Rạn nứt lớn giữa Mỹ và Ukraine về tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden coi những cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga là bất cẩn và có thể làm tăng giá năng lượng. Trong khi đó, Kiev coi đây là biện pháp cần thiết để Moscow phải trả giá vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Vết nứt lớn dần giữa Mỹ và Ukraine

Khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp riêng Tổng thống Volodymyr Zelensky tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2/2024, bà đã nói với nhà lãnh đạo Ukraine điều mà ông không muốn nghe: Đó là hạn chế tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga - một chiến thuật mà các quan chức Mỹ tin rằng sẽ làm giá năng lượng toàn cầu tăng cao và khiến Nga có những động thái đáp trả mạnh mẽ hơn.

Theo các nguồn thạo tin, yêu cầu trên từ phía Mỹ đã khiến Tổng thống Zelensky và các quan chức cấp cao của ông giận dữ bởi họ coi những cuộc tấn công UAV vào các cơ sở năng lượng của Nga là điểm sáng hiếm hoi trong cuộc xung đột tiêu hao với đối thủ lớn hơn về lực lượng và được trang bị tốt hơn. Các nguồn tin này cho biết, Tổng thống Zelensky đã từ chối lắng nghe khuyến cáo này và không chắc liệu nó có phản ánh lập trường thống nhất trong chính quyền Tổng thống Biden hay không. Trong những tuần sau đó, Washington tăng cường cảnh báo trong nhiều cuộc trao đổi với Kiev, trong đó có chuyến thăm của Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan tới thủ đô Kiev vào tháng 3/2024 cùng một số cuộc trao đổi giữa các quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ với phía Ukraine.

Rạn nứt lớn giữa Mỹ và Ukraine về tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Ảnh: X

Tuy nhiên, thay vì chấp nhận các yêu cầu của Mỹ thì Ukraine tăng cường thực hiện chiến lược trên, tấn công vào một loạt các cơ sở của Nga, trong đó có cuộc tấn công ngày 2/4 nhằm vào nhà máy lọc dầu lớn thứ ba nước Nga, nằm cách tiền tuyến gần 1.300km.

Các vụ việc trên đã làm gia tăng căng thẳng giữa bối cảnh Kiev đang chờ xem liệu Quốc hội Mỹ có thông qua gói hỗ trợ trị giá 60 tỷ USD cho nước này hay không. Các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine, nhắm vào cả chục nhà máy lọc dầu từ tháng 1/2024 và làm gián đoạn ít nhất 10% cơ sở lọc dầu của Nga, diễn ra trong lúc Tổng thống Biden tăng cường chiến dịch vận động tranh cử và giá dầu toàn cầu đạt mức cao mới trong 6 tháng. Các quan chức Mỹ, Ukraine và châu Âu giấu tên đã nói về những lập trường khác nhau giữa Washington và Kiev.

Những người bảo vệ chiến lược của Ukraine cáo buộc Nhà Trắng ưu tiên chính trị trong nước hơn là các mục tiêu quân sự của Ukraine.

"Tôi cho là chính quyền Tổng thống Biden không muốn giá khí đốt tăng cao trong năm bầu cử", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Arkansas Tom Cotton nhận định tuần trước.

Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Georgia Austin Scott thì cho rằng: "Trong khi Nga tấn công ngành dầu mỏ, khí đốt và năng lượng của Ukraine thì tại sao Kiev không được tấn công các cở sở này".

Các quan chức Mỹ cũng thừa nhận, việc giữ ổn định thị trường năng lượng toàn cầu để làm giảm lạm phát là một ưu tiên của chính quyền ông Biden.

Tuy nhiên, châu Âu cho rằng, việc duy trì sự ủng hộ lâu dài cho Ukraine cũng rất quan trọng. Một quan chức cấp cao Mỹ nhận định: “Việc tăng giá năng lượng có nguy cơ làm giảm sự hỗ trợ của châu Âu cho Ukraine". Lợi ích quân sự của chiến dịch ném bom mà Ukraine đang thực hiện cũng bị đặt câu hỏi, các quan chức Mỹ bình luận.

Mối lo ngại của các nhà hoạch định quân sự tại Washington là các cuộc tấn công hầu như không tác động đến việc làm giảm khả năng chiến đấu của Nga và có thể dẫn đến những cuộc đáp trả quy mô lớn nhằm vào lưới điện Ukraine, khiến Kiev thậm chí đối mặt với tổn thất lớn hơn Moscow.

“Các cuộc tấn công UAV không phá hủy hoàn toàn các cơ sở lọc dầu và thậm chí không phá hủy các bộ phận trong đó mà chỉ gây hư hại", Sergey Vakulenko - chuyên gia ngành dầu mỏ cho hay trong một bài phân tích của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.

