Quyết liệt các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết

Hiện đang bước vào mùa mưa là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, tạo điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết (SXH). Do đó, cùng với ngành Y tế Hà Nội, các quận, huyện, thị xã... trên địa bàn Thành phố đã đồng loạt ra quân với nhiều biện pháp quyết liệt nhằm phòng, chống dịch SXH hiệu quả.

Gia tăng bệnh nhân mắc SXH

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính từ đầu năm đến ngày 4/8, toàn Thành phố đã ghi nhận 2.750 trường hợp mắc SXH (tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022) tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 408/579 xã, phường, thị trấn, nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Kiểm tra công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy).

Riêng 4 tuần gần đây, số ca mắc tăng nhanh. Trung bình mỗi tuần ghi nhận 481 trường hợp, tăng 4,3 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc SXH, như: Thạch Thất, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì… Ngoài ra, tính đến ngày 4/8, toàn Thành phố đã ghi nhận 198 ổ dịch SXH tại 24 quận, huyện, thị xã và 111 xã, phường, thị trấn. Hiện tại còn 110 ổ dịch đang hoạt động.

Theo các chuyên gia y tế, vi rút gây bệnh SXH Dengue có 4 loại tương ứng với 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Do đó, mỗi người có thể sẽ mắc SXH 4 lần trong đời, thậm chí lần sau còn nặng hơn lần trước. Kết quả xét nghiệm 20 mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân mắc SXH trong tháng 7/2023 tại Hà Nội cho thấy, 12 mẫu dương tính DEN-1 và 4 mẫu dương tính DEN-2.

Vào thời điểm hiện tại, số lượng bệnh nhân mắc SXH tại một số bệnh viện đang có xu hướng gia tăng. Đơn cử, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian qua đã tiếp nhận 120 trẻ mắc SXH đến khám và điều trị; trong đó hơn 50 bệnh nhi nhập viện có dấu hiệu cảnh báo. Thậm chí, nhiều trẻ trong số này tái mắc bệnh. Trước những diễn biến khó lường của bệnh SXH, các chuyên gia y tế khuyến cáo, mọi người nếu thấy sốt cao đột ngột cần vào viện khám ngay, vì bệnh SXH có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng rất nhanh.

Đồng bộ nhiều giải pháp phòng bệnh

Trước tình hình bệnh SXH diễn ra phức tạp trên địa bàn Thành phố, ngành Y tế Hà Nội cùng các quận, huyện, thị xã… đã đồng loạt ra quân với nhiều giải pháp và hoạt động thiết thực nhằm chủ động phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Là một trong những huyện có số các mắc SXH cao, thời gian qua, huyện Thanh Trì đã tập trung cả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như triển khai các hoạt động cho công tác phòng, chống dịch SXH. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Thanh Trì, lũy tích đến ngày 2/8, trên địa bàn huyện có 243 trường hợp mắc SXH tại 15/16 xã, thị trấn; ca bệnh tập trung chủ yếu tại thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh. Hiện trên địa bàn huyện còn 9 ổ dịch đang hoạt động, đa số các ổ dịch ghi nhận từ 2 - 3 bệnh nhân.

Ngay từ đầu năm, ngành Y tế huyện đã chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực, trang thiết bị, hóa chất để phục vụ công tác phòng, chống dịch. TTYT đã làm tốt việc giám sát dịch tại cơ sở y tế, cụ thể là 3 đơn vị: Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Trì, Bệnh viện Đa khoa Thăng Long, Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp cũng như tại cộng đồng; triển khai giám sát 87/87 ổ dịch cũ năm 2022; giám sát bọ gậy và muỗi truyền bệnh SXH tại tất cả các xã, thị trấn.

Đồng thời, TTYT huyện đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy đợt 1 trên toàn địa bàn từ ngày 1/7 đến 28/7; tổ chức 16 lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn giám sát phát hiện, xử lý bọ gậy cho lực lượng phòng, chống dịch xã, thị trấn; tập huấn kỹ năng sử dụng máy phun, kỹ thuật phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành cho công nhân phun hóa chất...

Tương tự, tại phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), thời gian qua, phường cũng tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH. Tính từ đầu năm, trên địa bàn phường có 28 bệnh nhân mắc SXH và hiện có 2 ổ dịch đang hoạt động. Chính vì vậy, chiều 7/8, đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc TTYT quận Cầu Giấy đã làm việc với Ủy ban nhân dân phường để cùng chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn.

Được biết, phường Dịch Vọng Hậu đã thực hiện 2 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng, chống dịch SXH trên quy mô toàn phường, huy động các ban, ngành, đoàn thể và người dân cùng tham gia; tổ chức vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy vào sáng thứ 7 hằng tuần, thực hiện thu gom phế thải, phế liệu tại hộ gia đình, khu dân cư; phân công cộng tác viên đến từng hộ gia đình kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường; tuyên truyền để người dân chủ động công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phát hiện các trường hợp sốt báo ngay cho cộng tác viên hoặc trạm y tế để kịp thời điều tra và xử lý ổ dịch tại cộng đồng kịp thời, hiệu quả.

Người dân loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, phòng tránh muỗi đẻ trứng.

Cùng với đó, chính quyền địa phương phối hợp với ngành Y tế tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch SXH, vận động người dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường; tổ chức bồi dưỡng kiến thức về giám sát, phát hiện ca bệnh, kỹ năng diệt bọ gậy cho 100% cộng tác viên; tổ chức truyền thông phòng, chống dịch SXH cho người dân tại cộng đồng; phát 3.000 tờ rơi, treo băng zôn về phòng, chống dịch SXH.

Lãnh đạo TTYT quận Cầu Giấy đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch SXH tại Tổ dân phố số 9, phường Dịch Vọng Hậu. Đây là khu vực ghi nhận số ca mắc SXH nhiều nhất trên địa bàn phường. Qua kiểm tra thực tế, tại một số hộ gia đình vẫn còn thùng xốp chứa nước chưa được che đậy, chậu cây cảnh ngoài trời có nước đọng. Trước thực trạng trên, lãnh đạo TTYT quận đề nghị Ủy ban nhân dân phường chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch SXH theo phương châm “4 tại chỗ”. Tăng cường công tác hỗ trợ, phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất phòng, chống dịch SXH trên địa bàn…

Cũng theo các chuyên gia y tế, bệnh SXH lây lan là do muỗi vằn truyền bệnh. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc chống dịch của các địa phương, ý thức phòng bệnh tại gia đình của mỗi người dân rất quan trọng. Hàng tuần, mỗi người nên bỏ ra từ 10 -15 phút để kiểm tra khuôn viên trong gia đình, nhằm phát hiện các dụng cụ chứa nước và loại bỏ các dụng cụ, phế thải… có thể chứa nước đọng là nơi muỗi đẻ trứng, sinh ra các ổ bọ gậy phát triển thành muỗi truyền bệnh. Khi có những bất thường về sức khỏe cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quyet-liet-cac-bien-phap-phong-benh-sot-xuat-huyet-159195.html