Quyền và trách nhiệm công dân

Ngày 23-5-2021 là ngày hội của toàn dân, ngày cử tri cả nước thực hiện quyền và trách nhiệm công dân thông qua lá phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng, có ý nghĩa quan trọng của đất nước, được tổ chức sau thành công tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, như một biểu hiện sinh động về dân chủ đã và đang lan tỏa trong đời sống xã hội.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó... Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”.

Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân... Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”.

Vì lẽ đó, bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là dịp để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, trực tiếp lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước các cấp, thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Mỗi cử tri khi tham gia bầu cử không những là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước. Lá phiếu bầu còn biểu hiện sinh động lòng tin của dân với Đảng, với chế độ và mang sứ mệnh góp phần dựng xây Tổ quốc.

Tuy nhiên, qua nhiều cuộc bầu cử, còn một bộ phận cử tri có biểu hiện bàng quan, lơ là với việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Biểu hiện rõ nhất là coi sự kiện chính trị quan trọng này không có liên quan đến bản thân mình, nên nhờ người khác bầu hộ, thậm chí không tham gia bỏ phiếu.

Một bộ phận không nhỏ cử tri không tìm hiểu kỹ các ứng cử viên, không căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu để so sánh, lựa chọn người thực sự tiêu biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Thậm chí, có cử tri dùng lợi ích cá nhân để “mặc cả” việc đi bỏ phiếu bầu cử; hay đi bỏ phiếu “cho xong”, “gạch bừa” chỉ để được đóng dấu “đã đi bầu”.

Rõ ràng, những cử tri nói trên không những tự mình tước bỏ quyền lợi thiêng liêng của mình, mà còn hành xử thiếu trách nhiệm đối với đất nước, với dân tộc.

Bởi, cùng với “quyền”, Hiến pháp, pháp luật cũng quy định rõ “nghĩa vụ” của công dân liên quan đến đất nước, như “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc”, “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật, chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng”...

Trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, nghĩa vụ của cử tri được thể hiện rõ qua giới thiệu người ra ứng cử, 3 lần tổ chức hội nghị hiệp thương, các hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú của người ứng cử, các cuộc tiếp xúc tuyên truyền, vận động bầu cử của người ứng cử.

Do vậy, một số luận điệu tiêu cực, phản động cho rằng, cử tri có thể đi bầu cử hoặc không vì chỉ là quyền mà không phải là nghĩa vụ là hoàn toàn sai trái, ngụy biện cả trong thực tiễn lẫn pháp lý.

Ngày bầu cử đang tới gần, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bầu cử, chọn ra những đại biểu xứng đáng đại diện cho Nhân dân vẫn còn nguyên tính thời sự. Hơn lúc nào hết, lòng yêu nước của mỗi cử tri phải được thể hiện qua sự tích cực tham gia bỏ phiếu, lựa chọn kỹ lưỡng, bầu đủ số lượng đại biểu được bầu, xứng đáng là những công dân có trách nhiệm đối với đất nước.

Biên Phòng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quyen-va-trach-nhiem-cong-dan-post439984.html