Rõ tiêu chí, rõ hiệu quả

Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện PBGDPL bằng nhiều hình thức, cách làm khác nhau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để bảo đảm tính bài bản, thực chất, song song với việc xây dựng mô hình khung PBGDPL tại cộng đồng, cần tiêu chí đánh giá cụ thể về hiệu quả của hoạt động này.

Từ xây dựng mô hình khung...

Theo ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL (Bộ Tư pháp), mặc dù công tác PBGDPL đã được các địa phương thực hiện thường xuyên với nhiều phương thức và kênh truyền tải khác nhau; song, vẫn chưa có một khung mô hình mẫu để hướng dẫn tổ chức hoạt động này một cách khoa học, bài bản. Vì vậy, xây dựng một khung mô hình để tất cả các chủ thể PBGDPL ở địa phương áp dụng là điều cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL.

Mới đây, Bộ Tư pháp vừa tiến hành khảo sát thực tiễn công tác PBGDPL tại tỉnh Đồng Tháp và Hòa Bình, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để xây dựng một khung mô hình PBGDPL với tư cách là công cụ hỗ trợ cán bộ, công chức cơ sở trong việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá hiệu quả các hoạt động PBGDPL tại địa phương.

"Đây là một mô hình khái quát, có phương pháp và hướng tiếp cận mới; rõ cách thức, quy trình thực hiện PBGDPL từ việc xác định mục đích, yêu cầu, nội dung công tác PBGDPL cho đến hình thức, cách thức PBGDPL, nguồn lực, chủ thể thực hiện và đánh giá hiệu quả của mô hình. Đó là tiêu chí, nội dung trọng tâm của khung mô hình" - ông Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Nguồn: ITN

Theo đại diện Cục PBGDPL, hoạt động PBGDPL nhằm thông tin đến người dân để họ biết rằng, một quan hệ nhất định đang được pháp luật điều chỉnh; khi tham gia quan hệ đó, người dân có những quyền và nghĩa vụ nhất định. Đây là mục tiêu có tính chất "dự phòng". Hoạt động PBGDPL này làm tăng cường ý thức pháp luật cho người dân để họ tự giác tuân thủ pháp luật, bảo vệ mình khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm cũng như tham gia tích cực vào công tác phòng, chống vi phạm pháp luật.

Mục đích khác của hoạt động PBGDPL là giải quyết trực tiếp những vấn đề pháp lý cho người dân. Đây là mục tiêu mang tính chất "tức thời". Hoạt động PBGDPL dạng này xác định vấn đề mà người dân gặp phải trong cuộc sống, từ đó biết được vấn đề pháp lý đặt ra và giải quyết vấn đề đó theo quy định của pháp luật. Thông qua việc giải quyết các vấn đề theo trình tự, thủ tục pháp lý, người dân cũng nắm được các quy định của pháp luật tương ứng.

... tới xác định tiêu chí đánh giá cụ thể

Cùng với việc xây dựng mô hình khung về PBGDPL, không ít ý kiến cho rằng, cần có cơ chế đánh giá công tác PBGDPL khách quan, hiệu quả. Theo Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc, ngày 12.8.2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 979/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL" (Đề án 979). Trên cơ sở thực hiện Đề án, với vai trò là cơ quan chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, Bộ Tư pháp có trách nhiệm trong việc xây dựng và ban hành tiêu chí chung về đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL.

Sau quá trình thí điểm, Bộ Tư pháp sẽ có trách nhiệm tổng kết, đánh giá và hoàn thiện Khung tiêu chí chung, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện thể chế cho công tác đánh giá hiệu quả này. Kết thúc Đề án, sẽ có các quy định cụ thể về trách nhiệm, nhiệm vụ trong trong việc đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL cho các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, hoàn thành bộ công cụ khoa học, mang tính thực tiễn, khả thi, giúp đánh giá đúng mục tiêu, mục đích đặt ra.

Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án, ông Lê Vệ Quốc cho biết, việc đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL được xác định là nhiệm vụ khó, đòi hỏi phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, nhận thức, cách tiếp cận của các nhà quản lý, nhà khoa học về vấn đề này cũng khác nhau; gặp nhiều khó khăn trong việc đúc kết kinh nghiệm quốc tế…

Mặt khác, theo ông Đặng Thanh Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thu thập, xử lý thông tin về PBGDPL còn rất hạn chế, đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng về chuyển đổi số nên có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý dữ liệu. Bên cạnh đó, thay đổi cách thức đánh giá từ truyền thống sang hiện đại cũng là một rào cản…

Thực tế đó đòi hỏi, cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm các nước và ở Việt Nam trong xây dựng và tổ chức thực hiện các tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác truyền thông, thông tin, PBGDPL; huy động nguồn lực xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá thí điểm; nghiên cứu xây dựng phần mềm khảo sát trực tuyến đánh giá hiệu quả công tác này...

Thảo Mộc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/ro-tieu-chi-ro-hieu-qua-i356057/