Rắn độc cắn người và cách điều trị

Thời gian gần đây, số người bị rắn độc cắn ngày một tăng. 6 tháng đầu năm 2010, Bệnh viện Nhi Đồng I và II. TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận khoảng hơn 30 trẻ bị rắn cắn. 3 năm gần đây, Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cứu chữa hơn 40 trường hợp bị rắn lục cắn, 3 người đã tử vong. Chỉ trong 1 tháng mưa nhiều vừa qua, Sóc Trăng đã có 9 người dân bị rắn lạ cắn, 4 người tử vong. Ngay tại Hà Nội (phố Đặng Tiến Đông), rắn cạp nia bò vào nhà tấn công người đang ngủ.

Điều trị rắn độc cắn trung bình từ 10-15 ngày Nạn nhân của những con rắn độc Ngủ dậy, vừa đưa chân xuống giường, cháu Quân 4 tuổi ở Bình Thuận giẫm phải con rắn hổ mèo dài gần 2 mét, bị nó “tợp” luôn vào chân. Sau đó cháu được đưa đến Khoa Cấp cứu- BV Nhi Đồng I. Sau hơn 1 tuần điều trị tích cực chống rối loạn đông máu, cháu bé thoát cơn nguy hiểm. Cùng ở Bình Thuận, cháu Luân đang chơi ngoài vườn, bị một con rắn chám quạp dài gần 1 mét “đớp” vào tay khiến toàn bộ vùng cánh tay cháu bé sưng to. Vết thương trên ngón tay bị rắn cắn luôn rỉ máu và bắt đầu hoại tử. BV Nhi Đồng I đã phải dùng đến 3 lọ huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu để điều trị cho cháu Luân. Đang chập chững trong phòng ngủ, bé Hải ở Hóc Môn- TP. Hồ Chí Minh bỗng khóc thét. Tay bé rớm máu, bên cạnh đó một con rắn lục nằm cuộn tròn. Mặc dù được BV Nhi Đồng I truyền ngay huyết thanh kháng nọc độc, nhưng cháu Hải vẫn rơi vào tình trạng rối loạn đông máu nặng, phải mất 48 giờ điều trị cấp cứu giải độc liên tục. Hơn 10 ngày sau vết thương trên tay cháu bớt sưng, bớt hoại tử. Chỉ trong 2 ngày cuối tuần qua, BV Nhi Đồng I liên tiếp cấp cứu 4 bệnh nhi ở Đồng Nai, Bà Rịa, Tây Ninh bị rắn độc cắn, 1 trường hợp bị rắn phun nọc độc vào mắt. Cả 4 trường hợp này đều là nạn nhân của rắn chàm quạp, hổ mèo, lục đuôi đỏ, nhưng không được đưa đến viện cấp cứu ngay. Hầu hết bố mẹ các cháu đưa đi đắp thuốc lá cây, garo phía trên chỗ rắn cắn... khiến vết thương sưng to, chảy máu, nổi bóng nước, nhiễm trùng hoại tử... gây nhiều khó khăn cho việc điều trị. Mới đây Trung tâm Chống độc- Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận chị Trang 36 tuổi ở Đặng Tiến Đông- Hà Nội bị rắn cắn. Khi vào viện, chị Trang đã bị liệt cơ, khó thở, sụp mi, suy hô hấp nặng, rối loạn đông máu. Để cứu nạn nhân, các bác sĩ ở đây cho bệnh nhân thở máy, truyền huyết thanh kháng nọc độc....Thời gian bệnh nhân hồi phục chưa xác định... Xử lý, cấp cứu ban đầu còn rất kém Đây là nhận xét của các bác sĩ điều trị. Việt Nam có 135 loài rắn, trong đó 35 loài độc. Hiện huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu ở Việt Nam đã sản xuất được, nhưng còn quá ít, nên đã gây trở ngại lớn cho việc cứu chữa. Nạn nhân bị rắn độc cắn khi nhập viện thường trong tình trạng nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Với những nạn nhân này đến nay y học vẫn điều trị triệu chứng là chủ yếu, đồng thời phải cho thở máy, dùng kháng sinh mà nguy cơ biến chứng tắc ruột, viêm phổi, suy kiệt vẫn rất cao. Bệnh nhân phải nằm điều trị kéo dài từ 12- 30 ngày. Thời điểm rắn cắn tập trung