Răng sau khi tẩy trắng có bị ố vàng trở lại không?

Tẩy trắng răng là phương pháp thẩm mỹ giúp khắc phục tình trạng răng xỉn màu, ố vàng. Nhiều người lo lắng rằng, răng sau khi tẩy trắng có bị ố vàng trở lại không? Cần lưu ý gì để duy trì hiệu quả tẩy trắng răng?

1. Hiệu quả tẩy trắng răng có thể duy trì trong bao lâu?

Theo ThS.BS. Đậu Thị Kiều Trang, Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện 19-8, tẩy trắng răng là phương pháp sử dụng các hợp chất oxy hóa cùng với năng lượng ánh sáng halogen hoặc laser để tạo ra phản ứng làm đứt chuỗi phân tử màu làm răng ố vàng, từ đó giúp răng trắng sáng hơn.

Tuy nhiên, hiệu quả tẩy trắng răng không duy trì vĩnh viễn. Điều này có nghĩa là răng sau khi tẩy trắng sẽ bị ố vàng trở lại. Tùy vào tính chất men và cơ địa của từng người, thời gian duy trì hiệu quả tẩy trắng răng thường kéo dài từ 2-3 năm. Sau khoảng thời gian này, răng có thể trở lại màu ban đầu, ThS.BS. Đậu Thị Kiều Trang cho hay.

Nếu áp dụng chế độ chăm sóc và bảo vệ răng miệng khoa học, răng có thể giữ màu 3-4 năm. Thế nhưng, cũng có những trường hợp hiệu quả tẩy trắng răng chỉ duy trì trong thời gian ngắn hơn.

Tùy vào tính chất men và cơ địa của từng người, thời gian duy trì hiệu quả tẩy trắng răng thường kéo dài từ 2-3 năm.

2. Cách chăm sóc răng để duy trì hiệu quả tẩy trắng thẩm mỹ

Để giữ hàm răng trắng khỏe, cần vệ sinh răng miệng đúng cách. Cùng với đó, cần lưu ý một số vấn đề trong chế độ ăn uống, sinh hoạt đảm bảo không làm ảnh hưởng đến màu sắc của răng cũng như hiệu quả tẩy trắng.

2.1. Vệ sinh răng miệng đúng cách

ThS.BS. Đậu Thị Kiều Trang chia sẻ, vệ sinh răng miệng tưởng chừng là việc rất đơn giản, nhưng không phải ai cũng thực hiện đúng. Nên sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm và kem đánh răng phù hợp để tránh gây tổn thương răng và nướu. Chải răng theo đường tròn tất cả bề mặt răng, không chải ngang vì có thể làm tổn thương nướu và men răng. Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, cần đặc biệt lưu ý vệ sinh răng sau khi ăn hoặc uống các loại thực phẩm đậm màu trong bữa ăn, ví dụ như cà ri, tương cà, trà, cà phê...

Tránh dùng tăm để lấy thức ăn giắt vào kẽ răng. Bạn có thể sử dụng tăm nước hoặc chỉ nha khoa để làm sạch các kẽ răng. Có thể súc miệng bằng nước muối sinh lý 2-3 lần mỗi ngày để giữ cho hơi thở thơm mát, làm sạch vụn thức ăn bám trên bề mặt răng và khoang miệng, đồng thời ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh khoang miệng.

Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, cần đặc biệt lưu ý vệ sinh răng sau khi ăn hoặc uống các loại thực phẩm sẫm màu.

2.2. Lưu ý trong chế độ ăn uống, sinh hoạt

Sau khi tẩy trắng răng, cần hạn chế ăn các loại thức ăn, đồ uống quá nóng hoặc lạnh, thực phẩm có tính axit như nước ngọt có gas, nước chanh... bởi axit trong những thức uống này có thể làm xỉn màu răng. Những món ăn, đồ uống có màu đậm như trà, cà phê, nước tương... cũng nên hạn chế. Nếu ăn, cần chú ý vệ sinh răng miệng ngay sau bữa ăn.

Không nên hút thuốc lá sau khi thực hiện tẩy trắng răng bởi vì trong thuốc lá có chứa các hợp chất như nicotin... có thể làm cho màu răng bị sậm lại hoặc men răng bị đổi màu đồng thời hợp chất này có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của gan, phổi...

Không nên nhai đá hoặc những thức ăn quá cứng có thể làm mài mòn men răng khiến cho răng dễ bị ảnh hưởng và đổi màu.

2.3. Kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ

Mỗi người nên định kỳ đến nha khoa để lấy cao răng và các mảng bám gây ố vàng. Việc này sẽ giúp bạn đánh giá sức khỏe răng miệng, từ đó kịp thời xử lý các vấn đề tái nhiễm màu nếu có, ngăn ngừa sớm các bệnh về răng miệng.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Khi nồm ẩm dễ mắc những bệnh nào về da? Cách phòng ngừa | SKĐS

Minh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/rang-sau-khi-tay-trang-co-bi-o-vang-tro-lai-khong-169240227151716165.htm