Rafah như 'chỉ mành treo chuông'

Rafah, thành phố nhỏ ở biên giới phía nam Dải Gaza, đang trở thành điểm nóng nhất của cuộc xung đột Israel - Hamas. Bởi, bất chấp cảnh báo về một thảm họa nhân đạo cũng như những hệ quả chính trị tồi tệ, Israel vẫn quyết tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào nơi này.

Rafah đối diện thảm họa nhân đạo

Rafah chỉ có diện tích khiêm tốn 64 km2 với 170 nghìn dân đang oằn mình đón nhận hơn 1 triệu người Palestine sơ tán tới đây sau khi những người này được quân đội Israel ra lệnh di dời khỏi nhà của họ ở những nơi khác tại Dải Gaza.

Cậu bé người Palestine ở Rafah lo lắng nhìn ra ngoài khi đứng trong đống đổ nát của một ngôi nhà bị bom đạn phá hủy. Ảnh: Reuters.

Người di tản tràn vào bất cứ chỗ nào có thể trú ngụ được, từ những góc trống của các tòa nhà, bệnh viện hoặc trường học và nếu không còn chỗ, họ rúc vào những túp lều tạm bợ tại các bãi đất trống. Nhưng, lều cũng không đủ chỗ. Hàng nghìn người khác, gồm cả trẻ em, phải ngủ trên đường phố.

Vốn đã thiếu thốn đủ đường trong một không gian Gaza bị bao vây phong tỏa nhiều năm qua, Rafah nay càng thê thảm vì áp lực quá lớn từ số người tị nạn đông gấp gần 10 lần dân địa phương. Cuộc khủng hoảng nhân đạo bùng phát tại đây đang nghiêm trọng đến mức báo động.

Bệnh tật lây lan, tình trạng đói ăn và thiếu nước sạch để uống và sinh hoạt đã lên đến mức không thể chịu đựng được. Trong khi đó, lối thoát duy nhất để dòng người tại Rafah rời khỏi nơi này là vượt biên giới sang Ai Cập cũng đã bị bịt kín.

Tổ chức Nhân quyền Sinai, một tổ chức theo dõi các diễn biến trong khu vực xung quanh cửa khẩu Rafah, đã chia sẻ đoạn video cho thấy lực lượng Ai Cập bổ sung dây thép gai tăng cường trên hàng rào bê tông chạy dọc biên giới phía Nam Gaza. Ai Cập cũng được cho là đã triển khai khoảng 40 xe tăng và xe bọc thép chở quân tới bán đảo Sinai ở phía Đông Bắc.

Người dân Israel tập trung tại Tel Aviv để phản đối chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters.

Cairo đã bày tỏ lo ngại rằng việc Israel tiến vào Rafah có thể buộc người Palestine phải chạy trốn vào Sinai. Hai quan chức Ai Cập và một nhà ngoại giao phương Tây nói với hãng tin AP hôm Chủ nhật rằng Cairo đang đe dọa đình chỉ việc tham gia hiệp ước hòa bình lịch sử năm 1978 với Israel nếu nước này tiếp tục tấn công người Palestine bằng cách đưa quân vào Rafah.

Thường dân ở Rafah bây giờ ngày nào cũng sống trong nỗi lo kép: lo không kiếm được đồ ăn, chỗ ngủ và lo về một cuộc tấn công trên bộ của Israel. “Chúng tôi chán ngấy việc sơ tán. Chúng tôi thậm chí không có nơi nào để đi nếu điều đó xảy ra”, Alaa Azzam, một sinh viên nha khoa 20 tuổi, người đã rời bỏ khỏi ngôi nhà ở trung tâm Gaza trước đó trong cuộc chiến và hiện đang bị mắc kẹt ở Rafah cùng các thành viên khác trong gia đình, nói với các phóng viên quốc tế.

Những lời kêu gọi rơi vào thinh không

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 23/3, trong chuyến thăm Ai Cập ở biên giới phía Nam Gaza cũng đã nói với các phóng viên rằng không có nơi nào an toàn để nhiều người tị nạn ở Rafah đi tới. Ông Guterres kêu gọi ngừng bắn, tiếp cận viện trợ nhân đạo không hạn chế và thả các con tin Israel do Hamas cũng như các chiến binh khác bắt giữ.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại cuộc họp báo ở biên giới Ai Cập-Gaza, gần Rafah, nhằm kêu gọi các bên ngừng bắn. Ảnh: Getty Images.

