Rời sàn chứng khoán, Thủy Tạ tách Thực phẩm Thủy Tạ ra riêng

Ngày 27/6, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) nhận được công văn của CTCP Thủy Tạ (TTJ) và CTCP Thực phẩm Thủy Tạ về việc thực hiện phương án tách công ty.

Theo đó, CTCP Thực phẩm Thủy Tạ được tách từ CTCP Thủy Tạ. Sau khi tách, số lượng cổ phần của Hapro tại CTCP Thủy Tạ và CTCP Thực phẩm Thủy Tạ đều là 449.925 cổ phần, tương ứng 30% vốn điều lệ.

Cả hai công ty đều có vốn điều lệ 15 tỷ đồng. Trong đó, Nhà máy chế biến thực phẩm và nước giải khát, nhà máy kem, phòng kinh doanh sẽ chuyển về Thực phẩm Thủy Tạ đề tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh kem và nước.

CTCP Thủy Tạ sẽ phụ trách Nhà hàng Thủy Tạ, năm 2023 sẽ tăng cường quảng bá nâng độ phủ cho tầng 2 của nhà hàng và 2 khu vườn Đài phun nước và Gốc si. Đồng thời duy trì hoạt động kinh doanh bánh Trung thu Thủy Tạ...

Nhà hàng Thủy Tạ

CTCP Thủy Tạ tiền thân là Nhà hàng Thủy Tạ, thành lập tháng 5/1958. Đây là nhà hàng duy nhất nằm sát bờ Hồ Gươm với thương hiệu kem nổi tiếng Thủy Tạ. Sau đó, công ty này phát triển thêm chuỗi Café Thủy Tạ, nước tinh khiết Pha Lê, bánh trung thu Thủy Tạ…

Thủy Tạ có 4 cổ đông lớn gồm Hapro (30%), Công ty Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Đức Khang (23,18%), Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương (11,18%) và cổ đông cá nhân Lã Xuân Hòa (10%).

Trong khi đó, Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương là một doanh nghiệp của gia đình ông Nguyễn Quốc Toàn (con trai cả cố doanh nhân Tư Hường và là chồng Á hậu Dương Trương Thiên Lý). Đây cũng là doanh nghiệp nắm giữ cổ phần lớn tại Ngân hàng Nam Á (NamABank).

TTJ của CTCP Thủy Tạ rời sàn UPCoM vào ngày 19/1/2021 do không còn đủ điều kiện là công ty đại chúng sau hơn 3 năm giao dịch. Cổ phiếu TTJ hông nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư khi thanh khoản rất thấp, hầu như không có giao dịch trong một khoảng thời gian dài.

Sản phẩm kem của Thủy Tạ

Về tình hình kinh doanh, năm 2022, CTCP Thủy Tạ ghi nhận doanh thu thuần 69 tỷ đồng, vượt 19% kế hoạch và gấp đôi năm 2021. Lợi nhuận sau thuế 19 tỷ đồng, hơn gấp đôi kế hoạch đề ra và khả quan hơn mức lỗ 3,4 tỷ của năm 2021.

Trong đó, Nhà hàng Thủy Tạ đóng góp 50,3 tỷ đồng doanh thu (chiếm gần 73%), trong đó doanh thu Kem là 20 tỷ, còn doanh thu ăn uống hơn 30 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của Nhà hàng Thủy Tạ đạ 41,6 tỷ đồng, trong đó mảng kem đóng góp 15 tỷ và ăn uống chiếm 26 tỷ đồng, nhờ tháng 4/2022 công ty điều chỉnh tăng giá bán lẻ các sản phẩm kem trung bình từ 10-25% và giá các món ăn trung bình là 15%.

Kết quả kinh doanh năm 2022 của Thủy Tạ trước chia tách

Còn hoạt động kinh doanh kem và nước đóng góp doanh thu lần lượt là 9,3 tỷ và 3,5 tỷ đồng trong năm 2022, đều không đạt kế hoạch đề ra. Lợi nhuận gộp mảng kem 5 tỷ đồng và nước đóng chai chỉ 1,5 tỷ đồng.

Theo Thủy Tạ, sản phẩm Kem Thủy Tạ chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ tiềm lực lớn với nhiều dòng sản phẩm hút người tiêu dùng như TH True Milk, Vinamilk, Tràng Tiền... Ngoài ra, thị trường tỉnh xuất hiện nhiều dòng sản phẩm kem bình dân, giá rẻ ảnh hưởng đến lựa chọn của người tiêu dùng.

Đối với sản phẩm Nước Pha Lê, chủ yếu bán cho khách hàng nội bộ, chưa xây dựng kiện toàn hệ thống phân phối phù hợp. Trong khi đó, chi phí bán hàng, giao hàng vẫn khá lớn nên việc kinh doanh chưa được coi là hiệu quả. Dây chuyển và hệ thống sản xuất đã đầu tư trong một thời gian dài, tần suất phát sinh hỏng hóc nhiều dẫn đến chi phí nhân công, sửa chữa, thay thế lớn buộc công ty phải đẩy giá thành sản phẩm nước Pha Lê lên cao.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doanh-nghiep/roi-san-chung-khoan-thuy-ta-tach-thuc-pham-thuy-ta-ra-rieng-177758.html