Rộn ràng thu hoạch mía

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân trồng mía ở các huyện miền núi trong tỉnh khẩn trương bước vào mùa thu hoạch.

Nông dân xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) thu hoạch mía. Ảnh: LÊ TRÂM

Tại các vùng nguyên liệu mía, hiện có rất nhiều người đi chặt mía thuê. Mía cây sau khi chặt xong được cột lại thành từng bó vừa vác rồi giao cho chủ thuê nhận tiền công theo số lượng. Nhiều người gọi phương thức làm công này là chặt mía vác.

Một công đôi việc

Những ngày qua, ở vùng trồng mía thôn Suối Mây, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, nhiều nông dân cùng đến đây để chặt mía vác.

Ông Nguyễn Văn Tâm, chủ 1ha mía ở thôn này cho hay: Trước đây đến vụ thu hoạch mía thì chủ mía đi kêu công chặt. Còn nay, chỉ cần tối đăng thông báo trên facebook là sáng hôm sau đã có nhiều người đến chặt mía. Người này chia sẻ thông tin với người kia, mỗi héc ta mía có hàng chục người dàn hàng ngang chặt tầm 2 ngày là xong. Chủ mía chỉ cần đến đếm số lượng bó để trả tiền công.

Ông Thái Văn Sáu ở thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước, sáng cột cái rựa phía sau xe máy rồi chạy theo quốc lộ 19C sang tận thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa (khu vực giáp ranh thôn Suối Mây) để chặt mía vác.

Ông Sáu chia sẻ: Sau tết Nguyên đán là thời điểm thu hoạch mía rộ. Chủ mía đặt hàng cứ mỗi bó 2.000 đồng. Tôi chặt một buổi được 150 bó, tiền công 300.000 đồng, ngọn mía thì gom lại chở về cho bò ăn. Tính ra một công mà đôi việc. Thay vì phải bỏ ra một ngày cắt cỏ cho bò, nay vừa chặt mía kiếm tiền vừa có thức ăn cho bò.

Còn ông Bùi Văn Thiện ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) gần 1 tuần nay, sáng nào cũng chạy xe máy đi chặt mía vác. Lúc ông lên Suối Mây (xã Xuân Phước), lúc qua xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa). “Chặt mía vác mỗi bó từ 10-15 cây (tùy lớn nhỏ). Gọi là mía vác nhưng sức trai chỉ một tay là nhấc nổi. Mỗi ngày chặt mía vác, mỗi người kiếm trên 300.000 đồng, lại còn có mía ngọn mang về cho bò.

Không chỉ ở Xuân Quang 3, Xuân Phước mà nhiều người ở xã An Lĩnh (huyện Tuy An) cũng rủ nhau đi chặt mía vác để kiếm tiền, lấy ngọn mía nuôi bò.

Chị Phan Thị Trang ở xã An Lĩnh chia sẻ: Cha chồng tôi có đám mía đến kỳ thu hoạch nên cần người chặt. Người ta chặt thì tôi cũng chặt kiếm tiền cho con ăn học. Cách đây 1 tuần, tôi còn theo mấy người trong xóm vào tận xã An Xuân chặt mía vác. Mỗi người chặt từ mờ sáng đến chiều được 200-300 bó. Phần ngọn chủ cho không, chúng tôi chở về cho bò ăn.

“Sáng sớm tôi vô chặt một lối riêng thẳng hàng. Ngày nào có công việc khác phải về sớm thì tôi đếm số lượng và gửi lại người kề bên, nhờ họ giao cho chủ mía và cầm tiền về giúp”, chị Trang nói.

Từng bó mía được đưa lên xe tải. Ảnh: LÊ TRÂM

Được mùa, được giá

Vùng trồng mía thuộc các xã Sơn Phước, Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) đang kỳ thu hoạch rộ. Ông Sô Y Lộc, một chủ mía cho hay: “Vừa rồi trời mưa đất lún nên những ruộng mía trên đất đồi tôi thu hoạch để lưu gốc. Còn những ruộng mía dưới đất bằng thì chờ nắng ráo mới chặt, bởi nếu chặt sớm, bánh xe tải chạy vô phá hư gốc, ảnh hưởng đến vụ sau”.

Theo ông Lộc, vùng nguyên liệu mía này, ăn tết cổ truyền xong là bà con thu hoạch mía lưu gốc trước, sau đó mới tới mía tơ. Nếu mía đạt chữđường cao theo quy định của các nhà máy đã hợp đồng từ trước thì giá mua có thể lên đến hơn 1,3 triệu đồng/tấn. Còn bán mía xô cho tư thương khoảng 1,1 triệu đồng/tấn. Bình quân 1ha mía gốc thu 60 triệu đồng.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Sơn Hòa, niên vụ mía 2023-2024, diện tích mía thu hoạch toàn huyện là 14.375ha, tăng 1.975ha so với cùng kỳ. “Niên vụ mía đang thu hoạch, thời tiết thuận lợi nên năng suất, sản lượng tăng, chữđường đạt từ 10-13 CCS. Toàn bộ mía nông dân trồng và thu hoạch đều được các nhà máy trên địa bàn huyện tiêu thụ”, ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay.

Tại các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh), bà con nông dân cũng đang thu hoạch mía. Ông Bùi Văn Tiến ở xã Đức Bình Tây cho hay: Hai năm nay giá thu mua mía ổn định nên nông dân tin tưởng, tập trung đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu. Vùng này có nhiều nông dân đầu tư đào hầm trồng mía hom đứng nên gốc mía ăn sâu giữ độ ẩm, cây mía lưu gốc năm thứ ba, tiết kiệm công cày bừa, giống trồng đầu vụ. Những ngày qua, ăn tết xong, nhiều gia đình tranh thủ thu hoạch xong lứa mía gốc.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh, niên vụ mía 2023-2024, nông dân toàn huyện trồng 6.500ha mía, trong đó có nhiều diện tích vừa mới cải tạo, chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả. Nhờ trồng các giống mía phù hợp thổ nhưỡng, áp dụng các biện pháp canh tác, kỹ thuật mới nên mía đạt năng suất cao. Ước tính năm nay, nông dân trồng mía trên địa bàn huyện Sông Hinh sẽ có thu nhập từ 50-70 triệu đồng/ha.

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/314074/ron-rang-thu-hoach-mia.html