Ngay cả Mỹ, đồng minh thân thiết và quan trọng nhất của Israel, cũng đã cố gắng ngăn Israel tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Rafah khi cảnh báo Thủ tướng Benjamin Netanyahu về hậu quả tồi tệ của hành động quân sự này.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang hy vọng thuyết phục các quan chức cấp cao của Israel, những người sẽ đến thăm Washington trong những ngày tới, rằng việc trấn áp Hamas, tổ chức mà Mỹ và Israel đồng ý là một tổ chức khủng bố, không đòi hỏi một cuộc tấn công toàn diện vào Rafah.

Các quan chức Mỹ lo ngại hoạt động này có thể gây ra thêm nhiều thương vong cho dân thường, quá đó làm tăng thêm sự phẫn nộ trên toàn cầu đối với cuộc chiến của Israel ở Gaza.

Nhưng, Israel nói rằng họ sẽ không lắng nghe: Việc giành lại Rafah từ Hamas là quá quan trọng đối với chiến lược quân sự của Tel Aviv. Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết quân đội Israel sẽ tiếp tục tiến hành một chiến dịch tấn công trên bộ ở Rafah dù có hoặc không có sự hỗ trợ của Mỹ. “Chúng tôi không có cách nào đánh bại Hamas nếu không tiến vào Rafah và loại bỏ tàn dư của các tiểu đoàn (Hamas) ở đó”, ông Netanyahu cương quyết nói.

Bình luận của ông Netanyahu được đưa ra sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đã cảnh báo rằng một cuộc tấn công trên bộ ở Rafah “có nguy cơ giết chết nhiều dân thường hơn, có nguy cơ tàn phá lớn hơn đối với việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo, có nguy cơ cô lập hơn nữa Israel trên toàn thế giới và gây nguy hiểm cho an ninh cũng như vị thế lâu dài của nước này”.

Những diễn biến trên cho thấy sự khác biệt quan điểm ngày càng gia tăng giữa hai đồng minh về việc Israel tiến hành cuộc chiến. Bất đồng giữa Israel và Mỹ xảy ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden phải vật lộn với những lời kêu gọi ngừng bắn của quốc tế và phản ứng dữ dội chính trị trong nước mà người đứng đầu Nhà Trắng phải đối mặt từ những cử tri mà ông cần cho cuộc tái tranh cử vào tháng 11 này.

Nhưng, sức ép của Mỹ cho đến nay không lay chuyển được Thủ tướng Netanyahu, người đã thề sẽ chiến đấu cho đến khi Hamas bị tiêu diệt. Hơn nữa, theo Yossi Mekelberg - nhà phân tích Trung Đông tại tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại London, mục tiêu chiến thắng của Israel nhằm loại bỏ Hamas với tư cách là một thực thể quân sự và chính trị quan trọng đã đặt ra tiêu chuẩn cao khó đạt được. Ông Mekelberg nói: “Bất cứ điều gì ít hơn mức đó sẽ bị coi là thất bại”.

Nhà phân tích này cho biết thêm, giới lãnh đạo Israel đang đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng trong nước rằng cuộc chiến ở Gaza đang trì trệ. Sau khi chinh phục thành phố Gaza và Khan Younis, hai thành phố lớn nhất của dải đất, Israel đã đạt được rất ít tiến bộ về lãnh thổ. Việc Tel Aviv rút hàng chục nghìn binh sĩ khỏi Gaza đã cho phép Hamas rút lui vào một số khu vực mà Israel đã chiếm được rồi rời đi trước đó.

Còn Hamas - trong bối cảnh bị quân đội Israel dồn ép - đang tìm cách tồn tại lâu hơn nỗ lực truy lùng của đối thủ và tuyên bố sẽ chiến thắng bằng cách sống sót. Vì thế, việc tấn công Rafah và loại bỏ nốt thành trì cuối cùng của Hamas càng trở thành mục tiêu cần sớm hoàn thành với chính phủ của Thủ tướng Netanyahu.

Rafah có phải điểm kết thúc?

