Quyết liệt đấu tranh với 'giặc lửa'

Theo dự báo, trong thời gian tới, tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ còn xảy ra nhiều đợt nắng nóng. Nhiệt độ dự báo phổ biến từ 35-38 độ, có những nơi trên 39-40 độ, độ ẩm không khí ở mức thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy và dẫn đến cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Các lực lượng chức năng và người dân luôn phải nêu cao tinh thần sẵn sàng thường trực chiến đấu với 'giặc lửa'.

Cháy nổ diễn biến phức tạp

Thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra nhiều vụ cháy. Trong đó, nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, lẻ nằm trong khu dân cư, làm chết và bị thương nhiều người… Theo thống kê, số vụ cháy xảy ra tại các hộ gia đình và khu dân cư chiếm gần 80% trong tổng số các vụ cháy trên toàn Thành phố. Điều này cho thấy, tình hình cháy nổ vẫn đang diễn biến phức tạp.

Lực lượng chức năng diễn tập phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn

Lực lượng chức năng diễn tập phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn

Ngày 1/6, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an quận Bắc Từ liêm, Hà Nội đã kịp thời tổ chức tìm kiếm cứu nạn, đưa người bị thương đi cấp cứu, dập tắt đám cháy tại cửa hàng kinh doanh thiết bị điện nước vào khoảng 3 giờ sáng. Đám cháy bất ngờ bùng phát tại gian hàng kinh doanh thiết bị điện nước bên ngoài tầng 1 ngôi nhà 4 tầng có địa chỉ số 203A đường Phú Diễn, phường Phú Diễn. Các lực lượng nỗ lực chữa cháy, sau khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ đám cháy đã được khống chế và dập tắt hoàn toàn. Quan sát hiện trường vụ cháy nhận thấy toàn bộ hàng hóa vật tư tại cửa hàng do tác động bởi nhiệt đã cháy than hóa hoàn toàn, tường trần khu vực cháy bị bong chóc và ám khói muội đen. Tuy thời gian chữa cháy không dài nhưng do thời gian chữa cháy vào lúc trời tối, khói khí độc nhiều gây khó khăn cho công tác tổ chức tìm kiếm người bị nạn và tổ chức cứu chữa vụ cháy.

Trước đó, một vụ cháy nhà với hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra tại số nhà 311 Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa làm 4 người tử vong vào rạng sáng ngày 4/4. Theo Chỉ huy Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an quận Đống Đa, khoảng 0h25 ngày 4/4, đơn vị nhận được tin báo xảy ra cháy tại địa chỉ nói trên. Ngay sau đó, các lực lượng chữa cháy, Công an của quận đã có mặt tại hiện trường. Lúc này đám cháy đã lan ra các tầng 1, tầng 2, tầng 3 và tầng tum, cửa cuốn tại tầng 1 trong trạng thái khóa, chỉ có một lối tiếp cận duy nhất. Lửa lúc đó rất lớn, bao trùm toàn bộ căn nhà. Khi nghe tin có người mắc kẹt bên trong, lực lượng chữa cháy triển khai phá cửa cuốn và huy động các vòi phun công suất cao tiến vào trong để chữa cháy và mở đường ưu tiên tìm kiếm người bị nạn. Tuy nhiên, căn nhà này kinh doanh bỉm sữa, đồ trẻ em với không gian đồ đạc, hàng hóa nhiều, toàn vật liệu dễ cháy nên rất khó để lực lượng chữa cháy tiếp cận và cứu nạn, cứu hộ. Đến khoảng 2h30 cùng ngày, đám cháy được dập tắt.

