Rạng ngời hải đảo cuối trời Nam

Quá trình kiến tạo của tự nhiên đã hình thành trên vùng đất ngập Cà Mau 3 cụm đảo với những hình thái riêng biệt nhưng cùng ý nghĩa và giá trị chung, như 3 hệ sinh thái trên đất liền (mặn - ngọt - lợ) vốn đặc trưng của vùng đất địa đầu phương Nam. Nếu như cụm đảo hòn Ðá Bạc ở ven bờ thì 2 cụm đảo còn lại là Hòn Chuối và Hòn Khoai, đều xa đất liền trên 10 hải lý, là tiền tiêu trấn giữa biển từ Ðông sang Tây, đảm bảo chủ quyền lãnh hải quốc gia.

Ðặc trưng của đảo xa bờ ở Cà Mau là, đảo thì có người sinh sống, đảo thì không; đảo thì chỉ toàn đá, biến đổi theo con nước, còn đảo chỉ mới có cỏ cây; đảo có người dân với hoạt động sản xuất phải di chuyển theo mùa, đảo chỉ có lực lượng làm nhiệm vụ... Với những nét riêng biệt ấy, dù ở tận phía trời xa nơi biên giới biển, các cụm đảo vẫn tôn lên vẻ đẹp rạng ngời và hùng vĩ của biển, đảo quê hương Cà Mau, góp thêm tình yêu và niềm tự hào về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong lòng những người con nước Việt.

Nằm về phía xa nhất, gần với tuyến đường hàng hải quốc tế trong cụm đảo Hòn Khoai là hòn Ðá Lẻ. Ðây là điểm A2 xác định đường cơ sở, vừa mới được xây dựng cột mốc chủ quyền với khối hình trụ cao 8 m. Từ hòn Ðá Lẻ nhìn về đất liền có thể thấy rõ công trình điện gió Viên An 1.

Tổ quốc trên tuyến biên giới biển không chỉ có đảo xa, mà nơi ấy còn có các lực lượng ngày đêm tuần tra canh giữ lãnh hải quốc gia, giữ vững quốc phòng - an ninh. Các anh là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, làm giàu quê hương, dựng xây đất nước ngày thêm phát triển bền vững. (Trong ảnh: Tàu BP 19-01-01 của Bộ đội Biên phòng Cà Mau tuần tra vùng biển đảo Hòn Khoai).

Khắc phục địa hình phức tạp, hiện nay Hòn Khoai đã được đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, phục vụ công tác tuần tra bảo vệ, phòng chống cháy rừng và hướng đến phát triển kinh tế, trong đó có phát triển du lịch.

Khắc phục địa hình phức tạp, hiện nay Hòn Khoai đã được đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, phục vụ công tác tuần tra bảo vệ, phòng chống cháy rừng và hướng đến phát triển kinh tế, trong đó có phát triển du lịch.

Trên Hòn Chuối hiện có 70 hộ dân sinh sống, với 213 nhân khẩu. Do điều kiện tự nhiên, mỗi năm bà con phải di chuyển chỗ ở, bè nuôi cá theo mùa để tránh gió.

Nằm trong cụm đảo Hòn Chuối là Hòn Hàng (còn được gọi là Hòn Buông). Ðây là đảo đá mới hình thành, không có dân sinh sống, địa hình phức tạp, rất ít cỏ cây; hình dáng như con cá, hướng cao đầu về phía Tây Bắc với phần đuôi nhỏ dần và chìm mỗi khi thủy triều lên. Do có gành đá trải dài, ít chịu sự tác động của con người nên vùng biển xung quanh Hòn Hàng có rất nhiều loài hải sản trú ngụ, sinh sản…

Nằm trong cụm đảo Hòn Chuối là Hòn Hàng (còn được gọi là Hòn Buông). Ðây là đảo đá mới hình thành, không có dân sinh sống, địa hình phức tạp, rất ít cỏ cây; hình dáng như con cá, hướng cao đầu về phía Tây Bắc với phần đuôi nhỏ dần và chìm mỗi khi thủy triều lên. Do có gành đá trải dài, ít chịu sự tác động của con người nên vùng biển xung quanh Hòn Hàng có rất nhiều loài hải sản trú ngụ, sinh sản…

Trần Nguyên giới thiệu

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/rang-ngoi-hai-dao-cuoi-troi-nam-a30970.html