Những tác phẩm vượt định kiến để thoát mác 'khiêu dâm'

Từ những năm 1950-1960 tại các nước như Anh, Mỹ, một cuộc đấu tranh trong ngành xuất bản đã nổ ra để bảo vệ các tác phẩm văn học bị liệt vào danh sách truyện khiêu dâm.

 Một phân cảnh trong bộ phim Lolita (1997). Ảnh: Daily Mail.

Một phân cảnh trong bộ phim Lolita (1997). Ảnh: Daily Mail.

Trong lịch sử xuất bản thế giới, không ít các tác phẩm văn học đã bị xếp vào danh mục truyện khiêu dâm và cấm phát hành. Tại Mỹ một bộ luật khiêu dâm quy định cụ thể về giới hạn của các cuốn sách đã được ra đời, ở Anh cũng có Đạo luật dành riêng cho những tác phẩm tục tĩu. Tuy nhiên, một số cuốn sách đã được xét duyệt lại và vượt qua định kiến xã hội để thoát ra khỏi cái mác truyện khiêu dâm.

Số phận của các tác phẩm văn học này đã cho thấy sự thay đổi về ranh giới của khái niệm khiêu dâm và khơi gợi trong xuất bản.

Lolita và khoảnh khắc lịch sử của ngành xuất bản Anh

Lolita (Vladimir Nabokov) được xuất bản lần đầu tiên vào tháng 9/1955 tại Pháp bởi công ty Olympia Press. Doanh nghiệp này được biết đến như một nơi chuyên phát hành các nội dung khiêu dâm. 5.000 bản in đầu tiên của cuốn Lolita không được mấy ai chú ý.

Sau vài tháng, tình cờ, một số tay buôn lậu đã đưa cuốn sách này tới Anh. Một bản in đến tay Graham Greene, người này đã viết bài đánh giá rất cao Lolita và đăng tải trên tờ Sunday Times. Tuy nhiên, các biên tập viên của tờ Sunday Express lại cho rằng cuốn sách chứa những nội dung đồi trụy, phá hoại thuần phong mỹ tục. Trước sự việc trên, Bộ Nội vụ Anh vào cuộc và yêu cầu tịch thu mọi bản in Lolita.

 Ấn bản Lolita đầu tiên tại Mỹ với thiết kế đơn giản. Ảnh: Etsy.

Ấn bản Lolita đầu tiên tại Mỹ với thiết kế đơn giản. Ảnh: Etsy.

Bất chấp bối cảnh phức tạp về việc kiểm duyệt nội dung khiêu dâm, George Weidenfeld và Nigel Nicolson vẫn muốn xuất bản Lolita tại Anh. Mùa hè năm 1958, Weidenfeld và Nicolson đã liên lạc với tác giả Vladimir Nabokov, lúc đó đang sống tại New York, để xin phép xuất bản Lolita. Nabokov đã đồng ý.

Tháng 12/1958, trong một buổi tranh luận tại Hạ Viện, Nicolson đã đứng lên phát biểu rằng: “Liệu gọi một tác phẩm nghệ thuật là tục tĩu có bị mâu thuẫn về mặt ngôn ngữ không? Tôi xin phép trả lời là không. Nghệ thuật không thể bị đánh đồng với dâm dục, đồi trụy”. Nicolson còn nói thêm rằng cuốn sách đã bán được 250.000 bản tại Mỹ và ra mắt ở Pháp ý.

Song song đó, George Weidenfeld đã vận động 200 tác giả ký vào một lá thư ủng hộ xuất bản Lolita. Bức thư được công bố vào tháng 1/1959. Cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục kéo dài và mọi người trông đợi Dự luật nghiêm cấm xuất bản các nội dung tục tĩu mới được thông qua.

Lúc bấy giờ, Weidenfeld đã bị các nhà in từ chối hơn 30 lần vì không ai dám dính líu tới cuốn sách Lolita. Phải tới tháng 8/1959, cuốn sách mới được in ra, hai tuần trước khi Dự luật trên được thông qua. Hai tháng sau, Weidenfeld đã cho phát hành 20.000 bản trên khắp các hiệu sách của nước Anh.

Ngày 5/11/1959, George Weidenfeld, Nigel Nicolson và hơn 200 tác giả có mặt ở khách sạn Ritz tại London (Anh) để chờ đợi quyết định từ Bộ Nội Vụ. Cho tới 10 giờ tối, một người đàn ông bên Bộ gọi cho Weidenfeld và nói rằng: “Các anh có thể xuất bản cuốn sách. Bộ Nội vụ sẽ không truy tố điều này. Tôi ủng hộ những điều anh làm”. Khoảnh khắc đó đã đi vào lịch sử của ngành xuất bản tại Anh.

Khái niệm mới được hình thành

Một năm sau khi Lolita được ra mắt, xuất bản Anh tiếp tục đón nhận một tin vui. Cuốn Người tình của phu nhân Chatterley (D.H. Lawrence) được xuất bản đầy đủ bởi Penguin Books. Tác phẩm này trở thành một trường hợp thử nghiệm cho Đạo luật Xuất bản mới của Anh. Hơn 10 năm sau, nhiều tác phẩm từng bị coi là truyện khiêu dâm ở nước Anh cũng được xét duyệt lại và cho ra mắt.