vào tháng 6 đến tháng 10. Có 3 loại rắn lục thường gây nguy hại là rắn lục tre, rắn khô mộc, rắn lục xanh. Bệnh nhân bị rắn lục cắn thường từ 12-30 tuổi với các triệu chứng đau buốt, phù nề tại chỗ cắn và dưới da, xuất huyết lan rộng ra cả chi và sang các bộ phận khác, chảy máu chân răng, tụt huyết áp, sốt... Những trường hợp nặng mặc dù lúc đầu rất tỉnh, nhưng sau đó dần dần bị rối loạn ý thức và đi vào hôn mê rồi tử vong. Hầu hết người bệnh có xuất huyết. Thời gian từ lúc bị rắn cắn đến khi xuất hiện triệu chứng nhiễm độc thường là trong 8 giờ đầu, muộn nhất là sau 12 giờ. Hiện nay, điều trị rắn cắn phụ thuộc phần lớn vào việc xác định sớm loại rắn cắn và dùng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Tuy nhiên hiện nay ở nước ta mới có hai Trung tâm sản xuất được huyết thanh kháng nọc rắn. Đó là Viện vaccin và Các chế phẩm sinh học Nha Trang và Trung tâm nghiên cứu rắn - Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Cả hai Trung tâm này mới chỉ sản xuất được huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang, lục xanh, hổ chúa, cạp nia, chàm quạp và đang nghiên cứu chế tạo huyết thanh kháng nọc rắn cạp nong. Do không có kinh phí đầu tư cho sản xuất nên huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia và hổ chúa rất khan hiếm. Để cứu chữa những nạn nhân này chỉ còn cách thông khí nhân tạo: đặt nội khí quản, bóp bóng, thở máy, dùng kháng sinh chống bội nhiễm, truyền dịch và chống sốc, chống rối loạn nhịp tim... Sau 2- 3 tuần bệnh nhân mới dần hồi phục, chí phí điều trị từ vài chục triệu đồng đến trăm triệu đồng. Trên thực tế có nhiều người bị rắn cắn mà không biết, đến khi có hiện tượng suy hô hấp, thở ngáp, người tím tái, hôn mê...mới vào viện thì đã quá muộn. Vì vậy để hạn chế những nguy hiểm và biến chứng do nọc độc của rắn gây nên, các bác sĩ Trung tâm Chống độc đưa ra một số đặc điểm lâm sàng nhận dạng rắn cắn và cách sơ cứu ban đầu: Rắn cạp nia cắn thường không có biểu hiện tại chỗ, vết cắn ít khi rõ, sụp mi, đồng tử giãn tối đa, liệt hô hấp hoàn toàn. Rắn hổ chúa cắn thường làm người bệnh phù nề lan tỏa, sụp mi, đồng tử giãn nhiều, liệt chi và liệt hô hấp không hoàn toàn. Rắn hổ phì cắn thường để lại vết cắn rất rõ, sưng tấy, phù nề, lan tỏa ít, hoại tử tại chỗ cắn, không liệt chi, chỉ yếu chi, đồng tử không giãn, liệt hôc hấp hoàn toàn. Rắn cạp nong cắn thường không để lại vết cắn hoặc vết cắn không rõ, không sưng tấy phù nề, không hoại tử, liệt gốc chi, đồng tử giãn, liệt hô hấp không hoàn toàn. Rắn lục cắn thường có dấu răng, đau và sưng tại chỗ. Nạn nhân bị xuất huyết lan rộng ở nhiều nơi (da và niêm mạc), lan ra cả chi và các bộ phận khác, hạch to. Khi phát hiện ra mình hoặc người nhà bị rắn cắn, trước hết không nên để nạn nhân tự đi hay chạy. Băng ép ngay trên chỗ bị rắn cắn cách 5-10 cm. Không garô hoặc buộc xoắn (néo) bằng dây vải, dây cao su. Chỉ cần băng chặt cho máu động mạch vẫn qua lại được. Không uống thuốc hoặc đắp bất kỳ thuốc gì rồi chuyển ngay nạn nhân đến Khoa Hồi sức cấp cứu hoặc một cơ sở y tế gần nhất. Đặng Ngân- Lam Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=16777&menu=1425&style=1