Quy tắc ngầm trong nhà tù Arthur Road

Được mệnh danh là 'địa ngục trần gian kiểu cũ', gần 100 năm nay, nhà tù Arthur Road chưa ghi nhận trường hợp nào vượt ngục thành công.

Arthur Road là nhà tù lớn và lâu đời nhất ở Mumbai (Ấn Độ) với diện tích khoảng 0,8 ha, được xây dựng vào năm 1926. Nhà tù được làm bằng đá với kết cấu thép vững chắc. Bao gồm 20 khu an ninh được gọi là "tế bào anda" vì hình dạng giống như quả trứng và nhiều phòng giam bên trong.

Nơi đây từng giam cầm nhiều tù nhân nổi tiếng như tội phạm xã hội đen, khủng bố Mustafa Dossa, Abu Salem, Arun Gawli, ngôi sao Bollywood Sanjay Dutt.

Công trình này có sức chứa 800 tù nhân, nhưng lại giam cầm gấp gần 4 lần con số này. Do tình trạng quá tải, Ủy ban Nhân quyền Tiểu bang đề xuất xây dựng cơ sở khác ở vùng ngoại ô phía đông Mankhurd để giảm tải cho nhà tù. Vào tháng 7/2021, 8 nơi mới đi vào hoạt động sau 5 năm khởi công.

 Toàn cảnh nhà tù Arthur Road. Ảnh: Mumbai Mirror.

Toàn cảnh nhà tù Arthur Road. Ảnh: Mumbai Mirror.

Sự phân chia giữa các tù nhân

Tùy thuộc vào xuất thân hoặc tình trạng tài chính, thứ bậc của những tù nhân được thiết lập, tạo ra sự phân chia nội bộ trong nhà tù. Tù nhân “cao cấp” là các chính trị gia hoặc họ hàng thân thiết của các chính trị gia, những kẻ trong băng đảng xã hội đen, khủng bố. Còn lại là nhóm tù nhân với xuất thân tầm thường, thấp kém.

Trong chuyến đi đến nhà tù Arthur Road vào ngày 26/07/2010, Bộ trưởng Nội vụ Ramesh Bagwe đã thốt lên ngạc nhiên khi phát hiện phòng giam của Abu Salem (trùm xã hội đen và khủng bố người Ấn Độ) có đầy đủ tiện nghi như phòng tắm riêng, giường, đồ dùng, hoa quả, bánh kẹo, áp phích, đồ trang trí. Đặc biệt sàn của căn phòng còn được lát đá cẩm thạch.

Salim Sheikh, thành viên chủ chốt của băng đảng Chhota Shakeel, cũng chia sẻ: “Chúng tôi không bao giờ thiếu bất cứ thứ gì khi ở trong đây. Chúng tôi được ăn những món ăn ngon, thậm chí tôi còn tăng 5 kg trong thời giam bị giam”.

“Điện thoại di động rất hiếm vì chi phí khá cao. Chỉ những thành viên cấp cao của băng đảng mới có thể trả phí để dùng”, anh nói thêm.

Đối với những phạm nhân xuất thân thấp kém, các nhu yếu phẩm cơ bản như xà phòng, thậm chí cả nước cũng là thứ xa xỉ trong nhà tù. Một tù nhân chia sẻ: “Mỗi ngày chúng tôi chỉ được nhận 2 thùng nước trong mỗi doanh trại để tắm, giặt và uống”. Thức ăn được đưa cho các tù nhân như cơm và bánh kẹp.

Nhiều cảnh sát còn tiếp tay cho các tù nhân “cấp cao” bất chấp quy định. Các phạm nhân mới vào hoặc xuất thân thấp kèm sẽ tình nguyện làm tất cả công việc lặt vặt như dọn dẹp và giặt quần áo cho thành viên băng đảng cấp cao. Đổi lại, họ có thêm thức ăn, và quan trọng nhất là sự bảo vệ khỏi các tù nhân khác.

Tệ nạn và hình phạt

Nhà tù thường xuyên chứng kiến các bê bối bạo lực giữa các băng nhóm.

Năm 2006, cuộc đụng độ nổ ra giữa băng đảng Dawood Ibrahim và Chhota Rajan. Sau vụ việc này, những nhóm chống đối vào các khu vực khác nhau của nhà tù.

Vào năm 2010, xung đột giữa trùm xã hội đen Abu Salem và Mustafa Dossa xảy ra, kẻ bị buộc tội trong vụ nổ hàng loạt ở Bombay năm 1993. Khuôn mặt của Salem bị rạch bằng chiếc thìa mài sắc. Sau vụ việc, cả hai bị đưa đi giam cầm ở các khu vực riêng biệt.

 Phạm nhân phía sau song sắt. Ảnh: DNA India.

Phạm nhân phía sau song sắt. Ảnh: DNA India.

Bên cạnh đó, các cựu tù nhân cũng đưa ra lời cáo buộc những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong tù như bị lính canh hành hung, điều kiện sống và vệ sinh xuống cấp, nhưng chính quyền đã bác bỏ toàn bộ cáo buộc.

Đêm 23/6/2017, nữ tù nhân Manjula Shetye (45 tuổi) đã qua đời tại bệnh viện JJ sau khi bị cai ngục đánh đập. Cái chết của Shetye đã gây ra cuộc bạo động vào ngày hôm sau. Các tù nhân đập phá và làm hư hỏng tài sản của nhà tù.

Ngoài ra, các tù nhân cũng thường bị xâm hại tình dục trong tù bởi những tên tội phạm đồng tính. Ngày 16/5/2022, tù nhân Mohammad Irshad Sheikh (19 tuổi) đã cưỡng bức một nam tù nhân (20 tuổi) để thỏa mãn dục vọng.

Hoàng Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quy-tac-ngam-trong-nha-tu-arthur-road-post1322035.html