Quy trình sơ cứu bỏng ở trẻ em

Hãy ngâm vùng bị bỏng vào nước mát sạch ngay lúc đó, đánh giá mức độ của vết bỏng để lựa chọn cách sơ cứu và chăm sóc cho bé tại nhà hay cần phải đưa đến bệnh viện.

Hãy ngâm vùng bị bỏng vào nước mát sạch ngay lúc đó, đánh giá mức độ của vết bỏng để lựa chọn cách sơ cứu và chăm sóc cho bé tại nhà hay cần phải đưa đến bệnh viện.

Có rất nhiều tình huống gây ra những vết bỏng trên cơ thể của bé, đặc biệt là những trường hợp đó vẫn có thể sẽ xảy ra ngay cả với các ông bố bà mẹ cẩn thận nhất (Hình minh họa) Nguồn: Internet

Hãy thực hiện những việc này ngay khi phát hiện bé bị bỏng

Việc đầu tiên bạn cần làm là ngăn chặn tác hại của nhiệt độ cao gây ra trên làn da mong manh của bé ngay cả khi da không còn tiếp xúc với tác nhân gây bỏng.

Nhiệt lượng tích tụ ở vết bỏng vẫn tiếp tục gây tổn thương sâu hơn cho bé. Hãy làm nguội vết thương bằng nước mát và sạch. Nước mát sẽ giúp giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương.

Ngâm ngay phần bị bỏng của cơ thể vào nước mát sạch. Nếu không, bạn có thể dội nước mát sạch lên đó vài lần, hoặc cho nước vòi chảy lên. Không dùng nước đá lạnh để làm mát vì có thể gây tổn thương da (Hình minh họa). Nguồn: Internet

Hãy cắt bỏ phần áo/quần che phủ bên trên vết bỏng (nếu có) và dội nước mát liên tục lên vết thương trong vòng ít nhất 20 phút. Bạn có thể dùng khăn thấm nước mát đắp lên vết thương, liên tục thay khăn vài phút một lần.

Chú ý rằng không nên cởi bỏ quần áo qua vùng thương tích để tránh chạm tới khu vực bị bỏng. Đặc biệt không lộn áo qua đầu trẻ vì bạn có thể làm bé bị bỏng ở mặt. Cố gắng thực hiện các biện pháp này kể cả nếu bé khóc lóc, chống đối. Hãy trấn an và cho bé dùng thuốc giảm đau (paracetamol) nếu cần.

Không nên bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng…lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương (Hình minh họa). Nguồn: Internet.

Đánh giá mức độ nặng của vết bỏng để lựa chọn cách sơ cứu và chăm sóc phù hợp cho bé

Bỏng độ 1:

Da đỏ lên, không có phỏng nước.

Chỉ lớp da ở nông nhất bị ảnh hưởng.

Vết bỏng lành nhanh, không để lại sẹo.

Cách chăm sóc vết bỏng: Lô hội (aloe vera) là vũ khí rất tốt trong điều trị bỏng nhẹ. Bôi gel lô hội (loại hàm lượng 100%) lên vết bỏng vài lần mỗi ngày. Hoặc lấy lá lô hội cắt từng đoạn rồi xẻ mỏng, áp vào da để nhựa cây tiếp xúc với chỗ bỏng.

Bỏng độ 2:

Da bị tổn thương sâu hơn, tạo phỏng nước, gây đau đớn (tuyệt đối không được chọc phá các bọng nước này).

Một phần chân bì (phần sâu của da) vẫn còn nên da có thể tái tạo được.

Nếu điều trị đúng sẽ không để lại sẹo, trừ khi diện tích bỏng quá rộng.

Cách chăm sóc vết bỏng: Việc điều trị phức tạp hơn. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Sau đây là một số gợi ý:

Thực hiện 2 lần mỗi ngày: Tráng vết bỏng bằng nước muối sinh lý. Việc này giúp tẩy rửa vi trùng và phần da chết khỏi bề mặt vết thương.

