm 2024 đã mang đến cho khán giả những làn điệu xàng xê, xuân nữ, cổ bản, hò quảng thấm đẫm tình quê hương.

Tiết mục Hội đánh bài chòi dân gian của đơn vị xã Hòa Thắng. Ảnh: THIÊN LÝ

Hội thi thu hút 8 đội nghệ thuật đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện với hơn 100 diễn viên tham gia. Các tiết mục dự thi tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương đất nước; những tấm gương người tốt việc tốt trong lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Đm du n truyn thng

Trong những ngày diễn ra, hội thi Dân ca bài chòi huyện Phú Hòa lần thứ III - năm 2024 thu hút nhiều người đến xem. Hội thi gồm hô/hát và biểu diễn bài chòi với nhiều tiết mục đặc sắc như: Hội đánh bài chòi dân gian, Nẫu dìa xứ Nẫu, Tình người xứ Nẫu, Phú Yên vào hội, Phú Yên một khúc dân ca, Bài ca đất Phú... được nhiều khán giả yêu thích. Tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên không ngớt sau mỗi tiết mục.

Lớn lên trong cái nôi bài chòi của quê hương, ngay từ nhỏ, chị Phương Liên (tên thật là Trình Thị Liên), Chủ nhiệm CLB Bài chòi dân gian thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thắng đã theo mẹ đi hát. Chị mê mẩn những câu hát của mẹ và những làn điệu xuân nữ, xàng xê... từ lúc nào không hay.

“Với vai trò đầu tàu của CLB, tôi luôn đau đáu nỗi niềm gìn giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo của nghệ thuật bài chòi dân gian. Chính vì vậy, các tiết mục trong chương trình tham gia hội thi lần này đều được anh chị em trong CLB chuẩn bị kỹ lưỡng. Hội thi là cơ hội để chúng tôi đưa những làn điệu bài chòi truyền thống đến công chúng, giúp các bạn trẻ tiếp cận và hiểu hơn về nét đẹp văn hóa mà cha ông ta đã sáng tạo, gìn giữ từ bao đời nay”, chị Phương Liên chia sẻ.

Còn chị Bùi Thị Hiền, thành viên Đội nghệ thuật bài chòi xã Hòa Quang Bắc hồ hởi: “Mặc dù mới biết hát bài chòi cách đây hơn 3 năm nhưng tôi rất yêu những làn điệu ấy. Thời gian qua, tôi không ngừng học hỏi, nỗ lực tập luyện để có thể mang đến những tiết mục ấn tượng, đậm dấu ấn truyền thống cho người xem”.

Gìn gi cho đi sau

Theo dõi từ đầu đến cuối, không bỏ sót phần thi của đội nào, khán giả Trần Ngọc Huy chia sẻ: “Nhiều tiết mục được đầu tư công phu. Không ít tiết mục chạm vào trái tim người xem bằng lối diễn nhẹ nhàng, sinh động, giọng ca ngọt ngào. Tôi rất thích! Mong rằng hội thi sẽ được duy trì, tổ chức thường xuyên để người dân và du khách có cơ hội biết nhiều hơn về nghệ thuật bài chòi, về bản sắc văn hóa độc đáo của xứ Nẫu và dải đất miền Trung đầy nắng gió này”.

Theo đánh giá của ban tổ chức hội thi, với những đề tài khác nhau, dù truyền thống hay hiện đại, các đoàn đều thể hiện được việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật bài chòi trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Hầu hết chương trình, tiết mục dự thi đều giữ được nét đặc trưng của bộ môn nghệ thuật đặc sắc đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền Trung - Phú Yên và người dân Phú Hòa từ hàng trăm năm qua. Các đội đều có dàn diễn viên trẻ trung, yêu nghề, có khả năng kế tục sự nghiệp của lớp anh chị đi trước trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của nghệ thuật bài chòi.

Ông Nguyễn Thành Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT&TTTH huyện Phú Hòa nhìn nhận: Các đơn vị, các diễn viên đã mang đến hội thi rất nhiều màu sắc về dân ca bài chòi với lối diễn sinh động. Điều đáng mừng là sự xuất hiện của nhiều diễn viên trẻ đã thể hiện được khả năng qua các tiết mục thi diễn thu hút người xem và để lại trong lòng khán giả nhiều ấn tượng tốt đẹp sau mỗi đêm diễn. Hội thi cũng cho thấy nhiều người có khả năng sáng tác, viết lời mới cho dân ca bài chòi.

“Hội thi là một trong những hoạt động của lễ hội Đền Lương Văn Chánh năm 2024. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, biểu diễn, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, ông Sơn cho biết thêm.

Hội thi là một trong những hoạt động của lễ hội Đền Lương Văn Chánh năm 2024. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, biểu diễn, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phó Giám đốc Trung tâm VHTT&TTTH huyện Phú Hòa Nguyễn Thành Sơn

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/314723/ron-vang-cau-hat-bai-choi.html