Ra mắt đơn vị điều trị chuyên sâu vết thương khó lành, loét bàn chân do đái tháo đường

(NLĐO - Hiện nay, trên thế giới, vết thương khó lành đang được xem là một 'bệnh dịch thầm lặng'. Tại Việt Nam, nhu cầu chăm sóc, điều trị vết thương của người dân rất lớn, tuy nhiên lĩnh vực chuyên khoa này tương đối mới nên thiếu cơ sở điều trị.

Ngày 2-12, Hệ thống Y khoa chuyên sâu quốc tế Bernard Healthcare công bố quyết định thành lập Đơn vị điều trị chuyên sâu vết thương khó lành (Bernard Wound Care, tại 22 Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình) tập trung vào điều trị loét bàn chân đái tháo đường.

Ngay từ khi mới thành lập, chuyên khoa về vết thương đã được Bernard Healthcare chú trọng phát triển và được Sở Y tế TP HCM cấp phép một số danh mục kỹ thuật ngoại khoa chăm sóc vết thương, vết loét trên bệnh nhân đái tháo đường.

Lãnh đạo Bernard Healthcare cho hay bệnh nhân bị vết thương khó lành đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn và việc điều trị chi phí rất tốn kém

Bà Nguyễn Nam Phương, Tổng Giám đốc Bernard Healthcare, cho biết bệnh nhân bị vết thương khó lành đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn và việc điều trị chi phí rất tốn kém, nặng nề vì có thể kéo dài nhiều tháng.

"Chứng kiến nỗi đau đớn cùng cực về thể xác, sự kiệt quệ tinh thần khi bỗng chốc thành phế nhân đến cảm xúc hạnh phúc vỡ òa như tái sinh lần nữa trong một cơ thể lành lặn, chúng tôi càng thấu cảm và quyết tâm. Nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, Bernard Healthcare đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ tốt nhất có thể cùng với các bác sĩ giúp bệnh nhân không còn loay hoay, bơ vơ để rồi phải chịu hậu quả đáng tiếc" - bà Phương chia sẻ.

Theo Thầy thuốc ưu tú, BSCK2 Trần Đoàn Đạo, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Y khoa Bernard Bernard Healthcare, nguyên Trưởng Khoa Bỏng – Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy, vết thương xuất hiện ở hầu hết các chuyên khoa, không một chuyên khoa nào là ngoại lệ. Một vết thương không được chăm sóc, điều trị đúng và kịp thời có thể dẫn đến vết thương khó lành, có nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử gây đau đớn, hậu quả phải tháo ngón, đoạn chi.

Bác sĩ Trần Đoàn Đạo thông tin hiện nay, trên thế giới, vết thương khó lành đang được xem là một "bệnh dịch thầm lặng" trong khi ở nước ta chưa có cơ sở y tế chuyên sâu về lĩnh vực này.

Về cơ bản các vết thương khó lành (vết thương mạn tính) là vết thương không lành trong vòng 4-8 tuần. Bất cứ vết thương nào cũng có thể trở thành khó lành và đặc biệt thường gặp ở các bệnh nhân có bệnh lý nền như đái tháo đường, suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính, suy tim… Hiện nay, trên toàn thế giới, vết thương khó lành đang được xem là một "bệnh dịch thầm lặng". Tại Việt Nam, nhu cầu chăm sóc, điều trị vết thương của người dân rất lớn nhưng chuyên khoa vết thương là mảng tương đối mới.

"Việc thành lập đơn vị điều trị chuyên sâu vết thương có ý nghĩa quan trọng, góp phần giảm đau, chữa lành, hạn chế biến chứng. Đây là địa chỉ để người dân thăm khám và điều trị, giúp các bệnh nhân vết thương với các phương pháp điều trị tiên tiến"- BS Đạo nhấn mạnh.

Dịp này, quyển sách "Chăm sóc vết thương" do BSCK2 Trần Đoàn Đạo chủ biên cùng các cộng sự cũng được ra mắt giới thiệu.

Nội dung với nhiều chủ đề xoay quanh các loại vết thương thường gặp như vết thương tiết dịch, tổn thương do tì đè, loét bàn chân đái tháo đường, loét mạch máu ngoại biên, vết thương do bỏng, sẹo… Sách in ấn phi thương mại (sách không bán) mục đích để chia sẻ kiến thức chuyên môn trong chăm sóc và điều trị vết thương. Các bác sĩ tham gia biên soạn sách sẽ có chuỗi hoạt động chia sẻ giới thiệu sách đến các bệnh viện, trường y tại TP HCM và các tỉnh thành song song với hướng dẫn thực hành chăm sóc vết thương. Đồng thời, Bernard Wound Care cũng sẽ thực hiện chương trình cộng đồng, tầm soát phòng ngừa biến chứng loét ở người tiểu đường; thăm khám và điều trị miễn phí cho các bệnh nhân vết thương khó lành có hoàn cảnh khó khăn.

NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ra-mat-don-vi-dieu-tri-chuyen-sau-vet-thuong-kho-lanh-loet-ban-chan-do-dai-thao-duong-196231202201902528.htm