Hong khô vết bỏng: Bôi kem silver sulfadiazine 1% (Silvirin, Silvadene) lên vết bỏng. Loại kem kháng khuẩn này tỏ ra rất hiệu quả trong làm lành vết thương, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Cần bôi kem bằng dụng cụ vô trùng. Lấy que đè lưỡi vô trùng mua ở hiệu thuốc để bôi một lớp dày kem lên vết bỏng. Cần dùng rất nhiều kem. Trong lần thay băng sau đó, nếu thấy toàn bộ kem bôi lần trước đã thấm vào băng, không còn đọng lại trên bề mặt vết bỏng thì nên hiểu là bạn dùng thuốc chưa đủ.

Bỏng ở trẻ em là bệnh lý hết sức nguy hiểm, có thể gây tử vong. Da của trẻ chưa đạt được độ dày như của người lớn, vì vậy trẻ bị bỏng nhanh hơn. Chỉ cần 5 giây với nước nóng 60 độ có thể khiến bé bị bỏng độ 3 (Hình minh họa). Nguồn: Internet

Băng vết bỏng bằng gạc vô trùng. Một nhược điểm của băng gạc thông thường là cho phép tổ chức hạt mới hình thành tại vết thương mọc xuyên qua khe hở của gạc, gây bám dính. Vì vậy, việc thay băng nhiều khi trở nên khó khăn và rất đau đớn đối với trẻ. Cố gắng tháo bỏ băng gạc có thể gây tổn thương da, khiến vết thương lâu lành. Băng tulle gras giúp khắc phục tình trạng này. Đây là một loại băng làm từ vật liệu đặc biệt, được tẩm thuốc, không bám dính vào bề mặt vết thương. Nó giúp duy trì độ ẩm, đẩy nhanh quá trình lành vết thương và giúp việc thay băng trở nên dễ dàng, không đau đớn.

Hãy đặt một tấm băng tulle gras lên lớp kem, trước khi đắp băng gạc vải. Nếu vết thương tiết dịch nhiều, có thể lót thêm một lớp bông trên lớp gạc vải. Sau đó dùng băng chun băng vùng bị tổn thương. Tính từ trong ra ngoài, cần băng theo thứ tự: kem kháng khuẩn, gạc tull gras, gạc vô trùng, bông và cuối cùng là băng chun.

Kéo căng da để phòng ngừa vết bỏng co rút và hạn chế vận động sau này. Thông thường, khi da bị bỏng, phần da lành xung quanh bắt đầu co cụm lại, o ép vùng da bị bỏng. Nếu vết bỏng nằm ở phần cơ thể thường bị co giãn nhiều (ví dụ da lòng bàn tay và ngón tay), nguy cơ co rút sẽ lớn. Hãy thực hiện các bài tập kéo căng vùng da xung quanh vết bỏng khoảng 10 lần mỗi ngày, mỗi lần một phút. Điều này giúp ngăn ngừa sự co rút vết bỏng gây khó khăn cho vận động sau này.

Khi phần da bị bỏng bong ra, có thể nhìn thấy một lớp da mới màu đỏ nằm ở dưới. Lớp da này sẽ dần chuyển sang màu hồng. Khi này bạn có thể ngừng bôi thuốc và không phải băng vết thương nữa.

Bỏng độ 3:

Hủy hoại toàn bộ bề dày của da. Thường không có bóng nước vì lớp trên cùng của da đã bị phá hủy.

Vùng da bỏng có mầu trắng hoặc cháy sém. Có thể bỏng sâu tới cơ và xương.

Để lại sẹo kể cả nếu điều trị đúng.

Cách chăm sóc vết bỏng: Nhất thiết phải đi khám bác sĩ, không tự điều trị tại nhà.

Lưu ý rằng hãy nhanh chóng đưa bé đi khám bác sĩ nếu:

Bỏng rộng ở một phần cơ thể (bỏng toàn bộ lưng, hoặc ngực và bụng, hoặc bỏng toàn bộ một chi). Bỏng diện rộng rất nguy hiểm vì gây mất nhiều nước và gây đau đớn cho trẻ.

Bỏng ở mặt.

Bỏng độ 2 trở lên.

Thùy Hương (t/h)

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/suc-khoe-doi-song/suc-khoe-cong-dong/201706/quy-trinh-so-cuu-bong-o-tre-em-2558584/