Quyền Chủ tịch nước trao Huân chương lao động hạng Nhất cho Đại học Thái Nguyên

Sáng nay (4/4), Đại học Thái Nguyên tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất nhân kỷ niệm 30 năm thành lập.

Quyền chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương lao động hạng Nhất cho Đại học Thái Nguyên.

Dự buổi lễ có Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng; cùng lãnh đạo các tỉnh, các trường Đại học trong vùng và lãnh đạo, giảng viên của Đại học qua các thời kỳ, đại diện đại sứ quán các nước, trường đại học, đối tác liên kết đào tạo quốc tế.

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại buổi lễ.

Trong diễn văn tại buổi lễ, GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên đã nêu bật 30 năm xây dựng và phát triển gắn liền với những thành tựu của Đại học, góp phần đào tạo nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển kinh tế xã hội cho các tỉnh trong vùng; được hội đồng thi đua khen thưởng các cấp ghi nhận và hôm nay được trao tặng phần thưởng cao quý - Huân chương Lao động hạng Nhất.

Đại học Thái Nguyên được Chính phủ thành lập ngày 4/4/1994 trên cơ sở sắp xếp lại các trường Đại học trên địa bàn Thành phố Thái Nguyên. Hiện, Đại học Thái Nguyên đang đào tạo trên 70.000 người học ở các trình độ với gần 1000 sinh viên quốc tế. Về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế đã gắn chặt với nhiệm vụ đào tạo và phục vụ cộng đồng. Nhiều kết quả được ứng dụng, được đón nhận và đánh giá cao.

Đại học Thái Nguyên đã cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của địa phương, vùng và đất nước. 10 năm gần đây, Đại học đã thực hiện hàng nghìn đề tài khoa học, hàng trăm đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ, cấp Tỉnh. Giảng viên đã công bố hàng nghìn bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín, Đại học đứng thứ 4 về công bố quốc tế trong các trường công lập; chỉ số nội lực đứng thứ 3 trong các trường Đại học thuộc Bộ; Nhiều sản phẩm KH-CN đã được cấp bản quyền sở hữu trí tuệ, đóng góp thiết thực vào chương trình nông thôn mới và gia tăng giá trị sản phẩm OCOP ở các địa phương.

GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên.

Đại học Thái Nguyên đã chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, ngoài việc thu hút hàng nghìn lưu học sinh từ 23 nước đến học tập, hàng trăm chương trình liên kết với các nước tiên tiến trong khu vực, kết quả quan trọng nhất là giảng viên và người học đã bắt nhịp với hội nhập quốc tế, từ phát triển chương trình đào tạo, quản trị hiện đại, tạo dựng phong cách mới trong giảng dạy và học tập.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên được quan tâm đặc biệt. So với ngày đầu thành lập, giảng viên tăng nhanh số lượng, chú trọng chất lượng, trình độ giảng viên được nâng lên. Trong gần 1000 Tiến sĩ, tỉ lệ nữ 53,7%, nữ giáo sư, phó giáo sư trên 30%; tỉ lệ TS được đào tạo từ các nước tiên tiến tăng mạnh, tỉ lệ TS dưới 40 tuổi trên 50%.

Cơ sở vật chất, xây dựng môi trường giáo dục đại học được chú trọng đầu tư, từng bước được hiện đại hóa, môi trường học tập ở đại học gắn với môi trường đổi mới sáng tạo; văn hóa học đường gắn với môi trường nghề nghiệp, rèn luyện nhân cách người học phát triển toàn diện, đậm bản sắc. Môi trường giáo dục đã có sức hấp dẫn bởi các trường đã có chính sách kịp thời động viên, tôn trọng trí thức, trân trọng các giá trị cống hiến, lan tỏa những tấm gương điển hình, truyền cảm hứng đến người học và cộng đồng….

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đại diện cho các tỉnh trong Vùng trao tặng Hoa và Cờ lưu niệm: “Đại học Thái Nguyên: 30 năm xây dựng và phát triển”.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng kết quả thành tích xuất sắc mà Đại học Thái Nguyên đã đạt được trong suốt 30 năm qua.

Quyền Chủ tịch nước đánh giá cao Đại học Thái Nguyên đã xác định tầm nhìn đến năm 2045, nằm trong nhóm 500 trường Đại học hàng đầu Châu Á, để hiện thực hóa khát vọng lớn lao đó Đại học Thái Nguyên cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và phát triển vùng.

Đồng thời, năng động, sáng tạo có phương pháp, cách làm bài bản, khoa học có lộ trình, bước đi phù hợp, trong đó cần xây dựng mô hình quản trị đại học hiện đại, kiên trì thực hiện tự chủ đại học, không chỉ về tài chính, đầu tư mà còn tự chủ về chương trình, phương pháp đào tạo, tiếp cận với xu thế hiện đại và phù hợp với thực tiễn Việt Nam, lấy người học làm trung tâm, lấy nhu cầu của xã hội là tiêu chí, xây dựng chương trình, nội dung và cách thức giảng dạy, có như vậy mới có sức hấp dẫn với xã hội, theo kịp xu thế đào tạo tiên tiến và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Các đại biểu thăm quan khu trưng bày các sản phẩm nghiên cứu của Đại học Thái Nguyên.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghiên cứu khoa học, xây dựng môi trường làm việc văn minh, hiện đại và từng bước có chế độ đãi ngộ thỏa đáng với cán bộ, giảng viên.

Quyền Chủ tịch nước đề nghị Bộ GD&ĐT, các Ban, Bộ, ngành trung ương, tỉnh Thái Nguyên các địa phương trong vùng tiếp tục quan tâm tạo điều kiện và dành nguồn lực hỗ trợ tốt nhất để Đại học Thái Nguyên phát triển theo đúng định hướng đã đề ra.

Đại học Thái Nguyên vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất trong đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/quyen-chu-tich-nuoc-trao-huan-chuong-lao-dong-hang-nhat-cho-dai-hoc-thai-nguyen-post678038.html