Rau hàng hóa xóa dần cái nghèo

Thay đổi tư duy, vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ trong sản xuất là minh chứng rõ nét của người dân, HTX trên địa bàn tỉnh Lào Cai nhằm khẳng định dư địa phát triển của ngành hàng rau màu trong nâng cao thu nhập, hỗ trợ giảm nghèo.

Là vùng có khí hậu lạnh nên HTX nông nghiệp Hoa Đào (phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa) đã tập trung phát triển su su. Ngay từ khi mới thành lập, HTX đã hỗ trợ thành viên phân bón, giống, thuê chuyên gia tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm... Nhờ đó, thành viên yên tâm sản xuất, ngày càng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trồng rau quanh năm

Đến nay, HTX đã có 150 thành viên với hơn 100 ha đất canh tác, thu nhập bình quân của mỗi hộ thành viên đạt hơn 100 triệu đồng/năm. HTX Hoa Đào còn tạo việc làm ổn định cho khoảng 30 lao động thường xuyên và gần 100 lao động thời vụ với thu nhập khoảng 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Cũng tập trung phát triển rau màu, HTX nông nghiệp Mai Anh (phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa) đã thực hiện theo cơ chế, thành viên góp đất, góp vốn, góp công để sản xuất kinh doanh theo phương án đã thống nhất. Khi vào vụ thu hoạch, HTX đã đứng ra liên kết với doanh nghiệp ở Bắc Ninh và nhiều cửa hàng, siêu thị bao tiêu rau màu.

Hiện, HTX đã thu hút 100 thành viên sản xuất hơn 40 ha đất trồng rau các loại, sản lượng đạt hơn 2.000 tấn/năm. Nhờ chủ động liên kết với các đơn vị cung cấp giống cây nông nghiệp, phân bón uy tín, nông dân và thành viên được hỗ trợ đầu vào, nhất là kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc từng loại rau theo mùa (như cải bắp, cải thảo, su hào, súp lơ…), năng suất và thu nhập trên 1 ha đất canh tác đã tăng lên.

Không chỉ tập trung sản xuất rau vụ đông, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn phát triển trồng rau trái vụ để nâng cao thu nhập, tận dụng diện tích đất đai. Tại xã Trịnh Tường, huyện Si Ma Cai, người dân đã trồng các loại rau ôn đới vào mùa hè và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP dưới sự hỗ trợ của HTX nông nghiệp Trịnh Tường.

Các loại rau như bắp cải, su hào, cà chua, cà rốt… tưởng chừng chỉ phát triển vào mùa đông nhưng tại Trịnh Tường lại thích hợp phát triển cả vào mùa hè, từ đó mở ra triển vọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trồng rau giúp người dân có thu nhập ổn định.

Trồng rau giúp người dân có thu nhập ổn định.

Theo tính toán của HTX Trịnh Tường, trung bình mỗi ha trồng rau trái cho thu hoạch khoảng 10 tấn rau. Với giá bán trung bình 11.000 - 15.000đồng/kg, người trồng rau trái vụ có thể thu về tiền tỷ trong 3 tháng hè. Đây là nguồn thu nhập tương đối cao đối với người dân huyện vùng cao Si Ma Cai.

Trong khi đặc điểm của nhiều địa phương ở Lào Cai là mùa đông rét đậm, thích hợp trồng những loại rau ưa lạnh, nhưng mùa hè thời tiết nắng nóng cùng với tình trạng thiếu nước nên rất khó phát triển một số loại rau. Nhưng đến nay, bằng việc đầu tư từ kỹ thuật, liên kết đầu ra đến hệ thống thủy lợi, rau màu đã phát triển quanh năm ở Lào Cai với đa dạng chủng loại, giúp mang lại nguồn thu khá lớn cho người dân. Đặc biệt, phát triển trồng rau trái vụ còn giúp thu nhập của người dân cao hơn gấp 4-5 lần so với thuận vụ.

Hiệu quả kinh tế

Với giá trị mang lại từ sản xuất rau màu, ngành nông nghiệp Lào Cai đã vận động người dân chuyển đổi những chân ruộng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau như cải ngọt, bắp cải, cà chua… Đây là những sản phẩm thường được canh tác trong vụ đông ở các địa phương vùng thấp. Còn tại những vùng có khí hậu mát mẻ quanh năm như Sa Pa có thể sản xuất những loại rau này khi các địa phương khác chưa thể canh tác, tức là có thể trồng những loại rau vụ đông quanh năm.

