Quyết liệt trong thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng

Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) luôn được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh và tạo được hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có buổi trao đổi với đồng chí Lâm Hoàng Thanh - Phó Chánh Thanh tra tỉnh.

Phóng viên: Đồng chí vui lòng cho biết về tình hình thực hiện chiến lược quốc gia PCTN của tỉnh trong những năm qua?

Đồng chí Lâm Hoàng Thanh:Qua hơn 10 năm thực hiện chiến lược quốc gia PCTN, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; tạo chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện, với nhiều kết quả khả quan, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai đồng bộ, từng bước phát huy tác dụng. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá. Còn công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình cùng các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung thực hiện tích cực. Từ đó, tình hình tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Phóng viên: Thưa đồng chí, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN được tăng cường như thế nào?

Đồng chí Lâm Hoàng Thanh:Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở các văn bản của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền pháp luật về PCTN thông qua nhiều hình thức như: tuyên truyền trên báo, sóng phát thanh truyền hình; đăng tin bài trên cổng thông tin điện tử; lồng ghép nội dung trong các cuộc sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên môn; tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu, pa-nô, áp phích, chương trình văn nghệ, biểu diễn lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật về PCTN tại các khu vực công cộng, thu hút được nhiều người đến xem. Kết quả tỉnh đã tổ chức được 18.033 cuộc (lớp), với 798.313 lượt người tham dự và in, cấp phát 36.403 tài liệu, tờ rơi tuyên truyền.

Trong thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 11-7-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021”, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch để tổ chức thực hiện phù hợp trong từng giai đoạn. Các cơ quan, tổ chức, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai được 2.915 cuộc, với 199.632 lượt người tham dự, tại các hội nghị cấp phát 199.782 bộ tài liệu gồm: Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN; 3.600 sổ tay tuyên truyền và 1.500 tờ gấp tuyên truyền Luật PCTN. Đồng thời, thực hiện đưa tin, bài trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh 12 kỳ, tuyên truyền trên Báo Sóc Trăng đã phát hành là 10.260 tờ. Thanh tra tỉnh đăng tin bài trên cổng thông tin điện tử của đơn vị với 120 tin. Qua tuyên truyền, phổ biến chiến lược quốc gia PCTN, pháp luật về PCTN và Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng đã nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh PCTN trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Đồng chí cho biết về nhóm giải pháp công khai, minh bạch trong thực hiện PCTN?

Đồng chí Lâm Hoàng Thanh:Thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo, quán triệt các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện tốt 3 khâu đột phá chiến lược, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó, có các nội dung liên quan đến cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ được đặc biệt chú trọng. Nền hành chính của tỉnh đã có bước chuyển biến theo hướng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, tạo lòng tin của nhân dân và doanh nghiệp. Triển khai có hiệu quả việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và kinh phí quản lý hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước và thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đã góp phần thúc đẩy các cơ quan nhà nước sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bố trí, sử dụng cán bộ công chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức; các đơn vị sự nghiệp công lập có chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả công việc, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển hoạt động sự nghiệp.

Việc công khai, minh bạch các quyết định, kết luận trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra được thực hiện đúng theo quy định; việc áp dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành được tăng cường; việc sử dụng thanh toán điện tử, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán giữa các tổ chức, cá nhân được đẩy mạnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chi trả lương và thanh toán khác qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước được 1.055/1.109 tổng số đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước chi trả lương và thanh toán khác qua tài khoản, đạt 95,13%.

Phóng viên: Việc phát hiện và xử lý tham nhũng trên địa bàn tỉnh được thực hiện ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Lâm Hoàng Thanh: Các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN trên địa bàn tỉnh hoạt động có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác PCTN luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có nhiều nỗ lực, cố gắng để nâng cao hiệu quả tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác PCTN trên địa bàn. Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác PCTN được tăng cường, nhất là phối hợp giữa cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố. Thông qua các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định về PCTN đã giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương chấp hành tốt các quy định của pháp luật về PCTN, nâng cao hiệu quả việc phòng ngừa tham nhũng, kịp thời chấn chỉnh và xử lý sai phạm (nếu có). Hơn 10 năm qua, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý nghiêm 23 vụ việc, 42 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng và thu hồi số tiền hơn 5.646 triệu đồng sai phạm liên quan đến tham nhũng.

Ngày 26-11-2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Quyết định số 1552-QĐ/TU về việc thành lập Ban Chỉ đạo công tác PCTN tỉnh Sóc Trăng, do Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban và Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Thành lập Ban Chỉ đạo công tác nội chính và PCTN ở 11 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và 6 ban chỉ đạo công tác PCTN cấp sở, ban ngành. Các ban chỉ đạo về PCTN không ngừng được củng cố, kiện toàn đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới. Điều này khẳng định, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cùng sự quyết liệt trong công tác PCTN của cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh. Tỉnh luôn xác định việc phòng ngừa tham nhũng là mục tiêu chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí.

SỚM MAI (Thực hiện)

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/quyet-liet-trong-thuc-hien-chien-luoc-quoc-gia-phong-chong-tham-nhung-46998.html