'Rối' với đóng học phí qua app

Thanh toán học phí không dùng tiền mặt là chủ trương được hầu hết phụ huynh ủng hộ vì không còn cảnh xếp hàng chờ đến lượt đóng học phí cho con. Tuy nhiên, một số trường yêu cầu phụ huynh phải tải ứng dụng (app) riêng để thanh toán thay vì dùng tài khoản sẵn có gây bất tiện, thậm chí lo lắng về việc bị rò rỉ thông tin cá nhân.

Cần đa dạng kênh thanh toán học phí trực tuyến.

Cần đa dạng kênh thanh toán học phí trực tuyến.

Mỗi nơi một kiểu

Nhiều trường học ở Hà Nội đã và đang triển khai các hình thức thu học phí, phụ phí qua ngân hàng hoặc một ứng dụng trung gian. Vấn đề là khi triển khai hình thức thanh toán mới, có trường lại mặc định chỉ một cách làm khiến phụ huynh lúng túng.

Chị Lê Bảo Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, 3 con chị học 3 trường khác nhau gồm mầm non, tiểu học và THPT. Trước đây khi cần đóng tiền là nộp trực tiếp cho giáo viên chủ nhiệm hoặc chuyển khoản để cô tổng hợp gửi về trường. Sau này, trường có gửi tài khoản của trường để phụ huynh trực tiếp chuyển khoản vào và thông báo với giáo viên để cô kiểm tra, nắm được danh sách những em đã đóng hoặc chưa. “Từ năm học này, cả 3 trường đồng loạt thông báo phụ huynh tải app về để đóng học phí cho con. Mỗi trường một app, tôi loay hoay mãi mới biết cách dùng mà tháng vừa rồi suýt nhầm, đóng học phí của con lớn sang con bé” - chị Anh cho hay.

Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục nhưng nhiều trường cũng không khuôn cứng chỉ một cách làm mà đưa ra các lựa chọn khác nhau để phụ huynh chọn. Đơn cử, Trường tiểu học Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) đưa ra 4 hình thức nộp học phí qua ứng dụng Vietinbank Ipay, qua Sisap phụ huynh, chuyển khoản đến tài khoản của trường hoặc nộp tiền mặt tại quầy giao dịch của ngân hàng Vietinbank. Như vậy, mỗi người sẽ tìm được cách phù hợp với mình thay vì chỉ “chốt” 1 cách khiến phụ huynh nào chưa kịp chuyển đổi sẽ cảm thấy khó khăn.

Mới đây, phụ huynh Trường tiểu học Lý Nam Đế (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) phản ánh, giáo viên chủ nhiệm yêu cầu phụ huynh đóng học phí qua app của Ngân hàng Quân đội (MB). Nhiều phụ huynh không đồng tình vì đã và đang sử dụng tài khoản ngân hàng khác, nếu mở thêm tài khoản nữa vừa không cần thiết, vừa tốn kém, khó quản lý. Sau đó, bà Ngô Thị Thúy - Hiệu trưởng nhà trường đã nêu rõ, nếu phụ huynh chưa có app có thể chuyển qua số tài khoản ngân hàng cũ, hoặc chuyển qua Viettel Pay của nhà trường.

Ngoài ra, khi cài đặt các ứng dụng hay sử dụng ngân hàng mới, nhiều phụ huynh rất loay hoay không biết cách làm nên cần nhà trường có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để việc thanh toán được diễn ra thuận lợi, không xảy ra sai sót, nhất là với những phụ huynh lớn tuổi không thành thạo công nghệ thông tin thì đây là một thách thức lớn.

Lo ngại bảo mật thông tin

Từ tháng 6/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi hướng dẫn, yêu cầu các trường phối hợp với các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các đơn vị liên quan để thu học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác theo hình thức trực tuyến. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đề nghị, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán và các đơn vị liên quan triển khai việc thu học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Thông báo của Sở cũng nhấn mạnh về việc đảm bảo an toàn thông tin, trong đó lưu ý đến việc làm chủ dữ liệu và bảo mật thông tin riêng tư.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều app không có điều khoản cam kết về việc không để lộ thông tin cá nhân của phụ huynh, học sinh cho đơn vị khác khiến phụ huynh vừa dùng vừa lo. Anh Mạnh Quân (Khu đô thị Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, dù không phải trả tiền khi tải và sử dụng app đóng học phí, nhưng vấn đề lo ngại là việc bảo mật thông tin có đảm bảo khi rất nhiều vụ việc lừa đảo thời gian qua đã bị phát hiện, trong khi những app được nhà trường giới thiệu đều mới mẻ, hầu như chưa từng nghe thấy. “Ai sẽ cam kết về việc bảo mật thông tin cá nhân khi phụ huynh chúng tôi khai đầy đủ thông tin của cha mẹ và các con trên ứng dụng? Đã có phụ huynh trong lớp con gái tôi cảnh báo trong nhóm chat chung của lớp về việc nhận được cuộc gọi từ số máy lạ đề nghị xác minh thông tin tài khoản của bố và con, khớp với những gì phụ huynh đó đã khai trên ứng dụng, sau đó đề nghị người lạ đề nghị phụ huynh nhắn tin xác nhận nhưng anh ấy đã không làm” - anh Quân kể lại.

Vẫn biết ứng dụng chuyển đổi số là cần thiết để vừa thuận tiện cho phụ huynh, vừa thuận lợi cho các nhà trường song khi còn canh cánh những nỗi lo này thì phụ huynh sẽ không thấy thoải mái để sử dụng dịch vụ. Theo cô Teo Thị Thanh Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hà Đông, Hà Nội), khi liên kết và sử dụng với bất kỳ nhà cung cấp nào, các trường cần xem xét kỹ hồ sơ năng lực và các điều khoản về bảo mật thông tin. Ngược lại, phụ huynh cũng nên chia sẻ với nhà trường bởi với quy mô hơn 2.000 học sinh, nếu để phụ huynh chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng cá nhân đến tài khoản của trường, dù nội dung có ghi rõ họ tên và lớp của học sinh, trường vẫn cần một người đọc, tìm và đánh dấu em đó đã nộp sẽ mất thời gian, tốn nhân lực và rất dễ sai sót.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/roi-voi-dong-hoc-phi-qua-app-5699215.html