Rau rừng ra phố thị

Ở khu vực rừng núi Lào Cai có một loại rau không khác gì sầu riêng, đứng xa vài mét vẫn ngửi thấy mùi hôi nhưng khi ăn đều 'nghiện'. Người dân địa phương vẫn gọi theo lối dân gian là 'rau thối', ngoài ra còn có tên pắc nam, phắc khỉ, rau rút rừng, rau gai... Hiện nay, rau thối không chỉ là món ăn của người vùng cao, mà còn được bán ở thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng...

Sau cơn mưa, những bìa rừng ở Tòng Sành (Bát Xát) lại mơn mởn rau thối. Cây rau thối thuộc họ xấu hổ, lá giống lá cây hoa phượng, khi chạm tay vào lá cụp lại, rủ xuống.

Tranh thủ buổi sáng, chị Chảo San Mẩy đeo gùi lên rừng hái rau thối cho kịp chuyến xe chở về Hà Nội. Đã 3 năm nay, cứ vào mùa rau thối, chị lại hái rau theo đặt hàng của một tư thương ở Sa Pa, sau đó chờ chuyến xe qua lúc 8 giờ để giao rau cho họ. Ngày chăm chỉ, chị có thể hái được 20 bó, bán được 100.000 đồng.

Chị Mẩy cho biết: Tôi cứ nghĩ chỉ người vùng cao mới biết ăn rau thối, không ngờ người Hà Nội cũng thích ăn rau này.

Với chị Nông Thị Đoàn, tổ 30, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) thì từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch hằng năm lại cho chị thêm một khoản thu nhập.

Quanh nhà chị là những cánh rừng xanh tốt, ở đó có rất nhiều rau thối, sáng nào chị cũng dậy sớm đi dọc bìa rừng hái những ngọn rau thối mơn mởn, bó thành từng bó, đem ra chợ Kim Tân giao cho sạp rau quen.

Chị Đoàn cho biết: Tôi không có thời gian ngồi chợ cả buổi nên thường giao cho một chị chuyên hàng rau theo giá buôn. Mỗi lần giao rau, tôi được 70.000 - 100.000 đồng, sau đó trở về nhà làm việc đồng áng.

Chị Nguyễn Thị Lan Hương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: Cả nhà tôi “nghiện” món rau thối từ lần đi du lịch ở Lào Cai. Bất ngờ, một lần ra chợ gần khu nhà tôi ở thấy bán rau thối, tôi mua về nấu và mời hàng xóm, giờ có thêm vài gia đình “nghiện” rau thối như nhà tôi.

Rau thối là cây dây leo, thân cây dài, có nhiều gai, mọc hoang trong rừng. Tháng 3 đến tháng 6 âm lịch hằng năm là thời điểm rau thối ngon nhất, cho nhiều lá non nhất, người vùng cao thường hái phần ngọn, lá non để chế biến.

Theo những người cao niên ở vùng cao, xa xưa có một năm hạn hán, mất mùa, trồng rau thì bị sâu hại, người dân vùng cao đói khổ, phải vào rừng hái các loại lá dại về ăn. Trong thôn, có một phụ nữ chân bị tật, đi chậm hơn mọi người, vào đến rừng thì chẳng còn gì. Lúc này, bà ngửi thấy mùi hôi nồng ở một thân cây gần đó, đói quá bà đành hái lá về nấu ăn thì thấy khi nấu lên loại lá này có vị bùi, ngậy, ăn no lâu. Từ đó, người vùng cao có thêm loại rau ăn hằng ngày.

Rau thối có thể chế biến thành các món hấp dẫn như xào trứng, rán trứng, xào măng hoặc xào tỏi... Rau thối ăn có vị béo, ngậy, bùi, càng ăn càng cuốn. Giống như quả sầu riêng, ai biết ăn rồi là không thể dứt được, chỉ cần ngửi thấy mùi, vị giác đã khởi động.

Rau thối còn được người dân vùng cao coi là vị thuốc chữa xương khớp, đau đầu, tiền đình hiệu quả. Những người bị đau đầu ăn loại rau này kiên trì có thể giảm cơn đau kéo dài. Rau thối còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.

Vì hương vị đặc biệt và những công dụng, loại rau rừng này không chỉ là món ăn ưa thích của bà con vùng cao mà còn hấp dẫn người dân phố thị. Ngoài tiêu thụ ở chợ truyền thống, rau thối còn được rao bán online thu hút nhiều lượt mua mỗi ngày.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/rau-rung-ra-pho-thi-post371210.html