Theo ông: "Các nhà máy lọc dầu Ust-Luga và Ryazan đã quay lại hoạt động chỉ một vài tuần sau khi bị tấn công".

Trong những tuần gần đây, Nga đã tiến hành hàng loạt cuộc tấn công bằng UAV chứa chất nổ và tên lửa nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, khiến cho hàng triệu người không có điện và làm dấy lên mối lo ngại rằng các cuộc tấn công có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, những cuộc tấn công này là sự phản ứng trực tiếp trước các cuộc tấn công UAV của Ukraine nhằm vào các cơ sở lọc dầu và những cơ sở hạ tầng khác nằm sâu trong lãnh thổ nước này. Trước đó, Điện Kremlin tập trung tấn công vào khả năng công nghiệp của Ukraine, một nỗ lực mà một số quan chức Mỹ cho rằng chỉ có tác động hạn chế.

Hiện nay, các quan chức Ukraine cho biết nước này đang cần bảo vệ các thành phố, Tuần trước, Tổng thống Zelensky đã cử Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tới Brussels nhân Hội nghị Ngoại trưởng NATO. Đề nghị của Ngoại trưởng Ukraine với các nước phương Tây là hỗ trợ Kiev nhiều tổ hợp phòng không Patriot hơn.

"Tôi lấy làm tiếc khi nói ra điều này nhưng ai có thể tin rằng đội quân hùng mạnh nhất thế giới lại không có đủ 7 tổ hợp Patriot để cung cấp cho quốc gia duy nhất trên thế giới đang đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo mỗi ngày", ông Kuleba nói.

Lập trường khác nhau của các bên

Việc Mỹ phản đối các cuộc tấn công vào các cơ sở lọc dầu đã khiến các quan chức Ukraine giận dữ bởi họ coi các cuộc tấn công này là một trò chơi công bằng giữa bối cảnh Nga liên tục tấn công Ukraine. Họ nhìn nhận các cuộc tấn công là hành động cần thiết để khiến Nga trả giá về các hành động của mình và gửi đi thông điệp rằng nước Nga sẽ không an toàn cho tới khi xung đột kết thúc.

Họ cũng coi các cuộc tấn công là cần thiết giữa bối cảnh nguồn cung đạn pháo để thách thức các vị trí của Nga trên tiền tuyến đang thiếu hụt. Việc vận chuyển vũ khí của Mỹ cho Ukraine đã chậm lại trong những tháng gần đây khi bất đồng về gói hỗ trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD vẫn chưa được tháo gỡ trong Quốc hội Mỹ.

Một số ý kiến cho rằng, mối lo ngại của Mỹ về giá năng lượng tăng cao do các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu là vô căn cứ khi dẫn ra việc giá cả tăng là do OPEC+ cắt giảm sản xuất và tình trạng mất ổn định liên quan đến cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.

Một số ý kiến chỉ trích cho rằng, thông điệp của chính quyền Tổng thống Biden về các cuộc tấn công trên không nhất quán, gây ra sự bối rối cho những người ủng hộ Ukraine trong Quốc hội và các đối tác nước ngoài.

Khi được hỏi về các cuộc tấn công vào các cơ sở lọc dầu trong tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định, chính quyền Tổng thống Biden không ủng hộ các cuộc tấn công của Ukraine vào trong lãnh thổ Nga bất kể mục tiêu là gì.

"Chúng tôi không ủng hộ và cũng không tạo điều kiện cho các cuộc tấn công của Ukraine bên ngoài lãnh thổ", ông Blinken nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin thì bày tỏ ông muốn Ukraine nhắm vào các căn cứ không quân và cơ sở hạ tầng quân sự bên trong nước Nga hơn là các cơ sở lọc dầu.

Lập trường của Mỹ dường như trái ngược với các đồng minh của Washington ở châu Âu.

Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné cho rằng, Ukraine đang hành động để tự về và coi Nga là "bên gây hấn". Ngoại trưởng Anh David Cameron cũng bảo vệ quyền tấn công của Ukraine nhằm các mục tiêu năng lượng của Nga.

"Nga không có vẻ gì đang tự giới hạn mình chỉ tấn công các mục tiêu quân sự hay chỉ tấn công trên tiền tuyến. Nước này tấn công trên toàn bộ Ukraine", ông Cameron nhận định với Washington Post.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Washington Post

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ran-nut-lon-giua-my-va-ukraine-ve-tan-cong-muc-tieu-trong-lanh-tho-nga-post1089389.vov