Rà soát các nội dung về Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

Chiều nay 24/5, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT về quy trình, quá trình tham mưu, chuẩn bị nội dung và dự thảo nghị quyết về quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương, vốn đối ứng của ngân sách địa phương và cơ chế hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Quang Chiến tham dự làm việc.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Quang Chiến yêu cầu rà soát, đảm bảo nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới- Ảnh: L.A

Căn cứ vào các quy định, hướng dẫn của trung ương và thực tiễn địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh, trình UBND tỉnh xem xét theo đúng quy định. Nội dung chính của dự thảo nghị quyết bao gồm: nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình; tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương, vốn đối ứng của ngân sách địa phương; cơ chế hỗ trợ chương trình gồm các nội dung: hỗ trợ 100% từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước, cơ chế khen thưởng trong xây dựng nông thôn mới; ủy quyền cho UBND tỉnh quy định về tỉ lệ số lượng dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù.

Về vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện chương trình, với tỉ lệ nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương từ 60% đến dưới 80%, tỉ lệ đối ứng 1:1, trong giai đoạn 2021 – 2025 ngân sách tỉnh cần đối ứng tối thiểu 484,18 tỉ đồng. Qua tổng hợp từ các nguồn có thể xác định, dự kiến ngân sách tỉnh đối ứng thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 là 398,548 tỉ đồng. Số ngân sách địa phương còn lại khoảng 85,632 tỉ đồng được đối ứng từ ngân sách cấp huyện, cấp xã bố trí hàng năm cho các nội dung, công việc thuộc chương trình.

Tại buổi làm việc, các đại biểu thảo luận, làm rõ thêm việc cân đối trong phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương và tỉ lệ đối ứng ngân sách địa phương; xem xét điều chỉnh mức đối ứng cấp huyện bằng các công trình trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Quang Chiến cơ bản thống nhất với các nội dung của dự thảo nghị quyết. Đồng thời, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu các quy định của trung ương tham mưu HĐND tỉnh về số huyện đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu hỗ trợ 4 huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2021 – 2025. Giao Ban Kinh tế Ngân sách phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát đảm bảo nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương để thực hiện chương trình.

Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Ánh đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết số 30/01/NQ-HĐND về xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, các chỉ tiêu đạt được, chưa đạt được, nguyên nhân. Từ đó đề xuất giải pháp thực hiện phù hợp với mục tiêu chung theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022. Đồng thời tiếp thu những ý kiến góp ý của các đại biểu tại buổi làm việc, hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh trong kỳ họp tới. Thống nhất chuyển nội dung ủy quyền cho UBND tỉnh quy định về tỉ lệ số lượng dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù sang kỳ họp sau.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=167416&title=ra-soat-cac-noi-dung-ve-chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-giai-doan-2021--2025