Quyển sổ tay của nội

Sau ngày nội mất, cả nhà hụt hẫng thấy rõ. Những gương mặt mùa xuân bỗng biến thành mùa đông lạnh lùng. Ba dù mạnh mẽ cách mấy vẫn không giấu được vẻ yếu đuối của mình. Ngồi bất cứ nơi đâu ba cũng trầm ngâm, thở dài. Tôi hiểu những lúc ấy ba đang nhớ về bà nội. Không giống như ba, dù buồn nhưng mẹ vẫn phải quán xuyến việc nhà. Đây cũng là cách tốt nhất để mẹ quên đi nỗi đau vừa qua.

Bà và cháu. (Ảnh minh họa)

Lu bu với công việc nên mẹ bảo tôi dọn dẹp lại phòng của nội cho ngăn nắp. Mẹ nói: "Con cất hết những món đồ của nội rồi đóng gói cho vào kho. Từ nay con sẽ "sở hữu" căn phòng này". À, hóa ra tôi được dọn ra "ở riêng". Trước đây, tôi và đứa em trai ngủ chung phòng. Nó nghịch ngợm và lười còn hơn con lười nữa, đồ đạc vứt lung tung làm tôi dọn mãi mà vẫn bừa bộn. Giờ thì tôi được "giải phóng" rồi. Gương mặt tỏ ra hân hoan, nhưng lòng thì cứ man mác nỗi buồn khó diễn tả. Bởi cứ mỗi lần bước vào căn phòng của nội là những kỷ niệm về nội lại hiện ra làm tôi nhớ thương, nuối tiếc khôn nguôi. Chính căn phòng này nhiều lần tôi "cầu cứu" nội để tránh ba, mẹ đánh đòn. Và cũng nơi đây, nhiều đêm tôi nằm nghe bà kể chuyện đời xưa.

Phòng bà rất ngăn nắp, tinh tươm. Mọi thứ đều chỉn chu như những nơi người ta làm phòng trưng bày nội thất. Phải công nhận nội có khiếu thẩm mỹ cao, trưng bày vật dụng đều logic, thu hút, dù rằng nội chưa qua lớp kiến trúc nội thất bao giờ. Sự sắp xếp đều theo cách của bà già nhà quê. Tất cả đồ đạc của nội đa phần đều là quần áo, vải vóc. Nghe ba kể, nội rất thích thêu thùa, may vá. Cứ hễ rảnh là nội ngồi đan len, may quần, vá áo. Những chiếc áo bà ba, sơ mi, mền, khăn... trong nhà chủ yếu là do bàn tay khéo léo của nội làm nên. Điều đặc biệt là nội không tốn tiền mua vải mà nội cất công đi xin vải vụn ở những nhà may. Chao ôi, đến bây giờ mà nội còn giữ những cái áo, cái quần nội đã may cho anh em chúng tôi lúc còn nhỏ. Giờ nhìn lại thấy đáng yêu và khâm phục sự tỉ mẩn cũng như tình yêu thương của bà dành cho con cháu.

Dọn dẹp gần xong thì tôi phát hiện một quyển sổ tay nhỏ nằm ở ngăn tủ cuối cùng. Đó là quyển sổ màu đen của thập niên 80, 90 thế kỷ trước, bằng nửa khổ giấy tập học sinh. Có lẽ đã rất lâu rồi nội chưa lật ra xem nên nó bám đầy bụi bặm, thậm chí mối mọt gặm nhấm lỗ chỗ. Dù vậy, tôi vẫn còn đọc được những dòng chữ bên trong. Ồ, đây là quyển sổ mua bán. Hóa ra ngày xưa nội từng là tiểu thương chuyên buôn bán vải vóc ở chợ. Chữ nội nghiêng mềm như cành liễu, rõ nét và ngay ngắn. Nhìn qua cũng biết nội là người kỹ tính, nghiêm túc và sống có nguyên tắc. Này nhé: "Anh Tư Bền mua thiếu một cây vải Katê 200 đồng (trả tiền rồi - gạch bỏ)", "Chị Mai chợ xã còn nợ 5 cái khăn lông 100 đồng (trả tiền rồi - gạch bỏ)"... À, phía sau cuốn sổ cũng có nhiều chữ số. Mặt trước thì nội dùng ghi sổ mua bán, nhưng phía sau nội dùng để ghi thu chi sinh hoạt gia đình. Mỗi ngày mua gì, bao nhiêu tiền nội đều ghi vào sổ để tính toán xem có lạm chi hay không. Một điều khá thú vị ở đây có nhiều trang nội "dành riêng" cho "Thằng Út" - tức ba tôi. Nội mua cho ba rất nhiều đồ, từ quần áo, giày dép, cho đến chi tiền mặt để ba tiêu xài. Có lẽ lúc này ba đang là sinh viên nên việc tiêu pha có phần phóng khoáng. Theo cách ghi thế này (tức quyển 3), tôi nghĩ nội có nhiều quyển sổ tay trong suốt một thời kinh doanh khi còn trẻ. Nhưng theo thời gian, những quyển sổ ấy đã thất lạc hoặc trở thành tro bụi.

Mang quyển sổ tay đưa cho ba xem, ba cười giả lả: "Ờ, thì lúc đó ba đang yêu mẹ con, nên phải ăn diện, phải tốn tiền đi chơi chứ. Mà cũng may là mẹ con không đua đòi như mấy cô gái khác nên bà nội ưng. Công nhận nội con kỹ tính ghê. Chuyện thế này cũng ghi vào sổ, cứ như ba là thằng công tử ăn xài hoang phí không bằng". Được dịp ba kể thêm về tính tiết kiệm của bà nội (nhưng lại có nhược điểm là chiều ba vì ba là con trai duy nhất). Ông nội ngày xưa có tính hời hợt, làm bao nhiêu tiền là tiêu hết vào ăn nhậu. Cũng may bà nội giỏi tính toán, có tài buôn bán, lại đảm đang việc nhà nên quán xuyến mọi chuyện trong ngoài trơn tru.

Nhờ xem sổ tay tôi mới biết ngày xưa bà nội giỏi giang biết nhường nào. Gia đình tôi có cuộc sống no ấm, đủ đầy như hôm nay là một phần công lao của bà nội xây dựng nên. Chợt nghe lòng rưng rưng…!

Tạp bút: Nguyễn Hoàng Duy

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/quyen-so-tay-cua-noi-post287639.html