Rõ trách nhiệm tham mưu xây dựng thể chế

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra cả ngày 15.8 với 2 lĩnh vực, tập trung vào 6 nhóm vấn đề lớn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thu hút sự quan tâm của đông đảo các bậc cử tri trong cả nước. Nhiều 'điểm nghẽn' cử tri kiến nghị được đại biểu Quốc hội nêu ra, 2 Bộ trưởng trả lời thấu đáo. Nhất là trong vấn đề nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản.

UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Bộ Tư pháp tập huấn trực tuyến công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2023

UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Bộ Tư pháp tập huấn trực tuyến công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2023

Về tình trạng sợ trách nhiệm, né tránh của cán bộ trong khâu tham mưu xây dựng thể chế, đa số cử tri tâm đắc với phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trong phiên chất vấn và trả lời tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, bộ, ngành nào phải ban hành văn bản, soạn thảo và chủ động ban hành mà không chủ động thì phải chịu trách nhiệm. Cử tri cũng cho rằng, cần quy định cụ thể hơn HĐND huyện, xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật đến mức độ nào.

Tự kiểm tra, rà soát văn bản là khâu quan trọng

Một trong số nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hút đông đảo đại biểu tại các điểm cầu cũng như sự quan tâm của báo giới, dư luận cử tri chính là công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp. Vấn đề chịu trách nhiệm, phân cấp phân quyền cũng được tư lệnh ngành tư pháp giải trình cặn kẽ.

Cử tri Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Thường trực HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh nhớ lại tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Dương Minh Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp về một số văn bản có tuổi thọ không cao, phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết thời gian tới, Bộ tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với nhiều quy định khắt khe hơn với các chủ thể tham gia vào quá trình xây dựng văn bản pháp luật; nâng cao chất lượng xây dựng và thẩm định của các chủ thể liên quan, đặc biệt là các bộ, ngành; tiếp tục có cơ chế xin ý kiến rộng rãi của công luận, các chuyên gia, nhà khoa học, kết hợp kiểm tra văn bản sau ban hành.

Thực tế, chất lượng công tác xây dựng pháp luật đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là vấn đề “tiền kiểm”, tự kiểm tra, rà soát văn bản đã được nhiều bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trình văn bản quan tâm, Bộ Tư pháp cũng đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện khá tốt việc kiểm tra các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, kiểm tra, rà soát các văn bản Chính phủ giao, Thủ tướng Chính phủ giao cũng như văn bản của ngành.

Tuy nhiên, đúng như trả lời của Bộ trưởng, chúng tôi cũng thấy tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn khá phổ biến trên các lĩnh vực. Điều này đòi hỏi trách nhiệm của chính đơn vị chủ quản tham mưu trình ban hành dự án, dự thảo là trên hết, trước hết, đặc biệt tự kiểm tra, rà soát văn bản là khâu quan trọng - cử tri Nguyễn Tiến Dũng phân tích.

Làm rõ hơn phân cấp, phân quyền

Phân tích về tình trạng sợ trách nhiệm, né tránh của cán bộ trong khâu tham mưu xây dựng thể chế, đa số cử tri tâm đắc với phần giải trình của Bộ trưởng Lê Thành Long. “Theo dõi nhiều văn bản báo cáo sơ kết, tổng kết ở các cấp trên các lĩnh vực đều chỉ ra nguyên nhân do chính quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, quá trình thực thi còn hạn chế, chưa lượng hóa được cụ thể trách nhiệm thuộc về ai, tổ chức nào, bởi không phải mọi vấn đề đều do quy định chưa hoàn thiện hay thực thi còn yếu mà còn có yếu tố chủ quan. Như Bộ trưởng khẳng định: nếu trách nhiệm của bộ, ngành nào phải ban hành văn bản, soạn thảo và chủ động ban hành mà không có sự chủ động đó thì phải chịu trách nhiệm. Tôi cho là hợp lý bởi không phải văn bản nào cũng chồng chéo, mâu thuẫn, không phải quy định nào cũng yếu ở khâu thực hiện mà còn do yếu tố chủ quan” - cử tri Lê Vân, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định chia sẻ.

Còn theo Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh Nguyễn Thị Hoan: cần làm rõ thêm phân cấp, phân quyền trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là đối với HĐND các cấp, trong đó quy định cụ thể hơn HĐND huyện, xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật đến mức độ nào. Hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 có nhấn mạnh thêm vấn đề phân cấp, phân quyền như Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải trình. Tuy nhiên, vấn đề này mới chỉ nêu ra còn thực tế trình tự, nội dung, mức độ chưa có quy định cụ thể.

Mới đây nhất, từ một công văn của Bộ Tài chính có nêu việc HĐND huyện không được ban hành các cơ chế hỗ trợ từ ngân sách chi cho các lĩnh vực đặc thù, điều này khiến HĐND khá nhiều địa phương lúng túng, có những đơn vị ra nghị quyết bãi bỏ các nội dung nghị quyết chuyên đề hỗ trợ trên các lĩnh vực như nông nghiệp, chỉnh trang đô thị, môi trường… đã ban hành.

Cũng theo Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Đức Thọ, vấn đề tự kiểm tra nghị quyết của HĐND trong thực tế cũng chưa được quan tâm đúng mức. Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 111 Nghị định 34/2016/NĐ-CP ngày 14.5.2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ban Pháp chế HĐND giúp HĐND tự kiểm tra văn bản của HĐND. Tuy nhiên, qua khảo sát chưa có nhiều địa phương Ban Pháp chế thực hiện việc này nghiêm túc theo quy định.

HỒNG LAM

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/ro-trach-nhiem-tham-muu-xay-dung-the-che-i340269/