Quyết liệt phòng ngộ độc thực phẩm trong trường học

Khi cho con học bán trú, các bậc phụ huynh luôn mong mỏi bữa ăn bán trú phải đảm bảo An toàn thực phẩm (ATTP) và đủ dinh dưỡng, bởi các cháu đang tuổi phát triển, những bữa ăn nghèo nàn, thiếu chất sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ. Từ thực tế ấy, nhiều phụ huynh kỳ vọng, đối với công tác tổ chức ăn bán trú, Ban giám hiệu các nhà trường phải thể hiện được trách nhiệm, sát sao kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, nơi sản xuất, nguồn cung cấp một cách thường xuyên chứ không phải chỉ khi nào có sự cố xảy ra thì mới xem xét đến hợp đồng, trách nhiệm.

Đảm bảo vệ sinh ATTP từ bếp ăn bán trú của mỗi nhà trường.

Đáp lại sự kỳ vọng của phụ huynh, đã có nhiều nhà trường chủ động kiểm tra, giám sát thực phẩm, suất ăn bán trú kỹ lưỡng. Việc giám sát có sự phối hợp giữa Ban giám hiệu, Công đoàn nhà trường cũng như đại diện Ban phụ huynh. Đại diện cha mẹ học sinh được kiểm tra về định lượng suất ăn, độ tươi ngon theo yêu cầu và tham gia giám sát kiểm định ATTP. Ngoài ra, đại diện Ban phụ huynh có thể kiểm tra về quy trình đảm bảo ATTP, bếp ăn một chiều, các điều kiện bảo đảm vệ sinh đồ dùng, dụng cụ nhà bếp... và vệ sinh môi trường xung quanh nơi công ty thực hiện nấu ăn, chế biến thức ăn cho trường học. Thông qua những buổi giám sát như vậy, các trường đã kịp thời góp ý cho các công ty để công tác phục vụ suất ăn bán trú cho học sinh nhà trường đảm bảo ATTP, chất lượng bữa ăn tốt hơn.

Tuy nhiên vẫn xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học thời gian qua, nguyên nhân chủ yếu là do các quy định về bảo đảm ATTP chưa được tuân thủ đầy đủ, trong đó nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhận thức của người chế biến còn hạn chế… gây hậu quả nghiêm trọng, như vụ ngộ độc thực phẩm ở Trường Ischool Nha Trang ngày 17/11 đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, bởi số lượng học sinh phải đến các cơ sở y tế lên đến hơn 600, trong đó có 360 học sinh nhập viện nội trú, 21 trường hợp nặng phải theo dõi, và rất đau xót một học sinh đã tử vong. Sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng bữa ăn học đường và đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa từ cơ quan chức năng.

Sau vụ ngộ độc thực phẩm ở trường Ischool Nha Trang, nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người học khi tổ chức bữa ăn học đường, ngày 21/11/2022 Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 6141/BGDĐT-GDTC gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, ATTP trong các cơ sở giáo dục. Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở GD&ĐT, sở y tế, UBND các quận, huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, ATTP. Cụ thể, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật An toàn thực phẩm; Chỉ thị số 4316/CT-BGDĐT ngày 12/10/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về tăng cường công tác bảo đảm ATTP trong các cơ sở giáo dục và các văn bản, tài liệu hướng dẫn hiện hành của Bộ GDĐT, Bộ Y tế về bảo đảm vệ sinh ATTP. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục (nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục), giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm vệ sinh, ATTP, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm.

Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi. Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.

Tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng, chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền do nguồn nước không đảm bảo; huy động đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên tham gia vệ sinh khuôn viên trường, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải xung quanh sân trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học. Lập kế hoạch duy trì các hoạt động bảo hành, bảo dưỡng các công trình nước sạch, vệ sinh trong các cơ sở giáo dục.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh để nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm.

Từ các vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Chuyên gia Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho rằng: “Đối với an toàn thực phẩm, quan trọng là ngăn chặn chứ không phải là xử lý; phòng phải hơn chống, không để nó xảy ra”. Và để tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nêu quan điểm: “Ban phụ huynh của trường phải tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên. Phụ huynh phải tham gia giám sát giá trị dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày và quan trọng hơn là ATTP. Cùng với đó là cơ quan chức năng phải có trách nhiệm pháp lý, chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra, đồng thời có hướng dẫn, tiến hành kiểm tra các cơ sở cung cấp bữa ăn, nếu không đạt thì không ký hợp đồng nữa”.

Việc đảm bảo vệ sinh ATTP bếp ăn bán trú trong các trường học không chỉ giúp học sinh có một sức khỏe tốt mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Làm thế nào để khắc phục triệt để tình trạng ngộ độc thực phẩm trường học, khó có thể đưa ra câu trả lời, bởi mỗi khi có sự cố xảy ra, học sinh phải vào viện cấp cứu thì cũng là lúc sự đã rồi. Mong rằng cùng với các giải pháp đồng bộ của các cơ quan chức năng, sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương sự tuân thủ pháp luật của các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm và sự đồng lòng, chung sức của người dân, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học trong thời gian tới sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Và điều quan trọng nhất là trông mong vào chữ “tâm” của các đơn vị cung cấp nguồn thực phẩm, cung cấp suất ăn nấu sẵn cho các trường học; trông đợi vào chữ “tâm” của nhân viên nhà bếp tại các trường.

Phạm Kim

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-de-hom-nay/quyet-liet-phong-ngo-doc-thuc-pham-trong-truong-hoc/189003.htm