Nói như vậy không có nghĩa rằng Tel Aviv hoàn toàn phớt lờ dư luận quốc tế. Israel cũng đã hứa với Mỹ và các nước khác, bao gồm cả nước láng giềng Ai Cập, rằng họ sẽ chuẩn bị sơ tán những người tị nạn hiện đang chen chúc ở Rafah trước khi tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào thành phố biên giới này.

Lều trại của người tị nạn Palestine dựng tại Rafah, ngay bên bức tường biên giới với Ai Cập. Ảnh: Reuters

Người phát ngôn của quân đội Israel, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari cho biết hồi đầu tháng này rằng Israel sẽ hợp tác với các đối tác quốc tế để xây dựng “khu vực nhân đạo” bên trong Dải Gaza, nơi những người tị nạn sơ tán khỏi Rafah có thể nhận được thực phẩm, nước uống, nơi trú ẩn và điều trị y tế. Ông Hagari cho biết, một cuộc tấn công trên bộ nhằm vào Hamas ở Rafah sẽ chỉ diễn ra khi các cơ sở nhân đạo đó đã sẵn sàng.

Thủ tướng Netanyahu, bên cạnh việc phê chuẩn kế hoạch hành động, cũng cho biết một cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Rafah sẽ tạm thời chưa xảy ra. Theo các nhà phân tích, điều này chủ yếu vì quân đội Israel cần huy động thêm quân sau khi giải ngũ nhiều quân dự bị từng chiến đấu ở Gaza trong những tháng gần đây.

Nhưng, các chuyên gia về Trung Đông cảnh báo, ngay cả những thắng lợi chiến thuật tiếp theo của Israel ở Rafah, chẳng hạn như việc tiêu diệt các đơn vị Hamas ở đó, cũng không chắc chắn đảm bảo một lợi ích chiến lược lâu dài nếu phong trào vũ trang Palestine này sau đó tự phục hồi.

Sanam Vakil, một học giả về Trung Đông tại tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở ở London, cho biết: “Việc ‘bóp vụn’ lực lượng của Hamas mang lại cơ hội rõ ràng cho Israel tuyên bố chiến thắng. Tuy nhiên, ngay cả khi Israel có thể tiêu diệt các lãnh đạo Hamas, nhưng giống như cỏ dại, Hamas sẽ ‘mọc trở lại’ nếu không có một chiến lược chính trị rộng lớn hơn cho cuộc xung đột Israel - Palestine.

Bằng chứng rõ nhất cho viễn cảnh Hamas hồi sinh nhanh chóng là việc quân đội Israel đang phải chiến đấu với Hamas ở ngày càng nhiều địa điểm trên Dải Gaza mà trước đây họ đã chiếm được và rút lui, chẳng hạn như các cuộc giao tranh xung quanh Bệnh viện Nasser ở Khan Younis và Bệnh viện Al-Shifa ở thành phố Gaza cuối tuần qua.

Thủ tướng Israel (đi giữa) tuyên bố sẽ tấn công trên bộ vào Rafah bất kể có sự ủng hộ của Mỹ hay không. Ảnh: New York Times.

Theo các chuyên gia, nỗ lực lực bình định của Israel bị cản trở do thiếu kế hoạch quản lý hiệu quả Gaza sau khi loại bỏ được Hamas. Thủ tướng Netanyahu đã từ chối lời kêu gọi từ các đối tác quốc tế, bao gồm cả Mỹ và các nước Arab quan trọng, về việc cải cách chính quyền Palestine (PA) để PA điều hành Gaza.

Không có chính quyền dân sự để lập lại an ninh, trật tự và cung cấp các dịch vụ cơ bản, trong khi quân đội Israel không muốn chiếm lại hoàn toàn dải đất bằng bộ binh, các khu vực ở Gaza rơi vào hỗn loạn, cản trở việc viện trợ nhân đạo, góp phần vào cuộc khủng hoảng nạn đói.

Khoảng trống về an ninh và quản trị ấy đã giúp Hamas dễ bề quay trở lại các khu vực bị lực lượng Israel bỏ trống. Khalil Shikaki, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và khảo sát Palestine có trụ sở tại Ramallah, cho biết: “Cánh vũ trang của Hamas đang theo đuổi chiến lược triển khai ở những nơi có thể và rút lui ở những nơi không thể. Đến khi điều kiện thay đổi, họ sẽ nhanh chóng triển khai trở lại”.

Nguyễn Khánh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/rafah-nhu-chi-manh-treo-chuong-i726495/