Rộ chuyện người nước ngoài xài thẻ tín dụng giả

Hai vụ dùng thẻ ATM và thẻ visa giả bị phát hiện ở Đà Nẵng và TP.HCM.

Ngày 6-8, ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á, cho biết rạng sáng 5-8, bảo vệ ngân hàng bắt quả tang Ciprian (quốc tịch Rumani) dùng thẻ ATM giả của Ngân hàng Đông Á để rút tiền. Cùng ngày, Công an tỉnh Bình Thuận cũng phát hiện, bắt giữ Wong Kar Wai (quốc tịch Malaysia) là một trong ba nghi can lừa đảo bằng thẻ tín dụng (visa) giả.

Dùng thẻ ATM giả rút tiền

Khi bị bắt, số tiền thu giữ trong giỏ xách của Ciprian gần 300 triệu đồng. Ciprian rút tiền tại buồng ATM ở góc ngã tư Trần Cao Vân-Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM). Ngoài thẻ ATM giả của Ngân hàng Đông Á, trong người Ciprian còn có 10 loại thẻ ATM và thẻ visa giả của các ngân hàng khác.

Trước đó hệ thống xử lý dữ liệu trung tâm của Ngân hàng Đông Á phát hiện có giao dịch “lạ” ở máy ATM tại quận 1. Bằng các biện pháp kỹ thuật lẫn nghiệp vụ đến 0 giờ ngày 5-8 , bảo vệ Ngân hàng Đông Á đã bắt được kẻ dùng thẻ ATM giả rút tiền thật. Số tiền của khách hàng bị rút đã được ngân hàng hoàn trả lại.

Ciprian khai từ Thái Lan qua Campuchia vào Việt Nam bằng đường bộ, trú tại một khách sạn ở quận 1 để rút tiền. Một đồng bọn của Ciprian nhanh chân chạy thoát nhưng camera ngân hàng đã kịp ghi lại hình ảnh.

Passport của Ling Seng Koey và Chong Kon Hoi. Ảnh: T.TÀI

Ngân hàng Đông Á khuyến cáo khách hàng khi giao dịch tại các máy ATM nên quan sát, đề phòng các thiết bị lạ gắn vào máy ATM nhằm sao chép dữ liệu của thẻ. Ngoài ra, khi giao dịch mua bán qua mạng phải thanh toán bằng thẻ ATM, thẻ tín dụng, khách cần chú ý việc bảo mật, tránh để các dữ liệu (số pin, password…) của thẻ bị đánh cắp.

Theo ông Toàn, một biện pháp nữa là dùng dịch vụ Internet Banking do ngân hàng cung cấp. Việc sử dụng này giúp khách hàng hạn chế rủi ro vì khi có giao dịch rút tiền, chuyển khoản từ chủ thẻ, ngân hàng sẽ báo lại ngay bằng tin nhắn qua điện thoại cho biết. Trường hợp chủ thẻ không sử dụng mà tiền bị rút thì biết ngay thẻ có vấn đề nên gọi báo ngân hàng để khóa thẻ lại.

Mua hàng bằng thẻ visa giả

Tối 5-8, Tổ tuần tra CSGT số 1 Công an tỉnh Bình Thuận trong lúc tuần tra trên tuyến quốc lộ 1A (địa bàn huyện Tuy Phong) phát hiện xe taxi biển số 43A-000.86 chạy với tốc độ cao. Khi dừng xe để kiểm tra, CSGT phát hiện trên xe có một người nước ngoài và một thanh niên người Việt có dấu hiệu nghi vấn. Nhận được thông báo trước đó của Công an TP Đà Nẵng về vụ ba người Malaysia dùng thẻ visa giả lừa đảo, trong đó có một người bỏ trốn, Tổ CSGT yêu cầu tất cả về trụ sở làm rõ. Kiểm tra hộ chiếu, người nước ngoài tên là Wong Kar Wai (30 tuổi, quốc tịch Malaysia).

Bước đầu, Wong đã khai nhận cùng hai đồng bọn là Ling Seng Koey và Chong Kon Hoi dùng thẻ visa giả mua nữ trang bằng vàng, đá quý và máy iPad tại Trung tâm Thương mại Indochina Riveside Power và Vĩnh Trung Plaza (TP Đà Nẵng) với số tiền gần 200 triệu đồng.

Ngày 4-8, Ling và Chong bị bắt; riêng Wong nhanh chân lẩn vào đám đông bỏ trốn. Nhận định Wong đã thuê xe trốn khỏi thành phố nên Công an TP Đà Nẵng thông báo công an các địa phương và liên hệ các hãng taxi để xác minh.

Ngày 6-8, đại diện cơ quan điều tra Công an TP Đà Nẵng đã có mặt tại Tuy Phong (Bình Thuận) để di lý Wong về Đà Nẵng. Qua khám xét hành lý của Wong, công an niêm phong một số trang sức bằng vàng, đá quý. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng yêu cầu người thanh niên đi cùng Wong về Đà Nẵng để điều tra làm rõ.

Thủ đoạn tinh vi

Tại cuộc họp công bố kết quả bước đầu điều tra vụ “ Ba ngoại kiều mua hàng bằng thẻ tín dụng giả” , vào chiều 6-8, Đại tá Nguyễn Đình Chính, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, nhận định đây là một loại tội phạm kỹ thuật cao, thủ đoạn tinh vi. Có thể các đối tượng bị bắt giữ nằm trong một đường dây lừa đảo quốc tế.

Ông Nguyễn Cao Phong, Phó Giám đốc Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Đà Nẵng, cho biết thẻ visa được làm giả rất tinh vi, có thể qua mặt các máy POS (máy tính tiền) ở các cửa hàng. Ba ngoại kiều vừa bị bắt đã ăn cắp thông tin của một chủ thẻ có thật, sửa lại tên chủ thẻ trùng với hộ chiếu. Do đó, máy POS không thể phát hiện sự gian dối trong giao dịch. “Trước đây, ở Hội An (Quảng Nam) đã từng xảy ra vụ đối tượng người Malaysia sử dụng thẻ Travel Sec (séc du lịch) giả để lừa đảo. Công nghệ làm thẻ tín dụng giả khá dễ dàng do việc sản xuất thẻ từ không được quản lý chặt. Hiện ở TP.HCM và Hà Nội đã xuất hiện tình trạng lừa đảo bằng thẻ visa giả"- ông Phong nói.

TẤN TÀI

BÙI NHƠN - PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20120807122932528p0c1015/ro-chuyen-nguoi-nuoc-ngoai-xai-the-tin-dung-gia.htm