Đại úy Dương Minh Hoàng - Phó Đội trưởng Đội cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an quận Đống Đa, thông tin, ngày hôm trước gia đình này vừa nhập hai xe tải bỉm nên ngoài số bỉm ở tầng 1, phòng kho ở gác xép, khu vực cầu thang thì trên tầng tum có 3 giá để hàng lớn cũng chất đầy bỉm. Khi tìm kiếm những người mắc kẹt, chúng tôi phát hiện các thi thể đều nằm ở khu vực tầng tum nhưng do cầu thang từ dưới lên tầng tum bằng khung sắt, các chiếu nghỉ bằng gỗ đã bị cháy hết nên việc đưa thi thể nạn nhân ra ngoài gặp nhiều khó khăn, không có đường đi…

Chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy

Công an thành phố Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 114 vụ cháy, nổ làm 13 người chết, 14 người bị thương, trong đó có 6 vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng, đều xảy ra tại loại hình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Nguyễn Minh Thành - Phó Trưởng Công an quận Đống Đa, cho biết, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, do nhu cầu về sinh hoạt, phát triển kinh tế, số lượng hộ gia đình sử dụng nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất chiếm số lượng lớn. Trong khi đó, các hộ gia đình xây dựng chỉ với mục đích để ở, sau đó chuyển đổi kết hợp kinh doanh, sản xuất nên các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy như giao thông, khoảng cách, nguồn nước, giải pháp thoát nạn, ngăn cháy, sử dụng điện không đảm bảo. Đồng thời thường xuyên tồn chứa các loại đồ dùng, vật dụng, hàng hóa, sản phẩm dễ cháy, do đó tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao; khi xảy ra cháy, nổ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng…

Ban Chỉ đạo Phòng cháy chữa cháy phường Cát Linh phối hợp với Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an quận Đống Đa kiểm tra, ký cam kết với các trường hợp nhà ở kết hợp kinh doanh có nguy cơ cao về cháy nổ

Ban Chỉ đạo Phòng cháy chữa cháy phường Cát Linh phối hợp với Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an quận Đống Đa kiểm tra, ký cam kết với các trường hợp nhà ở kết hợp kinh doanh có nguy cơ cao về cháy nổ

Theo cơ quan chức năng, một thay đổi trong thói quen của người dân vài năm trở lại đây là thường sử dụng các bóng đèn điện hoặc những cây nhang điện thay thế vật dụng truyền thống. Tuy nhiên, việc lạm dụng hoặc quá tin tưởng vào các thiết bị điện này, dẫn đến tình trạng bật liên tục ngày này qua ngày khác, sẽ dẫn tới quá tải và chập cháy. Chưa kể nếu thiết bị đó để trên ban thờ, nơi vốn nhiều đồ mã, hoặc không gian chật hẹp. “Có những nguyên nhân cháy rất đơn giản, xuất phát từ những thói quen hằng ngày mà không ai ngờ tới. Điển hình việc quên tắt các thiết bị điện khi ra khỏi nhà; các bà nội trợ dùng bàn ủi để ủi đồ nhưng quên tắt gây cháy quần áo; rò rỉ điện từ các thiết bị như tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt, máy nước nóng cũ; dây điện bị trầy xước do chuột cắn gây chập điện; lắp đặt đèn chiếu sáng quá sát với trần nhà...”, Thượng tá Đỗ Anh Quyến - Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm khuyến cáo.

Để hạn chế tối đa sự cố cháy nổ tại loại hình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và thực hiện Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 23/4/2021 về việc tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với loại hình cơ sở nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Trong đó, đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu lập hồ sơ quản lý, theo dõi đối với các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy, mỗi cơ sở lập 1 hồ sơ; đối với đối tượng nhà để ở không thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy thì lập danh sách và quản lý theo địa bàn khu dân cư, mỗi khu dân cư lập 1 hồ sơ. Bên cạnh đó, các địa phương cũng hoàn thiện cơ cấu bộ máy tổ chức, biên chế, bố trí kinh phí, chủ động đề xuất trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; duy trì và bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng đáp ứng yêu cầu “4 tại chỗ”.

Thành phố cũng yêu cầu giao 1 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Ủy ban nhân dân cấp xã phân công 1 lãnh đạo trực tiếp chịu trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn quản lý./.

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quyet-liet-dau-tranh-voi-giac-lua-124502.html