Bởi thị trường thường xảy ra tình trạng khan hiếm do tính chất mùa vụ, chưa kể ảnh hưởng bởi thời tiết nên các loại rau của Lào Cai sản xuất ra thường dễ bán và có giá bán cao. Ngoài ra, hầu hết người dân, HTX đều áp dụng quy trình sản xuất an toàn, điều kiện tự nhiên và khí hậu cũng là nguyên nhân khiến rau màu ở Lào Cai có chất lượng cao hơn, được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt là những giống rau đặc sản như cải sú, cải mầm, su su…

Bên cạnh đó, Lào Cai cũng đẩy mạnh hỗ trợ người dân, HTX về kỹ thuật sản xuất, liên kết bao tiêu, tìm đầu ra, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư khoa học công nghệ cho sản xuất rau màu, hạn chế tác động của khí hậu khắc nghiệt.

Từ những hỗ trợ đó, đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo của người dân, HTX trong tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là điều kiện quan trọng để người dân thay đổi tư duy về phát triển nông nghiệp hàng hóa, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, hiệu quả.

Những năm gần đây, rau màu được xác định là một trong những cây trồng thế mạnh và chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao ở Lào Cai, giúp tỉnh mỗi năm giảm trung trình 3-5% tỷ lệ hộ nghèo. Đến nay, tỉnh đã thu được trái ngọt trong giảm nghèo. Đến hết năm 2022, tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh đạt 5,8% (tương đương giảm 9.770 hộ nghèo), vượt mục tiêu giảm nghèo của tỉnh đề ra (4,5%) và Trung ương giao (4%).

Đặc biệt, tỷ lệ giảm nghèo tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đã giảm 7,7% (vượt xa kế hoạch của tỉnh và Trung ương là giảm 6%/năm).

Anh Má A Cở (thị xã Sapa) cho biết từ độ nghèo, gia đình được Nhà nước hỗ trợ vay vốn còn HTX Mai Anh hỗ trợ kỹ thuật, đầu ra, gia đình anh duy trì trồng 2 vụ rau/năm. Mỗi vụ, gia đình anh bán 10 tấn rau, lợi nhuận trung bình mỗi năm đạt 130-150 triệu đồng. Ngoài ra, anh trồng xen canh atiso và hoa lan nên thu nhập cũng khá.

Còn tại xã Gia Phú (Bảo Thắng) với sự hình thành và phát triển của HTX rau hữu cơ Đồng Lục, địa phương đã hình thành được vùng rau an toàn với diện tích trên 50 ha, thu hút gần 200 hộ dân tham gia. Mỗi năm, Gia Phú cung ứng ra thị trường khoảng 3.000 tấn rau các loại, giá trị thu về khoảng 10 tỷ đồng. Sản xuất rau an toàn đã giúp đời sống của người dân được nâng cao đáng kể, có những hộ thu trên 200 triệu đồng/năm.

Phát triển nhóm rau chủ lực

Đặc biệt phát triển trồng rau hàng hóa đã giúp tỉnh hình thành được những chuỗi hàng hóa, thể hiện hướng đi bền vững, giúp người dân yên tâm gắn bó với nghề trồng rau màu. Tiêu biểu như mô hình trồng rau với quy mô hơn 70ha của HTX Mai Anh, HTX Thành Công, HTX Phát Lợi trên địa bàn tỉnh. Các HTX này không chỉ liên kết cùng nhau trong sản xuất mà còn liên kết trực tiếp với doanh nghiệp để mở rộng đầu ra, từ đó gia tăng giá trị cho cây rau màu.

Theo thống kê sơ bộ, vụ đông năm nay, toàn tỉnh Lào Cai đang có khoảng 4.300ha rau màu. Người dân một số xã, thị xã đã bước đầu xây dựng được vùng sản xuất rau hàng hóa và tham gia liên kết với các HTX, doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ bởi vậy giá cả ổn định, tiêu thụ thuận lợi.

Hiện lượng khách du lịch lớn, giao thông phát triển nên những người đứng đầu tỉnh Lào Cai xác định rau màu là cây trồng nhiều tiềm năng, lợi thế. Bên cạnh các vùng rau chuyên canh, người dân chuyển đổi từ đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng rau màu sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí (theo hình thức hỗ trợ sau đầu tư). Nguồn hỗ trợ được trích ra từ kinh phí của huyện, tỉnh, lồng ghép các chương trình, dự án, tuy không lớn nhưng là nguồn động viên kịp thời cho bà con.

Từ nay đến hết 2025, ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai sẽ nỗ lực hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp phát triển, mở rộng vùng sản xuất rau chuyên canh an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường và có liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ để đảm bảo tính hiệu quả, bền vững.

Đặc biệt, để phục vụ nhu cầu xuất khẩu của Việt nam, tỉnh đang được Bộ NN&PTNT định hướng tập trung phát triển nhóm rau cải các loại và rau họ đậu. Việc định hướng phát triển 2 nhóm rau chủ lực là căn cứ quan trọng để tỉnh Lào Cai phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/rau-hang-hoa-xoa-dan-cai-ngheo-1097343.html