Quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội nên giao cho công đoàn cấp trên

Ngày 16/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị góp ý Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Lãnh đạo công đoàn cơ sở tại Đồng Nai đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

Hội nghị có sự tham gia của nhiều tổ chức công đoàn cơ sở đại diện cho người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai.

Đại diện nhiều công đoàn cấp trên ở Đồng Nai cho rằng, tình trạng doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội đã diễn ra từ nhiều năm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Luật hiện nay quy định, công đoàn cơ sở được quyền đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm ra tòa án. Tuy nhiên, tại doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài công đoàn cơ sở do doanh nghiệp thành lập, về bản chất vẫn là người làm thuê cho giới chủ, họ rất khó đứng ra kiện chủ của mình. Luật nên quy định công đoàn cơ sở là đơn vị phát hiện, nắm bắt vấn đề, quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội cần giao cho công đoàn cấp trên. Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng dân sự còn nhiều quy định chưa rõ ràng khiến việc khởi kiện bị ách tắc.

Theo lãnh đạo công đoàn các doanh nghiệp đồ gỗ tại Đồng Nai, chính sách thai sản hiện nay quy định lao động chỉ được nghỉ tối đa 5 lần để đi khám thai, thực tế mỗi tháng phụ nữ mang thai đi khám 1 lần, người thai kỳ không ổn định tần suất khám nhiều hơn. Luật quy định người lao động chỉ được nghỉ chăm sóc con ốm đau khi trẻ dưới 7 tuổi. Điều này chưa phù hợp với tuổi trẻ em, bởi sau 7 tuổi khi nằm viện trẻ vẫn chưa thể tự lo cho bản thân, cha mẹ vẫn phải chăm sóc. Người lao động đề nghị khi phụ nữ mang thai thì được nghỉ khám thai tối thiểu 9 lần, cho lao động nghỉ chăm con ốm đau đến khi trẻ quá 13 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Út, Chủ tịch Công đoàn Công ty Yupoong Việt Nam (Khu công nghiệp Loteco, tỉnh Đồng Nai) cho biết, Công ty có hơn 2.000 lao động, chuyên về may mặc. Thời gian qua, tại doanh nghiệp xảy ra tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Nguyên nhân của tình trạng này là do đời sống khó khăn, một số người không tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp, không thể tham gia bảo hiểm xã hội đến khi nghỉ hưu. Ngoài ra, nhiều lao động lo lắng về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, cho rằng cách tính lương hưu đối với công nhân còn bất cập, chính sách bảo hiểm xã hội chưa thật sự hấp dẫn.

Bà Nguyễn Thị Út khẳng định: Đặc thù của ngành may là cần người lao động nhanh nhẹn, mắt quan sát tốt. Tuy nhiên, sau 40 tuổi sức khỏe của người lao động suy giảm, thị lực yếu, nhiều công nhân ngành may phải nghỉ việc, họ chọn rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Nhà nước cần nghiên cứu giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu, tăng chế độ hưu trí. Cho phép rút bảo hiểm xã hội 1 lần đối với lao động tham gia bảo hiểm trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, người tham gia sau khi Luật có hiệu lực không được rút.

Theo ông Bùi Xuân Thống, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn hiện có hàng trăm nghìn lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp lớn sử dụng trên dưới 30.000 lao động. Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được đông đảo người lao động tại Đồng Nai quan tâm. Do Luật liên quan trực tiếp đến chính sách, chế độ đối với người lao động nên tại hội nghị này Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai dành phần lớn thời gian để lắng nghe những kiến nghị, góp ý của giai cấp công nhân. Đoàn sẽ tổng hợp các ý kiến của người lao động gửi cơ quan Trung ương xem xét.

Tin, ảnh: Công Phong (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-sach-bhxh-bhyt/quyen-khoi-kien-doanh-nghiep-no-bao-hiem-xa-hoi-nen-giao-cho-cong-doan-cap-tren-20240416133948267.htm