Tại Mỹ, cuộc đấu tranh bảo vệ các tác phẩm có giá trị diễn ra cũng căng thẳng không kém. Một số người cho rằng cuộc cách mạng tình dục những năm 1960 đã được báo trước bởi hai sự kiện mang tính bước ngoặt này. Và quả thực, Người tình của phu nhân Chatterley là cuốn đầu tiên trong số ba cuốn tiểu thuyết khiêu dâm được dỡ bỏ lệnh cấm ở Mỹ từ năm 1959 đến năm 1966.

 Một bức ảnh chụp vào những năm 1960 sau khi cuốn Người tình của phu nhân Chatterley được gỡ bỏ lệnh cấm. Ảnh: Sarah Kim.

Một bức ảnh chụp vào những năm 1960 sau khi cuốn Người tình của phu nhân Chatterley được gỡ bỏ lệnh cấm. Ảnh: Sarah Kim.

Fred Kaplan (biên tập viên của New York Times) nhận định: “Trong nhiều thập kỷ, tòa án để Cục Bưu chính Mỹ quyết định cuốn sách nào sẽ được xuất bản. Rồi đột nhiên họ không làm thế nữa. Vậy điều gì đã tác động đến thay đổi này. Đó chính là xã hội”. Kaplan cũng từng chú thích trong tác phẩm Người tình của phu nhân Chatterley rằng: “Sự tục tĩu chỉ xuất hiện khi tâm trí ta coi thường còn cơ thể thì cảm thấy sợ hãi. Mà cơ thể thì thường ghét chống lại tâm trí”. Câu nói của Kaplan để khẳng định, các chi tiết bị cho là tục tĩu không phải là một điều gì đó đáng sợ, nó là một phần của cuộc sống hiện thực.

Hai ví dụ trên cho thấy sự thay đổi đáng kể về quan điểm trong văn học. Họ hiểu hơn về hai khái niệm phân biệt truyện khiêu dâm và truyện khêu gợi. Trong đó, truyện khiêu dâm sử dụng các chi tiết tình dục để mô tả ham muốn tình dục của một con người. Nhưng tiểu thuyết sử dụng các chi tiết tình dục để thể hiện các ý đồ khác của tác giả muốn gửi gắm.

Sự khác biệt giữa khiêu dâm và tiểu thuyết có yếu tố tình dục

Nabokov từng viết rằng: “Truyện khiêu dâm chỉ giới hạn trong sự giao cấu sáo rỗng. Phong cách, cấu trúc, hình ảnh chỉ phản ánh một ham muốn nhạt nhẽo của người đọc. Tiểu thuyết thì khác. Các trường đoạn có thể được rút gọn thành những cấu tứ cụ thể. Chúng tồn tại để phản ánh hiện thực và khiến độc giả cảm thấy tác phẩm không lừa dối họ”.

Truyện khiêu dâm chỉ giới hạn trong sự giao cấu sáo rỗng. Phong cách, cấu trúc, hình ảnh chỉ phản ánh một ham muốn nhạt nhẽo của người đọc.

Nabokov

Tác giả của Lolita cũng nhận định rằng nội dung khiêu dâm loại bỏ yếu tố nghệ thuật mang tính gợi mở, ưu tiên cái hữu cơ hơn là tinh thần như dục vọng và khoái cảm.

Hơn nữa, một tác phẩm nghệ thuật có yếu tố tình dục có thể vượt qua những giới hạn của cơ thể. GS Thomas C. Foster (tác giả cuốn Đọc văn sành như giáo sư văn - cuốn sách hướng dẫn các giáo viên, sinh viên cách tiếp cận văn chương) cho rằng, trong nghệ thuật, những vật thể và hành động khác có thể thay thế cho hành vi tình dục. Chẳng hạn những bộ phim có cảnh nóng, chi tiết tấm rèm cửa bị gió thổi bay đôi khi cũng ám chỉ rằng hai nhân vật đã thực hiện hành vi tình dục. Hay truyện ngắn Janus (Ann Beattie, 1985) cũng sử dụng hình ảnh cái bát của nhân tình tặng cho nữ chính làm biểu tượng cho tình dục.

 Nhà văn Vladimir Nabokov. Ảnh: Metropolitian Museum.

Nhà văn Vladimir Nabokov. Ảnh: Metropolitian Museum.

Trong thời đại ngày nay, khi xã hội phát triển, khái niệm truyện khiêu dâm và tiểu thuyết có yếu tố tình dục càng được phân biệt rõ rệt hơn. Các nhà xuất bản, thư viện, trường học cũng đưa ra một số khuyến cáo về giới hạn độ tuổi. Dù vậy, việc dán nhãn nhạy cảm không đồng nghĩa với việc cuốn sách đó là dâm dục, đồi trụy.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/ranh-gioi-cua-su-tuc-tiu-trong-tac-pham-van-hoc-da-thay-doi-nhu-nao-post1475719.html